Kiểm soát nợ xấu, sở hữu chéo thông qua hoạt động kiểm toán

(BKTO) - Nhằm xác định rõ hơn vai trò của KTNN trong việc đánh giá hiệu quả tái cơ cấu ngân hàng và kiểm soát, xử lý nợ xấu, sở hữu chéo, làm cơ sở cho việc xây dựng Kế hoạch kiểm toán thời gian tới, chiều 18/9, Tọa đàm “Nợ xấu và sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng (TCTD) và vai trò của KTNN” đã diễn ra dưới sự đồng chủ trì của đại diện lãnh đạo KTNN chuyên ngành VII và Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán. Tham dự Tọa đàm có 54 đại biểu là công chức, viên chức, Kiểm toán viên nhà nước đến từ các đơn vị trực thuộc KTNN.



Nợ xấu, sở hữu chéo qua lăng kính KTNN

Nhiều tham luận tại Tọa đàm đều chung nhận định, tài chính - ngân hàng là một lĩnh vực nhạy cảm luôn được các cơ quan quản lý nhà nước và dư luận đặc biệt quan tâm bởi những thay đổi về chính sách tiền tệ ảnh hưởng lớn đến toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Vì thế, những năm qua, KTNN luôn chú trọng thực hiện các cuộc kiểm toán tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng thương mại (NHTM), trong đó đặc biệt quan tâm tới việc đánh giá hiệu quả xử lý nợ xấu, sở hữu chéo.

Đáng lưu ý, 3 năm gần đây, KTNN đã thực hiện 3 cuộc kiểm toán việc thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015” tại nhiều NHTM. Các Báo cáo kiểm toán chỉ rõ, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn thao túng ngân hàng được xử lý một bước cơ bản. Dưới sự chỉ đạo của NHNN, các TCTD đã nỗ lực xử lý nợ xấu. Đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 2,46%. Các sự cố thanh khoản được xử lý kịp thời, không để đổ vỡ, khủng hoảng xảy ra ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước.


Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: HUY THÀNH

Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm toán, số liệu báo cáo của NHNN chưa phản ánh đúng thực chất tình hình nợ xấu của các TCTD. Theo báo cáo của NHNN, tính đến cuối năm 2015, tổng nợ xấu của toàn hệ thống là 131,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,6%, giảm 83,1 nghìn tỷ đồng (38,7%) so với số nợ xấu cuối năm 2014.

KTNN cho rằng, số liệu này chưa phản ánh đúng thực chất do thống kê thiếu các khoản nợ xấu: đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC), chưa chuyển theo kết luận của thanh tra và chưa phản ánh trong báo cáo của một số TCTD, nợ đã được cơ cấu lại tiềm ẩn trở thành nợ xấu. Như vậy, nếu tính thêm các khoản này thì số nợ xấu đến cuối năm 2015 là 476,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,9% tổng dư nợ.

Bên cạnh đó, hầu hết các TCTD được kiểm toán có tình trạng phân loại nhóm nợ thiếu chính xác, chưa đúng quy định. Nhiều khoản là nợ xấu không được xếp vào nhóm nợ xấu, xếp nhóm nợ xấu cao hơn hoặc thấp hơn thực tế. Nợ xấu đã bán cho VAMC thực chất chỉ xử lý về mặt kỹ thuật hạch toán và giãn thời gian trích dự phòng mà chưa giải quyết được thực chất. Công tác xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ còn hạn chế.

KTNN còn nhận thấy, quỹ dự phòng rủi ro tín dụng tại các NHTM gia tăng; tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu giảm; rủi ro thanh khoản, kỳ hạn, rủi ro đổ vỡ hệ thống ngân hàng tiềm ẩn do nợ xấu chưa được kiểm soát…

Đối với vấn đề sở hữu chéo, Báo cáo kiểm toán phản ánh, nhiều ngân hàng vi phạm quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần. Đến hết năm 2015, toàn hệ thống vẫn còn 3 cặp ngân hàng sở hữu lẫn nhau; 6 TCTD có sở hữu trên 5% cổ phần các TCTD khác; tình trạng đứng tên hộ cá nhân, đơn vị sở hữu ngân hàng bị phát hiện qua thanh tra chưa được xử lý dứt điểm; 7 TCTD có cổ đông là các tổ chức kinh tế sở hữu cổ phần trên 15% vốn điều lệ; 8 cặp sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau tại các TCTD và 8 NHTM nắm giữ cổ phần hơn 2 TCTD.

KTNN đã đưa ra nhiều kiến nghị đối với các cơ quan quản lý nhà nước và các NHTM nhằm kiểm soát chặt hoạt động tín dụng, hạn chế tình trạng nợ xấu và sở hữu chéo của các TCTD.

Phát huy vai trò của KTNN

Cùng với kết quả kiểm toán, một loạt các đại án ngân hàng được đưa ra xét xử thời gian qua cho thấy, nhiều TCTD chưa tuân thủ các quy định về hoạt động cấp tín dụng và tỷ lệ sở hữu. Điều này khiến nợ xấu chưa được xử lý triệt để, tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo diễn biến phức tạp.

Để tiếp tục giải quyết thực trạng trên, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14, Nghị quyết 42/217/QH14 về xử lý nợ xấu đã được thông qua và có hiệu lực từ ngày 15/8/2017; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Đây là những căn cứ quan trọng để KTNN đánh giá hiệu quả tái cơ cấu NHTM và kiểm soát, xử lý nợ xấu, sở hữu chéo trong thời gian tới.

Để phát huy hơn nữa vai trò của cơ quan kiểm toán, Trưởng phòng Kiểm toán các tổ chức tài chính 1 (KTNN chuyên ngành VII) Nguyễn Thị Thanh Loan kiến nghị, khi xây dựng Kế hoạch kiểm toán giai đoạn 2018-2020, KTNN cần đưa ngành Ngân hàng vào đối tượng trọng tâm kiểm toán hằng năm, nhất là kiểm toán việc thực hiện các giải pháp tái cơ cấu ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14. Đồng thời, KTNN cần nâng cao số lượng, chất lượng và đầu mối các cuộc kiểm toán lĩnh vực ngân hàng và chuyên đề chuyên sâu về quản trị rủi ro, an toàn vốn và sở hữu chéo của các NHTM.

Đi sâu vào các vấn đề cụ thể, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII Trần Nhật Thành lưu ý, tới đây, KTNN cần yêu cầu các ngân hàng sắp xếp lại các nhóm nợ, phân tích rõ nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm, mức độ vi phạm của các cá nhân, tập thể gây ra nợ xấu để kiến nghị xử lý.

Còn Trưởng phòng Ngân hàng 3 (KTNN chuyên ngành VII) Đinh Văn Thu nhấn mạnh, KTNN cần xác định được tỷ lệ sở hữu chéo cụ thể giữa các NHTM để đánh giá xem tỷ lệ đó có vi phạm pháp luật không. Đối với nội dung kiểm toán trọng yếu là nợ xấu, ông Thu cho rằng, KTNN cần chỉ ra được thực trạng dự thu trái với quy định, lãi không thu được lại nhập vào vốn, lãi cộng với vốn không trả được…

Nhận thức rõ việc thực hiện chính sách tiền tệ và tính rủi ro của hệ thống ngân hàng ảnh hưởng rộng tới mọi lĩnh vực kinh tế, một số ý kiến cho rằng, trong quá trình kiểm toán, KTNN cần đưa ra được những cảnh báo sát với thực tế như: không nên áp lực về tăng trưởng, các ngân hàng phải có bộ phận thẩm định chuyên môn đối với hợp đồng vay vốn.

Cùng với đó, việc thực hiện kiểm toán phải thường xuyên, chú trọng cả kiểm toán Báo cáo tài chính và kiểm toán hoạt động. Phạm vi kiểm toán không chỉ bó hẹp trong các NHTM nhà nước mà còn bao gồm cả các NHTM cổ phần khác.

NGỌC MAI
Theo tuần báo số ra ngày 21/9/2017
Cùng chuyên mục
Kiểm soát nợ xấu, sở hữu chéo thông qua hoạt động kiểm toán