Kết quả công tác của Kiểm toán nhà nước tiếp tục góp phần siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công *

(BKTO) - Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ và công tác Đảng 6 tháng cuối năm 2022 của Kiểm toán nhà nước (KTNN) diễn ra chiều ngày 11/7, thay mặt lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã có bài phát biểu chỉ đạo hoạt động của KTNN.



                
   

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chúc mừng những kết quả công tác KTNN đạt được trong 6 tháng đầu năm 2022. Ảnh: N.LỘC

   

Báo điện tử Kiểm toán trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Phó Chủ tịch Quốc hội.

Thưa đồng chí Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước,
Thưa các đồng chí,

Hôm nay, KTNN tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ và công tác Đảng 6 tháng cuối năm 2022, cũng là ngày kỷ niệm 28 năm thành lập KTNN (11/7/1994 -11/7/2022)

Thay mặt lãnh đạo Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), tôi gửi tới các đồng chí lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc các đồng chí lãnh đạo KTNN, các vị đại biểu, cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của KTNN hiện đang công tác, đã nghỉ hưu và chuyển công tác sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp.

Thưa các đồng chí,

Những tháng đầu năm 2022, đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng, Đảng ủy KTNNN, toàn ngành KTNN đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tích cực đổi mới, làm việc với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, đạt được nhiều kết quả tích cực. Kết quả công tác của KTNN tiếp tục góp phần siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng; cung cấp nhiều thông tin giúp Quốc hội thực hiện ba chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng trong lĩnh vực tài chính - ngân sách.

Tôi đánh giá cao kết quả công tác 6 tháng đầu năm của các đồng chí và xin nhấn mạnh một số kết quả nổi bật sau:

Thứ nhất, Tổng Kiểm toán nhà nước, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy KTNN và tập thể lãnh đạo KTNN đã có nhiều chỉ đạo, điều hành để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, chính sách pháp luật của Nhà nước vào hoạt động kiểm toán; tiếp tục đổi mới tổ chức hoạt động kiểm toán từ xây dựng kế hoạch kiểm toán, đến tổ chức thực hiện kiểm toán, lập, phát hành báo cáo kiểm toán; chất lượng kiểm toán được nâng lên. KTNN tiếp tục khẳng định vị trí là công cụ quan trọng của Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát tài chính công, tài sản công; phục vụ hoạt động của Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp và chỉ đạo điều hành của Chính phủ.

Khắc phục khó khăn, ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến 30/6/2022 toàn Ngành đã triển khai được 138/234 đoàn kiểm toán theo kế hoạch. Tuy mới kết thúc kiểm toán 95 cuộc kiểm toán song đã kiến nghị tăng thu giảm chi ngân sách nhà nước (NSNN) 8.661 tỷ đồng (tăng thu NSNN 1.067 tỷ đồng, giảm chi NSNN 7.594 tỷ đồng), kiến nghị khác 14.857 tỷ đồng, đặc biệt đã chuyển 04 vụ việc có dấu hiệu sai phạm sang cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật (năm 2021 chỉ chuyển được 01 vụ). Trong điều kiện ngân sách còn gặp nhiều khó khăn, việc tăng thu, giảm chi số tiền lớn như vậy có ý nghĩa hết sức thiết thực.

Thứ hai, KTNN đã tích cực đóng góp ý kiến và cử lãnh đạo tham gia các đoàn giám sát của Quốc hội, của UBTVQH; tham gia ý kiến có chất lượng đối với 5 dự án quan trọng quốc gia. KTNN đã tổ chức kiểm toán việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ để cung cấp nhiều thông tin cho Quốc hội, đại biểu Quốc hội và các cơ quan chức năng trong việc nhận định đúng tình hình công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực và phát hiện các điểm nghẽn ách tắc trong sử dụng các nguồn lực cho phòng, chống dịch.

Quá trình kiểm toán, KTNN đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, cơ quan, đơn vị, chủ động điều chỉnh kế hoạch kiểm toán đối với những đơn vị đã được Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Kiểm tra Trung ương thanh tra, kiểm tra để tránh trùng lặp, chồng chéo, giảm thiểu phiền hà, ảnh hưởng đến đơn vị được kiểm toán.

Thứ ba, KTNN đã tiếp tục tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán; từng bước chuyển đổi từ phương pháp kiểm toán truyền thống sang phương pháp kiểm toán hiện đại dựa trên dữ liệu số, hướng tới môi trường kiểm toán số bảo mật và tích hợp, đã triển khai thí điểm Đoàn kiểm toán từ xa đối với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; tiếp tục công khai kết quả kiểm toán, cung cấp thông tin kết quả kiểm toán và thực hiện đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kiến nghị kiểm toán theo quy định.

Công tác đào tạo bồi dưỡng được triển khai theo kế hoạch, bảo đảm chất lượng; việc luân chuyển, điều động, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác và biệt phái đối với đảng viên, công chức, viên chức, lãnh đạo KTNN các cấp được triển khai minh bạch, hiệu quả; hợp tác quốc tế sau thời gian gián đoạn do dịch Covid-19 đã từng bước được nối lại; cơ sở vật chất của KTNN được tăng cường; công tác xây dựng Đảng, các tổ chức chính trị xã hội có nhiều kết quả; nhiều hoạt động xã hội thiết thực được tổ chức.

Các kết quả nổi bật nêu trên, tiếp tục khẳng định vị thế của KTNN trong bộ máy nhà nước. Báo cáo kiểm toán tiếp tục là nguồn thông tin tin cậy cho Quốc hội, HĐND các cấp trong phân tích, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách để xây dựng chính sách, pháp luật và phục vụ hiệu quả cho hoạt động giám sát, cho công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Thay mặt lãnh đạo Quốc hội, UBTVQH, tôi đánh giá cao và biểu dương kết quả, thành tích mà KTNN đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2022.

Thưa các đồng chí,

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của KTNN cũng còn những tồn tại cần lưu ý, nhất là những hạn chế, tồn tại các đồng chí đã thẳng thắn, cầu thị nêu trong báo cáo công tác. Đó là ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán chưa đáp ứng yêu cầu; còn có văn bản khiếu nại, kiến nghị và vướng mắc về kết quả kiểm toán chưa được giải quyết kịp thời; việc xây dựng kế hoạch kiểm toán cần tiếp tục hoàn thiện để tránh phải điều chỉnh đơn vị, đầu mối kiểm toán, khắc phục triệt để việc chồng chéo với hoạt động thanh tra, kiểm tra, khắc phục việc bố trí nhân sự kiểm toán trùng với kế hoạch đào tạo, kế hoạch hoạt động khác của ngành; nâng cao chất lượng hoạt động của các hội đồng thẩm định, xét duyệt kế hoạch kiểm toán, báo cáo kiểm toán; nâng cao chất lượng kiểm toán, chất lượng tham gia ý kiến đối với dự toán NSNN, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia; nâng cao tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; chú trọng, quan tâm hơn đến việc xây dựng các văn bản theo chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật...
                
   

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh trao đổi với các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh tư liệu

   

Thưa các đồng chí,
Tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, lạm phát, suy giảm kinh tế tiềm ẩn ở nhiều nền kinh tế lớn; bối cảnh trong nước có nhiều kết quả tích cực về tăng trưởng, thu NSNN. Tuy nhiên do độ mở của nền kinh tế lớn đồng thời hiện nay giá cả hàng hóa, vật tư chiến lược, xăng, dầu, phân bón và nhiều mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân tăng cao, tăng trưởng, lạm phát, thu, chi ngân sách, bội chi, nợ công còn nhiều rủi ro, thách thức.

Vì vậy, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của KTNN còn rất nặng nề và cần có chuyển biến thực tế để đáp ứng yêu cầu khôi phục kinh tế - xã hội, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, cân đối NSNN và quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực công.

Tôi đề nghị Ban cán sự Đảng, Đảng ủy KTNN và toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của KTNN tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương để hoàn thành toàn diện kế hoạch công tác đề ra. Đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai một số nội dung trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội, Đề án hoàn thiện tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chiến lược phát triển KTNN để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 đảm bảo tiến độ, chất lượng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả; tiếp tục khẳng định KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Thứ hai, bám sát các yêu cầu về khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai kế hoạch kiểm toán và các cuộc kiểm toán; tiếp tục đổi mới phương thức kiểm toán từ kế hoạch kiểm toán đến triển khai hoạt động kiểm toán để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán và kiến nghị kiểm toán; tập trung thời gian, nhân lực, nâng cao chất lượng kiểm toán xác nhận báo cáo quyết toán để kịp thời phục vụ HĐND và Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện phương pháp lập kế hoạch kiểm toán; tổng kết, đánh giá cuộc kiểm toán thí điểm từ xa đối với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam để từng bước mở rộng thực hiện kiểm toán từ xa áp dụng cho lĩnh vực kiểm toán doanh nghiệp và các lĩnh vực khác trong thời gian tới, tiệm cận với thông lệ kiểm toán quốc tế.

Thời gian vừa qua, Quốc hội đã quyết định nhiều chương trình, dự án quan trọng quốc gia với số vốn đầu tư rất lớn từ nhiều nguồn khác nhau, tăng cường phân cấp, ủy quyền nên đòi hỏi công tác kiểm toán phải có sự điều chỉnh phù hợp.

Thứ ba, lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong hoạt động kiểm toán để nâng cao chất lượng kiểm toán, chất lượng kết luận, kiến nghị kiểm toán, khắc phục triệt để trùng chéo với hoạt động thanh tra, kiểm tra; nghiên cứu tổng hợp kết quả kiểm toán theo các báo cáo chuyên đề để kịp thời cung cấp các thông tin, phát hiện kiểm toán quan trọng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, hoạt động của Quốc hội, UBTVQH, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và HĐND các cấp trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua kiểm toán.

Chú trọng phát hiện, kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp, tham gia kiến nghị đối với Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội, đặc biệt lưu ý đến các kiến nghị để hoàn thiện quy định về: mua sắm công, đấu thầu, quản lý đất đai, quản lý thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước hiện nay đang có nhiều bất cập, hạn chế, vướng mắc trong triển khai và có kẽ hở gây thất thoát, lãng phí, trục lợi; tham gia phối hợp với các cơ quan của Quốc hội tổ chức một số phiên giải trình; đẩy mạnh công khai kết quả kiểm toán, kết quả của từng cuộc kiểm toán.

Thứ tư, tiếp tục xây dựng Đảng bộ KTNN, các tổ chức Đảng cơ sở trong sạch, vững mạnh; lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, đào tạo đội ngũ công chức, kiểm toán viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, năng lực chuyên môn tốt, công tâm, chính trực, có tinh thần trách nhiệm trong công việc, tính chiến đấu cao; đề cao trách nhiệm của người đảng viên, người đứng đầu nhất là kiểm toán trưởng, trưởng đoàn, tổ trưởng tổ kiểm toán; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ, hoạt động kiểm toán, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân, đảng viên có hành vi vi phạm pháp luật, có biểu hiện sai trái, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Tiếp tục tăng cường công tác xây dựng Đảng, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác của đảng viên, cán bộ lãnh đạo các cấp, công chức, kiểm toán viên; tích cực triển khai hiệu quả chương trình hành động của KTNN để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đề án hoàn thiện tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.

Thứ năm, lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện hệ thống chuẩn mực kiểm toán, quy trình kiểm toán, hồ sơ mẫu biểu kiểm toán và các văn bản quản lý để kiểm soát, giám sát hoạt động kiểm toán, ngăn ngừa vi phạm, bảo vệ kiểm toán viên và không để xảy ra sai phạm trong thực hiện kiểm toán, kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Thứ sáu, lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường các hoạt động đối ngoại, nhất là trong các hoạt động chuyên môn để trao đổi, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm kiểm toán, chất lượng kiểm toán, hiệu quả, hiệu lực kiểm toán, nhất là các lĩnh vực kiểm toán mới như: kinh tế số, biến đổi khí hậu, giao dịch điện tử xuyên biên giới, kiểm toán các gói hỗ trợ chống suy giảm kinh tế, đối phó với lạm phát, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội... . Tăng cường các quan hệ đối ngoại để nâng cao vị thế, hình ảnh của cơ quan KTNN nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.
                
   

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và các đại biểu dự Hội nghị.
   Ảnh tư liệu

   

Thưa các đồng chí,
Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội luôn đồng hành cùng KTNN. Kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân vào KTNN ngày càng cao, đòi hỏi KTNN phải thường xuyên đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả để đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công một cách công khai, minh bạch, kịp thời, chính xác.

Đảng, Nhà nước, Quốc hội luôn tạo mọi điều kiện để KTNN thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình đồng thời luôn tin tưởng và đặt ra yêu cầu cao đối với cơ quan KTNN thực hiện giám sát hoạt động kiểm toán. Tôi tin tưởng rằng với bề dày 28 năm xây dựng và phát triển, các đồng chí sẽ phát huy truyền thống đoàn kết, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 và mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Thay mặt lãnh đạo Quốc hội, UBTVQH, một lần nữa tôi xin chúc mừng ngày thành lập KTNN (11/7/1994-11/7/2022). Xin chúc các vị đại biểu, cùng toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động của KTNN luôn có nhiều sức khỏe, gia đình hạnh phúc, thành công nhiều hơn nữa trong công tác và trong cuộc sống.

Xin trân trọng cảm ơn!

* Tiêu đề do Báo Kiểm toán đặt
Cùng chuyên mục
Kết quả công tác của Kiểm toán nhà nước tiếp tục góp phần siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công *