Hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: Hoạt động kiểm toán nhà nước góp phần vào thành tựu 35 năm đổi mới đất nước

(BKTO) - Sau 35 năm đổi mới (1986-2021) dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, đất nước ta đã xây dựng được nền kinh tế thị trường năng động, hội nhập mạnh mẽ, đời sống của nhân dân được nâng lên. Qua chặng đường hơn 1/4 thế kỷ thành lập và phát triển, dưới ánh sáng soi đường của Đảng, KTNN tự hào góp một phần quan trọng vào thành tựu chung đó.




Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo đất nước thực hiện đổi mới toàn diện. Ảnh: Lê Dũng

Nền kinh tế đất nước từng bước chuyển mình mạnh mẽ

Theo GS,TS. Vũ Văn Hiền - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư - trong bối cảnh đất nước bước ra từ chiến tranh chưa lâu, đứng trước nhiều thách thức to lớn, Đảng đã lãnh đạo đất nước thực hiện đổi mới toàn diện, chuyển từ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp sang cơ chế thị trường do Nhà nước quản lý, điều hành theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Công cuộc đổi mới đã giải phóng sức sản xuất, củng cố, tăng cường quan hệ sản xuất mới, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, quy mô, trình độ về kinh tế được nâng lên (năm 1989, GDP đạt 6,3 tỷ USD, đến năm 2020 ước đạt 268,4 tỷ USD). Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt (năm 1985, bình quân thu nhập đầu người đạt 159 USD/năm, năm 2020 ước đạt 2.750 USD/năm). Kinh tế vĩ mô cơ bản được giữ ổn định, các thị trường vận hành thông suốt tạo điều kiện cho người dân và DN tập trung sản xuất, kinh doanh. Tỷ lệ lạm phát dần được kiểm soát từ mức ba chữ số những năm đầu của thời kỳ đổi mới xuống mức mục tiêu 4% trong suốt giai đoạn 2016-2020.

Nền kinh tế dịch chuyển theo hướng hiện đại, tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ tăng nhanh, trở thành động lực tăng trưởng chính. Cơ cấu nội ngành cũng dịch chuyển phù hợp trình độ phát triển và mô hình tăng trưởng của nền kinh tế. Nhiều động lực tăng trưởng mới được xây dựng bên cạnh khu vực DNNN và khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài. Kinh tế tư nhân phát triển mạnh, làn sóng khởi nghiệp sáng tạo lan tỏa rộng khắp với nhiều mô hình kinh doanh độc đáo, có hiệu quả. Môi trường kinh doanh, cạnh tranh trong nước được cải thiện, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...

Những kết quả này đã được ghi nhận rõ trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng. “Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật” - Dự thảo Báo cáo chính trị nêu.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định, nhìn một cách tổng thể, đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Các thành tựu đó tạo tiền đề quan trọng để đất nước tiếp tục đổi mới, phát triển trong những năm tới; đồng thời khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Cội nguồn của các thành tựu đó là do Ðảng ta đã nhận thức, vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa, phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế, từ đó giữ bản lĩnh chính trị, kiên định lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đồng thời nhạy bén, sáng tạo, kịp thời đưa ra đường lối đổi mới đúng đắn, các chủ trương, quyết sách phù hợp từng giai đoạn cách mạng, phù hợp tình hình thế giới và trong nước.

Vai trò của Kiểm toánNhà nước trong tiến trìnhphát triển đất nước

Trong thành quả chung của đất nước những năm sau đổi mới, đặc biệt là những năm gần đây, KTNN với địa vị pháp lý được hiến định, tự hào đã góp một phần quan trọng, cùng với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, trở thành công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, góp phần làm minh bạch nền tài chính quốc gia. Những kết quả này đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ qua từng thời kỳ ghi nhận và đánh giá cao.

Với sự quyết tâm cao, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Ban cán sự đảng, Đảng ủy, lãnh đạo KTNN đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; tập trung nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán - nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Ngành. Số lượng các cuộc kiểm toán đã tăng lên qua từng năm, hoạt động kiểm toán của KTNN dần đi vào nền nếp, có trật tự, kỷ cương theo hướng chuyên nghiệp hoá. Trên cơ sở đó, hiệu quả, hiệu lực kiểm toán cũng từng bước được tăng cường, chất lượng kiểm toán ngày càng nâng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn quản lý. KTNN ngày càng phát huy tốt hơn vai trò của mình là công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Đặc biệt, nhiệm kỳ vừa qua, KTNN tiến hành nhiều cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề ở những lĩnh vực mới, nhạy cảm, tiềm ẩn nguy cơ lãng phí, tham nhũng được xã hội quan tâm như: quản lý đất đai, đô thị, tài nguyên, khoáng sản, BOT, BT... Những kiến nghị của KTNN ngày càng đa dạng, phong phú, sắc sảo và có chất lượng hơn, được Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương sử dụng ngày càng nhiều trong xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật và chính sách về kinh tế - xã hội; các đơn vị được kiểm toán sử dụng để khắc phục những yếu kém, bất cập trong quản lý; giúp các đơn vị hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý của mình, đảm bảo quản lý, sử dụng tiền, tài sản nhà nước đúng pháp luật và có hiệu quả.

Để có được những kết quả trên, trong mọi công tác, KTNN luôn tuyệt đối bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng cũng như chính sách pháp luật của Nhà nước. Đảng ủy, lãnh đạo KTNN luôn chú trọng phát huy vai trò lãnh đạo đối với toàn diện các mặt công tác, gắn bó chặt chẽ công tác xây dựng Đảng với lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong đó coi nhiệm vụ xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, là yêu cầu sống còn đối với sự nghiệp phát triển của Ngành. Bên cạnh đó, những kết quả này có được còn là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước các thời kỳ và sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, các địa phương và các đơn vị được kiểm toán trong suốt quá trình thực hiện hoạt động kiểm toán.

Có thể nói, sau hơn 1/4 thế kỷ hoạt động, sự trưởng thành của KTNN luôn gắn liền và đồng hành với sự phát triển của đất nước. Kết quả kiểm toán đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật của Nhà nước; nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động quản lý kinh tế; tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình; góp phần tích cực vào việc phòng ngừa tham nhũng, lãng phí của Đảng và Nhà nước ta.
         
Kể từ khi thành lập đến hết năm 2020, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 547.017 tỷ đồng, kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ hàng trăm văn bản sai quy định hoặc không còn phù hợp với thực tế, bịt các lỗ hổng về chính sách. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2015-2019, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 323.557 tỷ đồng, tăng trên 3 lần so với nhiệm kỳ trước (giai đoạn 2010-2014); kiến nghị hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung 771 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tránh thất thoát, lãng phí; cung cấp 376 báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho các cơ quan có thẩm quyền để phục vụ điều tra, kiểm tra, giám sát.
NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: Hoạt động kiểm toán nhà nước góp phần vào thành tựu 35 năm đổi mới đất nước