Khiếu nại, khởi kiện trong hoạt động KTNN: Đảm bảo quyền và lợi ích của đơn vị được kiểm toán

(BKTO) - Nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan, tổ chức (là đơn vị được kiểm toán hoặc tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán) có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán, Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN bổ sung quy định về quyền khiếu nại, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán. Dự thảo Luật cũng quy định, trong quá trình giải quyết khiếu nại, kết luận, kiến nghị kiểm toán bị khiếu nại vẫn tiếp tục được thi hành.




Tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán có quyền khiếu nại khi không đồng ý với kết luận trong báo cáo kiểm toán. Ảnh: Ngọc Bích

Đơn vị được kiểm toáncó quyền khiếu nạivới Tổng Kiểm toán Nhà nước

Luật KTNN đã có quy định về giải quyết khiếu nại của đơn vị được kiểm toán đối với báo cáo kiểm toán nhưng chưa thực sự đầy đủ, đặc biệt là chưa bảo đảm quyền khởi kiện ra tòa khi đơn vị được kiểm toán không đồng ý với đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị trong báo cáo kiểm toán. Đồng thời, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán cũng chưa có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với kết luận, kiến nghị KTNN.

Vì vậy, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Dự thảo Luật quy định rõ đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán được quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán Nhà nước về hành vi của Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán và các thành viên của Đoàn kiểm toán; đơn vị được kiểm toán được quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán Nhà nước về các đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong báo cáo kiểm toán; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán có quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán Nhà nước về kết luận, kiến nghị trong Thông báo kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về trình tự, thủ tục, thời gian khiếu nại và giải quyết khiếu nại. Hết thời hạn giải quyết khiếu nại, Tổng Kiểm toán Nhà nước phải ban hành quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động KTNN. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng Kiểm toán Nhà nước thì đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán có quyền khởi kiện ra tòa.

Về trình tự, thủ tục khởi kiện, Dự thảo Luật quy định theo hướng sửa đổi 2 điều khoản và một số nội dung mang tính kỹ thuật của Luật Tố tụng hành chính (bổ sung cụm từ “quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động KTNN” vào sau cụm từ “quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh” tại một số điều khoản của Luật Tố tụng hành chính). Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải, các sửa đổi này chỉ là bổ sung thêm tố tụng trong hoạt động kiểm toán, không ảnh hưởng hay thay đổi hoạt động tố tụng hành chính hiện hành đang triển khai thực hiện. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố tụng hành chính nhằm bảo đảm các quy định về khởi kiện có thể thực hiện được ngay khi Luật có hiệu lực thi hành, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị được kiểm toán và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đảm bảo hiệu lực, hiệu quảcủa kết luận kiểm toán

Cùng với quy định về trình tự, thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại, Dự thảo Luật cũng quy định rõ, kết luận, kiến nghị kiểm toán bị khiếu nại vẫn tiếp tục được thi hành, nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN.

Cho ý kiến về vấn đề này tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, tại khoản 7, Điều 57 Luật KTNN nêu rõ: Trong thời gian giải quyết khiếu nại, đơn vị được kiểm toán vẫn phải thực hiện đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN, trừ trường hợp Tổng Kiểm toán Nhà nước, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định tạm đình chỉ thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN. Vì vậy, đơn vị được kiểm toán phải chấp hành nghiêm, trường hợp KTNN kiến nghị, kết luận sai thì KTNN phải chịu trách nhiệm.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, nếu khi có khiếu nại mà phải dừng việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán để chờ giải quyết khiếu nại theo trình tự thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả kiểm toán. “Quy định như Luật hiện hành là rất thực tế và không có gì trái với quyền khiếu nại, khởi kiện” - Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nói.

Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cũng cho rằng, cùng với các kênh kiểm tra, giám sát quyền lực của KTNN thì việc đưa ra tòa khởi kiện những quyết định mà đơn vị được kiểm toán không đồng ý cũng là một kênh rất dân chủ, góp phần giám sát, kiểm soát quyền lực của cơ quan KTNN.

Đồng tình quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, khoản 6, Điều 56 Luật KTNN hiện hành đã quy định rất rõ đơn vị được kiểm toán có quyền yêu cầu KTNN bồi thường thiệt hại trong trường hợp gây thiệt hại cho đơn vị được kiểm toán theo quy định của pháp luật. Hơn nữa, về mặt quản lý tài chính, tài sản thì tất cả các vấn đề liên quan đến thuế, kiểm toán thông lệ các nước đều quy định phải chấp hành để đảm bảo nguồn thu, đảm bảo kỷ luật. Nếu dừng việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán khi có khiếu nại thì giá trị pháp lý và tính chất bắt buộc thực hiện kết luận kiểm toán sẽ không có hiệu lực; kỷ luật, kỷ cương tài chính sẽ không nghiêm.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng cho rằng, kết luận kiểm toán là bắt buộc phải thực hiện. Bởi vì, quá trình để đưa ra kết luận đã có sự trao đổi, thảo luận giữa đối tượng được kiểm toán và Đoàn kiểm toán. Kết luận kiểm toán đã có sự thống nhất đến mức tối đa nhưng còn một số vấn đề còn xảy ra tranh cãi thì khi kết luận đó đã ban hành, đối tượng được kiểm toán phải thực hiện và sau đó mới có quyền khiếu nại, khởi kiện. Theo bà Hải, việc bổ sung quy định quyền khởi kiện trong Dự thảo Luật là quy định rất mở cho đối tượng được kiểm toán.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, quy trình của KTNN rất chặt chẽ. Từ khi phát hiện ra đến khi kết luận phải qua 4 khâu (Tổ kiểm toán đối thoại với đơn vị được kiểm toán; Đoàn kiểm toán; chuyên ngành tổ chức hội đồng cấp Vụ để duyệt, đánh giá các chứng cứ kèm theo các bằng chứng liên quan và khâu cuối cùng là KTNN tổ chức họp, mời các vụ tham mưu đánh giá các bằng chứng kiểm toán). Chính vì vậy, từ trước đến nay, các cơ quan nhà nước được kiểm toán chưa bao giờ có khiếu nại. Khiếu nại nhiều nhất là liên quan đến các đơn vị liên quan, các DN nộp thuế. Do đó, quy định về khiếu nại trong Luật KTNN hiện hành là rất hợp lý.

Trên cơ sở kết quả thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất quy định về trình tự, thủ tục khiếu nại, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán như trong Dự thảo Luật; đồng thời nhấn mạnh, trong quá trình giải quyết khiếu nại, khởi kiện, đơn vị được kiểm toán và đơn vị có liên quan đến hoạt động kiểm toán vẫn phải thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán theo đúng quy định tại Điều 57 Luật KTNN.

N. HỒNG
Theo Báo Kiểm toán số 38 ra ngày 19-9-2019
Cùng chuyên mục
Khiếu nại, khởi kiện trong hoạt động KTNN: Đảm bảo quyền và lợi ích của đơn vị được kiểm toán