Kết quả kiểm toán thuế của Kiểm toán Nhà nước: Mức độ vi phạm còn cao và diễn ra ở hầu hết các địa phương, doanh nghiệp

(BKTO) - Sau 25 năm xây dựng và phát triển, kết quả kiểm toán của KTNN đã có tác động tích cực đến hoạt động quản lý thu ngân sách của các Bộ, ngành, địa phương và ý thức chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế, trở thành công cụ hữu hiệu ngăn ngừa những sai phạm trong việc tuân thủ pháp luật thuế.



Kiểm toán Nhà nước phát hiệnnhiều vi phạm pháp luật thuế

         
Các cuộc kiểm toán đã cho thấy, mức độ vi phạm pháp luật thuế còn cao, sự vi phạm diễn ra ở hầu hết các địa phương, các loại hình DN. Chất lượng công tác thanh, kiểm tra thuế còn hạn chế, bỏ sót nhiều sai phạm của DN như: áp dụng không đúng thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT), kê khai ưu đãi, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thực hiện miễn giảm thuế sai quy định, áp đơn giá đất để tính tiền sử dụng đất chưa đúng... Chẳng hạn, năm 2016, qua đối chiếu 1.563 người nộp thuế, KTNN đã kiến nghị các khoản phải nộp tăng thêm là 2.060,6 tỷ đồng; năm 2017, đối chiếu 2.497 người nộp thuế, phát hiện 2.344 trường hợp có sai phạm, kiến nghị 1.351 tỷ đồng; năm 2018, đối chiếu 2.605 người nộp thuế và kiến nghị 1.769,4 tỷ đồng; Chuyên đề về công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2017 tại Tổng cục Thuế và 19 cục thuế tỉnh, thành phố, kiến nghị xử lý 1.396,2 tỷ đồng…

Ngoài ra, KTNN cũng đã phát hiện những bất cập, sai phạm về tuân thủ pháp luật thuế mang tính phổ biến, như:
Một số đối tượng nộp thuế chưa tuân thủ đúng pháp luật trong kê khai, nộp thuế, dẫn đến nguồn thu NSNN không được nộp đầy đủ và kịp thời. Công tác điều hành, quản lý thu tiền thuê đất, tiền sử dụng đất tại một số địa phương chưa đảm bảo quy định của Nhà nước, việc thực hiện các quy định còn bất cập, chưa đồng bộ, dẫn đến huy động nguồn thu không đầy đủ, kịp thời,… Cụ thể như: xác định miễn giảm thuế đối với thu nhập từ hoạt động chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền thuê đất, áp sai giá đất, xác định không đúng hệ số tính giá thuê đất, ưu đãi đầu tư sai; thời điểm áp dụng văn bản tính thuế không phù hợp làm thất thu thuế...

Nhiều đơn vị chưa kê khai, hoặc kê khai không đầy đủ các khoản thuế từ hoạt động kinh doanh. Một số đối tượng nộp thuế chưa tuân thủ pháp luật trong kê khai, nộp thuế. Chất lượng công tác thanh, kiểm tra còn hạn chế, bỏ sót một số sai phạm của DN trong kê khai doanh thu, chi phí, thuế GTGT đầu vào, áp dụng không đúng thuế suất thuế GTGT, kê khai ưu đãi và miễn giảm thuế TNDN không đúng quy định;...
Công tác hoàn thuế, xoá nợ và miễn giảm thuế sai quy định, xác định số nợ đọng thuế chưa đầy đủ.

Ngoài ra, KTNN cũng đã gửi hàng trăm kiến nghị về chấn chỉnh công tác quản lý thu thuế đối với các Bộ, ngành, địa phương, trong đó có nhiều kiến nghị hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật thuế. Riêng với cuộc kiểm toán chuyên đề về công tác quản lý hoàn thuế GTGT năm 2017 tại Tổng cục Thuế và 19 cục thuế tỉnh, thành phố, KTNN đã kiến nghị: Bộ Tài chính hủy bỏ nội dung tại 2 văn bản ban hành trái quy định; Tổng cục Thuế rà soát, tham mưu cho Bộ Tài chính trình Chính phủ điều chỉnh, bổ sung các quy định có liên quan đến công tác hoàn thuế còn bất cập, chưa rõ ràng. Bộ Tài chính cũng cần xem xét, tham mưu trình Chính phủ điều chỉnh, bổ sung một số văn bản còn thiếu hoặc bất cập, đồng thời chủ động rà soát, điều chỉnh, bổ sung một số quy định còn bất cập nhằm tạo sự thống nhất trong chỉ đạo và tạo sự công bằng trong tổ chức thực hiện (1 Luật, 1 Nghị định và 2 Thông tư).

Cần tăng cường nhiệm vụkiểm toán thuế

Để phát huy vai trò là một công cụ hữu hiệu của Nhà nước đối với quá trình giám sát việc quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công, trong thời gian tới, KTNN cần phát triển nhiệm vụ kiểm toán thuế theo các giải pháp sau:
Thứ nhất, kế hoạch kiểm toán trong những năm tới cần tiếp tục ưu tiên lựa chọn đối tượng kiểm toán phù hợp, tập trung hơn vào những vấn đề trọng yếu trong quản lý thu NSNN; tiếp tục xác định kiểm toán thuế là một nội dung quan trọng trong các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính của DNNN, báo cáo quyết toán ngân sách của Bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, phải tiến tới mở rộng quy mô kiểm toán thuế, bởi nếu quy mô kiểm toán nhỏ có thể ảnh hưởng đến tính đại diện của các phát hiện, chất lượng những kết luận và kiến nghị kiểm toán.

Thứ hai, KTNN cần nghiên cứu, đề xuất bổ sung các quy định pháp luật về sử dụng dữ liệu thông tin người nộp thuế, quy định về phối hợp, chia sẻ trong quản lý dữ liệu thuế giữa cơ quan quản lý thuế và KTNN; phát triển ngân hàng thông tin về người nộp thuế đảm bảo thông tin đầy đủ, được cập nhật kịp thời phục vụ cho công tác kiểm toán thuế, tránh tình trạng thực hiện kiểm toán thuế khi thiếu thông tin về người nộp thuế.

Thứ ba, đổi mới cách thức tổ chức kiểm toán thuế, thành lập đoàn kiểm toán độc lập theo chuyên đề, phạm vi toàn ngành, hạn chế lồng ghép. Cần xác định đối tượng kiểm toán gắn với mục tiêu kiểm toán mang tính chuyên sâu để thành lập đoàn kiểm toán tương ứng. Đổi mới theo hướng tăng cường tổ chức các cuộc kiểm toán chuyên đề chuyên sâu đối với từng sắc thuế có tỷ trọng thu lớn như: chuyên đề kiểm toán thực hiện chính sách pháp luật về thuế GTGT, thuế TNDN, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu…

Thứ tư, cần đổi mới và đa dạng hoá phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán, kịp thời tham khảo ý kiến của các cơ quan quản lý, xây dựng chính sách nhằm đảm bảo tính khách quan, thuyết phục cũng như tính khả thi trong việc đưa ra các kiến nghị kiểm toán. Bởi lẽ, các chính sách liên quan đến lĩnh vực thuế khá phức tạp, nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện còn chung chung, không rõ ràng, có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau.

Thứ năm, cần triển khai một cách đồng bộ, thực hiện đầy đủ cả ba loại hình kiểm toán, trong đó tập trung phát triển kiểm toán hoạt động để đánh giá hiệu quả công tác quản lý thuế, hiệu quả các chính sách thuế nhằm đưa ra những ý kiến tư vấn, kiến nghị hoàn thiện những vấn đề còn bất cập, hạn chế của công tác này.

Thứ sáu, để có thể đáp ứng tốt nhiệm vụ công tác kiểm toán thuế trong giai đoạn hiện nay, các kiểm toán viên cần có những công cụ hỗ trợ về công nghệ thông tin mới có thể tiếp cận được đối tượng kiểm toán và thực hiện kiểm toán một cách hiệu quả. Chính vì vậy, KTNN cần xây dựng cơ sở dữ liệu về kiểm toán thuế, tăng cường công cụ hỗ trợ, hạ tầng kỹ thuật của hệ thống thông tin đảm bảo đồng bộ và tiếp cận được với hệ thống dữ liệu thuế của cơ quan quản lý thuế. Việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp cho kiểm toán viên nâng cao hiệu quả, chất lượng và tiết kiệm thời gian kiểm toán.

TRẦN KHÁNH HÒA
Vụ trưởng Vụ Tổng hợp
Theo Báo Kiểm toán số 22 ra ngày 30-5-2019
Cùng chuyên mục
  • Kiểm toán thuế là một yêu cầu tất yếu  khách quan, phù hợp với thông lệ quốc tế
    4 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Hiện nay, có một số người còn cho rằng, kiểm tra thuế, phí, lệ phí chỉ thuộc trách nhiệm của cơ quan thuế. Chúng tôi có thể hiểu và chia sẻ quan điểm này, vì theo Luật NSNN, cơ quan tài chính, cơ quan thu gồm Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan có trách nhiệm quản lý toàn bộ quá trình thu NSNN. Những cơ quan này phải đảm bảo thực hiện đúng luật thuế và các quy định khác về thuế, phí, lệ phí cũng như chu trình hạch toán, quyết toán thu NSNN. Nhận thức như thế cũng không hoàn toàn sai nhưng thực ra là chưa đủ và chưa thấu đáo.
  • Bất cập trong quản lý thuế cần được  nhìn nhận thấu đáo để có giải pháp phù hợp
    4 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Công tác quản lý thuế đã có nhiều chuyển đổi trong khâu tổ chức, điều hành, giám sát thực hiện cũng như thủ tục hành chính… nhằm đảm bảo huy động nguồn lực và tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, cần có sự nhìn nhận thấu đáo để đưa ra giải pháp phù hợp.
  • Kiểm toán nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp và những khó khăn cần tháo gỡ
    4 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Kiểm toán thuế là một trong những nội dung cơ bản không thể thiếu của mỗi cuộc kiểm toán. Đây là loại hình kiểm toán đặc biệt vì không chỉ thuần túy là kiểm tra, đánh giá, xác nhận độ tin cậy của thông tin về số thuế phải nộp, số thuế đã nộp, số còn phải nộp, mà quan trọng hơn là đánh giá và xác nhận sự tuân thủ luật pháp của các đối tượng nộp thuế, của người quản lý thuế, nhất là đánh giá tác động của các chính sách thuế đến kinh tế vĩ mô, đến các nhóm lợi ích, các quan hệ đa chiều trong đời sống kinh tế - xã hội. Kết quả kiểm toán những năm qua cho thấy, hầu hết các cuộc kiểm toán đều có phát hiện DN sai phạm trong quá trình chấp hành nghĩa vụ thuế.
  • Kiểm toán thuế cần chú trọng nhiều hơn đến kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động
    4 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Để đảm bảo kiểm toán thuế thực sự hiệu quả, KTNN cần nhận thấy nội dung kiểm toán này có sự gắn kết chặt chẽ với kiểm toán báo cáo tài chính, nhưng nó lại hoàn toàn không giống với kiểm toán báo cáo tài chính.
  • Hà Nội đề nghị Kiểm toán Nhà nước lưu ý một số nội dung trong hoạt động kiểm toán thu ngân sách
    4 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Công tác kiểm toán thu ngân sách của KTNN có vai trò quan trọng đối với quản lý NSNN nói chung và công tác thu NSNN trên địa bàn Hà Nội nói riêng; góp phần làm minh bạch và lành mạnh các thông tin, các quan hệ kinh tế, tài chính. Qua hoạt động kiểm toán thu NSNN, KTNN đã cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho UBND TP. Hà Nội sử dụng trong quá trình quản lý, chỉ đạo công tác thu trên địa bàn.
Kết quả kiểm toán thuế của Kiểm toán Nhà nước: Mức độ vi phạm còn cao và diễn ra ở hầu hết các địa phương, doanh nghiệp