Khẳng định vai trò, vị trí của KTNN trong hệ thống chính trị

(BKTO) - Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 65-NQ/ĐU ngày 08/4/2016 của Đảng ủy KTNN về 4 đề án thuộc Chương trình 2 “Lãnh đạo xây dựng Đảng bộ KTNN trong sạch, vững mạnh”, hệ thống tổ chức cơ sở đảng ngày càng được củng cố và kiện toàn; cán bộ, đảng viên, nhất là kiểm toán viên (KTV) có sự thay đổi lớn về mặt nhận thức, tư tưởng, tác phong, lối sống và đạo đức nghề nghiệp… Kết quả này đã góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của toàn Ngành.



Báo cáo Sơ kết thực hiện 4 đề án thuộc Chương trình 2 của Ban Chấp hành Đảng bộ KTNN nhiệm kỳ 2015-2020 cho biết, trên cơ sở Nghị quyết số 65-NQ/ĐU, Đảng ủy KTNN đã ban hành Kế hoạch số 117-KH/ĐU về việc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng bộ cấp trên và Đảng bộ KTNN. Ban Thường vụ Đảng ủy KTNN đã tổ chức Hội nghị quán triệt cho 1.059 đồng chí theo hình thức tập trung, đồng thời chỉ đạo cấp ủy các đơn vị tổ chức quán triệt nghiêm túc 4 đề án tới toàn thể cán bộ, đảng viên, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong quá trình triển khai thực hiện.

Ngay sau đó, cấp ủy các đơn vị đã xây dựng và ban hành kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện các đề án theo từng giai đoạn phù hợp với tình hình thực tế của mỗi đơn vị, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí cấp ủy viên trực tiếp phụ trách và chịu trách nhiệm tổ chức triển khai từng đề án. Qua 2 năm triển khai, nhiều mục tiêu quan trọng của 4 đề án đã cơ bản được thực hiện.

Đối với Đề án “Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử của KTV nhà nước”, việc quán triệt Đề án gắn liền với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các chuẩn mực, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của ngành KTNN. Căn cứ vào các nghị quyết của Đảng và tình hình thực tế của Đảng bộ, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành nhiều chỉ thị, công điện liên quan đến tư tưởng chính trị, trách nhiệm công vụ công chức, văn hóa ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao chất lượng kiểm toán, đấu tranh phòng chống tham nhũng…

Nhờ đó, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử của KTV nhà nước đã có sự chuyển biến rõ rệt. Các hiện tượng ngại khó, ngại khổ, ngại học tập nâng cao trình độ, chọn đoàn, chọn tổ, chọn vị trí… từng bước được khắc phục. Các đơn vị đã nâng cao chất lượng kiểm toán, thẳng thắn đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí trong công tác kiểm toán. Hầu hết đội ngũ cán bộ, đảng viên, KTV đều có ý thức, trách nhiệm cao, tác phong làm việc nghiêm túc, thận trọng trong nghề nghiệp, chịu khó tự học hỏi, nghiên cứu, từng bước hướng đến tính chuyên nghiệp, qua đó góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

Thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, chú trọng chất lượng sinh hoạt chi bộ tạm thời đối với đoàn kiểm toán”, cấp ủy nhiều đơn vị đã duy trì chế độ sinh hoạt Đảng đều đặn theo quy định. Nội dung sinh hoạt chi bộ, kể cả sinh hoạt chi bộ tạm thời đối với đoàn kiểm toán được đổi mới, trong đó chú trọng sinh hoạt theo chuyên đề. Việc thành lập chi bộ tạm thời đối với đoàn kiểm toán đã trở thành nề nếp, chất lượng sinh hoạt ngày càng tốt hơn, vai trò lãnh đạo của cấp ủy đối với hoạt động kiểm toán ngày càng nâng cao. Công tác quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên trong thời gian đi kiểm toán ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn, hạn chế được những tiêu cực xảy ra trong hoạt động kiểm toán.
                
   

Một buổi sinh hoạt chi bộ tạm thời đối với đoàn kiểm toán -Ảnh: Lê Hòa

   
Bám sát các nội dung và hoạt động của Đề án “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; phối hợp công tác kiểm tra, giám sát của Đảng ủy với thanh tra, kiểm tra của ngành”, Ban Thường vụ Đảng ủy KTNN chỉ đạo cấp ủy các đơn vị thường xuyên quan tâm lãnh đạo việc tăng cường và đổi mới công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng bộ. Trong năm 2016 và 2017, Ban Thường vụ Đảng ủy đã kiểm tra đối với 11 tổ chức đảng, giám sát chuyên đề 6 tổ chức đảng; Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Đảng ủy đã kiểm tra 4 tổ chức Đảng, giám sát 3 tổ chức Đảng; cấp ủy các đơn vị trực thuộc, UBKT cơ sở đã kiểm tra 117 tổ chức Đảng trực thuộc và 34 đảng viên, giám sát 69 tổ chức Đảng trực thuộc và 34 đảng viên. Nội dung kiểm tra, giám sát tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, sát với yêu cầu lãnh đạo của cấp ủy và chỉ đạo của cấp trên, phù hợp với tình hình hoạt động của đơn vị. Từ khi triển khai thực hiện Đề án, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, UBKT, các đảng viên đối với việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng tại các đơn vị đã được nâng lên rõ rệt.

Triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng lãnh đạo đối với các tổ chức đoàn thể của KTNN”, các tổ chức đoàn thể thường xuyên bám sát mục tiêu, kế hoạch của Ngành, nội dung của Đề án để xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra. Đặc biệt, tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên của các đơn vị thường xuyên quan tâm công tác phát triển Đảng trên cơ sở đánh giá đúng chất lượng đoàn viên, thanh niên. Số lượng quần chúng được giới thiệu kết nạp Đảng ngày càng tăng. Cụ thể, năm 2016 là 74 quần chúng, năm 2017 là 92 quần chúng và 6 tháng đầu năm 2018 là 38 quần chúng, vượt chỉ tiêu đề ra so với Đề án.

Với nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy KTNN, việc triển khai thực hiện đồng bộ 4 đề án đã có tác động tốt đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong hành động của toàn Đảng bộ, góp phần xây dựng Đảng bộ KTNN ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của toàn Ngành.

Từ năm 2016 đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy KTNN, toàn Ngành đã kiến nghị: xử lý tài chính 112.186 tỷ đồng; bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách thông qua việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 235 văn bản và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với hàng trăm tập thể, cá nhân. Qua đó, vai trò, vị trí của KTNN trong hệ thống chính trị ngày càng được khẳng định.
         
Để triển khai thực hiện có hiệu quả hơn nữa 4 đề án của Chương trình 2 trong giai đoạn tới, Đảng ủy KTNN đã đề ra 9 giải pháp. Đó là: Tiếp tục nâng cao nhận thức cho cấp ủy, đảng viên, đoàn viên, hội viên nhận thức sâu sắc về nội dung, mục tiêu, tầm quan trọng của các đề án; tập trung khắc phục khó khăn, hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị được giao với chất lượng cao, góp phần vào thành tích chung của toàn Ngành; lãnh đạo thực hiện tốt công tác chính trị, tư tưởng, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, quy định chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh đối với ngành KTNN; kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, chủ động ngăn ngừa các biểu hiện tư tưởng gây mất đoàn kết nội bộ, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; thường xuyên củng cố, kiện toàn cấp ủy, xây dựng đội ngũ cấp ủy các cấp có bản lĩnh chính trị, đạo đức, uy tín, trách nhiệm và tinh thông nghiệp vụ; tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát; tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên, KTV trong hoạt động công vụ; lãnh đạo các tổ chức đoàn thể thực hiện các phong trào đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
Khẳng định vai trò, vị trí của KTNN trong hệ thống chính trị