Kế toán, kiểm toán trong kỷ nguyên số: Đổi mới để nâng cao tính cạnh tranh, hội nhập

(BKTO) - Bên lề Hội thảo quốc tế “Kế toán, Kiểm toán và Tài chính trong kỷ nguyên số” được tổ chức mới đây, PGS,TS. Nguyễn Hữu Ánh - Viện trưởng Viện Kế toán - Kiểm toán (Trường Đại học Kinh tế quốc dân - đơn vị tổ chức Hội thảo) đã chia sẻ với Báo Kiểm toán về những thời cơ, thách thức của ngành kế toán, kiểm toán trong kỷ nguyên số, cũng như yêu cầu đổi mới công tác đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán đáp ứng yêu cầu hội nhập.



Hoạt động trong kỷ nguyên số, ngành kế toán, kiểm toán được cho là phải đối mặt với những cạnh tranh mạnh mẽ. Ông nhận định ra sao về cơ hội cũng như thách thức của ngành nghề này hiện nay?

         

   PGS,TS. Nguyễn Hữu Ánh - Viện trưởng Viện Kế toán - Kiểm toán - Ảnh: N.LỘC
- Trong kỷ nguyên số, kế toán, kiểm toán là một trong những lĩnh vực bị tác động nhiều nhất. Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 giúp cho kế toán, kiểm toán được hội nhập song cũng tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Kết quả khảo sát của một số tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán thời gian qua cũng cho thấy, CMCN 4.0 sẽ tác động lớn đến ngành, không chỉ là công cụ giúp các công ty kế toán, kiểm toán nâng cao chất lượng, dịch vụ mà còn mở rộng thị trường sang các nước khác nhờ kết nối internet.

Người học kế toán, kiểm toán dù ở quốc gia nào cũng có thể tham gia vào hoạt động kế toán, kiểm toán của DN tại Việt Nam và ngược lại. Đây là thuận lợi nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức cho ngành nghề này. Trong đó, yêu cầu về lao động có trình độ công nghệ thông tin; sự đầu tư tài chính lớn; việc kiểm soát các dữ liệu kế toán khó hơn trước, trong khi sự cạnh tranh làm giảm thị phần diễn ra ngày càng gay gắt.

♦ Những tiềm năng ứng dụng, phát huy giá trị từ công nghệ trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán được thể hiện ra sao, thưa ông?

- Với Trí tuệ nhân tạo (AI), những công việc thủ công của nghề kế toán, kiểm toán, như: thu thập, xử lý, tính toán số liệu... đều có thể bị thay thế. Tuy nhiên, yếu tố con người trong hoạt động này vẫn đóng vai trò quyết định, đặc biệt là đối với những công đoạn phức tạp, như: phân tích, tìm hiểu nguyên nhân đưa ra giải pháp cho từng tình huống cụ thể, thậm chí là tình huống chưa từng xảy ra nhưng để giải quyết vấn đề này, cần có óc, phán đoán vô cùng hiệu quả.

Năm 2016, Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) đã đưa ra dự kiến về sự tác động của CMCN 4.0 sẽ kéo dài từ 3 đến 10 năm nữa trước khi đi vào ổn định, 55% người cho rằng sự phát triển của hệ thống kế toán tự động được đánh giá tác động cao nhất trong các xu hướng, bên cạnh xu hướng như: hài hòa chuẩn mực kế toán (42%), sự xâm nhập của điện toán đám mây trong kinh doanh (41%)...

Trên thực tế, việc sử dụng AI giúp tiết kiệm nguồn lực và gia tăng hiệu quả công việc; tạo điều kiện cho việc khai thác dữ liệu và nâng cao độ tin cậy của việc lập báo cáo thông qua các hệ thống tự động kiểm toán, kế toán theo nhu cầu. Sự kết nối toàn cầu mà kỷ nguyên số mang lại giúp tăng cơ hội đầu tư, nhiều nguồn thông tin tài chính nhưng cũng tồn tại nhiều rủi ro với nhiều cuộc khủng hoảng tài chính mang tính quốc gia. Chính vì thế, kế toán, kiểm toán càng trở nên quan trọng và trở thành công cụ tư vấn tài chính hữu hiệu nhất.

♦ Yếu tố then chốt để đưa ngành kế toán, kiểm toán thích ứng, hội nhập trong kỷ nguyên số vẫn là nguồn nhân lực. Ông có lưu ý gì để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán hiện nay?

- Kỷ nguyên số mang lại nhiều cơ hội và thách thức cho các DN kế toán, kiểm toán lẫn lao động trong lĩnh vực này. Những kiến thức như blockchain, tính quy trình trong bối cảnh CMCN 4.0 đang khiến quy trình tổ chức, thu thập thông tin của ngành kế toán, kiểm toán thay đổi. Do đó, kế toán, kiểm toán viên không chỉ giàu chuyên môn, năng lực, chỉ số cảm xúc mà còn cần được bổ sung các kỹ năng công nghệ và tầm nhìn DN.

Điều này đặt ra nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực mới khác với trước đây, do đó, vai trò của các trường đại học trong việc cung cấp nguồn lực cũng phải thay đổi. Các trường cần phải có sự đổi mới trong chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo cũng như cần phải nghiên cứu các vấn đề mới trong kế toán, kiểm toán, bắt kịp với xu thế toàn cầu. Trong đó, những kỹ năng cần được đào tạo cho nhân lực kế toán trong thời đại phát triển của AI, blockchain và điện toán đám mây là phát triển chuyên môn trong việc áp dụng công nghệ dữ liệu để giải quyết những vấn đề về tài chính, kế toán của DN.

Hiện nay, Trường Đại học Kinh tế quốc dân đang triển khai chương trình đào tạo tích hợp các môn học theo chuẩn mực quốc tế, có sự phối hợp của các tổ chức, cơ quan như: Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW), ACCA, KTNN... Chương trình đào tạo của các hội nghề nghiệp cũng đã được bổ sung những nội dung về công nghệ thông tin, phân tích dữ liệu, điện toán đám mây cũng như blockchain và tiếp tục được cập nhật hằng năm.

Trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ, cơ hội việc làm sẽ ngày càng mở rộng cho đội ngũ kế toán, kiểm toán viên có chứng chỉ đạt chuẩn quốc tế, được công nhận hoạt động ở nhiều nước trên thế giới như: ACCA, ICAEW, CPA Australia… Những chứng chỉ này có thể giúp kế toán, kiểm toán viên Việt Nam mở rộng tối đa phạm vi hoạt động của mình, từ đó góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán của Việt Nam.

♦ Xin trân trọng cảm ơn ông!

NGUYỄN LỘC (thực hiện)
Cùng chuyên mục
Kế toán, kiểm toán trong kỷ nguyên số: Đổi mới để nâng cao tính cạnh tranh, hội nhập