Hội thảo lần thứ 4 về "Rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015"

(BKTO) - Sáng 18/5, tại TP. Đà Nẵng, KTNN đã tổ chức Hội thảo "Rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015". Đây là Hội thảo lần thứ 4 được KTNN tổ chức trong năm nay với mục đích đánh giá đúng thực trạng tình hình thi hành Luật trong thời gian qua; chỉ rõ những quy định bất cập không phù hợp thực tiễn hoạt động, đồng thời đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị sửa đổi.



Hội thảo đã thu hút sự tham dự của gần 100 đại biểu. Về phía các cơ quan, tổ chức T.Ư và địa phương có ông Triệu Văn Cường-Thứ trưởng Bộ Nội vụ; ông Trần Văn Miên -Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng;đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc các cơ quan, bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội, Sở Tài chính, Ban Kinh tế Ngân sách các tỉnh: Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắk, Đắc Nông, Lâm Đồng, Hậu Giang… Hội thảo cũng có sự tham gia của nhiều nhà khoa học trong và ngoài KTNN, đại diện một số trường Đại học...

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh phát biểu khai mạc Hội thảo -Ảnh H. Dũng
Về phía KTNN, tham dự Hội thảo có các Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước: Đoàn Xuân Tiên, Đặng Thế Vinh cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN.

Trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh nhấn mạnh: Sau gần 3 năm thi hành, Luật KTNN năm 2015 đã trở thành công cụ hữu hiệu, nâng cao hiệu quả, tăng cường minh bạch và công khai trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Tuy nhiên, qua triển khai thực hiện, Luật KTNN năm 2015 cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế nhất định như: Nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN chưa tương xứng với vị trí, chức năng được giao; phạm vi, đối tượng kiểm toán và đơn vị được kiểm toán chưa đồng bộ, thống nhất; quy định về đơn vị được kiểm toán chưa bao quát hết các cơ quan, tổ chức có quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; thiếu chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về KTNN…

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật hiện nay chưa đồng bộ, nhận thức và áp dụng pháp luật chưa thống nhất nên không tránh khỏi khó khăn khi tiến hành các hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị nói chung, của KTNN nói riêng.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ một số vấn đề chủ yếu liên quan đến:đối tượng kiểm toán của KTNN; xem xét mối quan hệ phối hợp, phạm vi thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức bảo đảm hạn chế trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra với hoạt động KTNN; nghiên cứu, quy định xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật KTNN của đơn vị được kiểm toán và của tổ chức, cá nhân có liên quan; các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN trong phòng chống tham nhũng, giám định tư pháp và xử lý tố cáo đối với hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công...

Quang cảnh Hội thảo: Ảnh: H.Dũng

Tại Hội thảo,từ thực tiễn công tác cán bộ, PGS.TS Triệu Văn Cường đã tham luận, trao đổi một số vấn đề đang được quan tâm, đặc biệt là vướng mắc trong quy định của Luật KTNN về việc bổ nhiệm các ngạch kiểm toán viên nhà nước, trong đó có việc thu hút những người có năng lực, kinh nghiệm công tác chuyên môn về làm việc tại KTNN.

PGS.TS Đinh Dũng Sỹ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) - đưa ra một số ý kiến định hướng sửa đổi, bổ sung Luật KTNN, trong đó đặt ra một số điểm còn chưa rõ về đối tượng được kiểm toán tại Điều 3, Điều 4 của Luật KTNN; nghĩa vụ cung cấp thông tin của các cơ quan đơn vị có liên quan đến hoạt động kiểm toán; công tác phối hợp hoạt động giữa Thanh tra Chính phủ và KTNN để tránh trùng lặp trong hoạt động. PGS.TS Đinh Dũng Sỹ cũng nhấn mạnh việccần phải có sự tham gia của KTNN khi Nhà nước quyết định xây dựng các dự án lớn; cần bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp của KTNN và chế tài về nghĩa vụ cung cấp tài liệu cho KTNN…

Dưới góc độ đơn vị được kiểm toán, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Văn Miên cũng đề nghị bổ sung thêm những quy định cụ thể để tránh chồng chéo, trùng lắp đối tượng trong công tác thanh tra, kiểm toán và đề xuất bổ sung quy định đối với trường hợp ít rủi ro theo kết quả kiểm toán các năm trước thì không nhất thiết phải thực hiện kiểm toán hằng năm.

Tại Hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài ngành KTNN đã đóng góp nhiều ý kiến vềviệc chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật của đơn vị được kiểm toán và của tổ chức, cá nhân có liên quan; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN trong phòng chống tham nhũng, giám định tư pháp và xử lý tố cáo đối với hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; giải pháp để tránh chồng chéo nhiệm vụ giữa 2 cơ quan Thanh tra Chính phủ và KTNN; thời hạn kiểm toán và thời hạn công bố báo cáo kiểm toán…

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh cảm ơn và đánh giá cao chất lượng của các bài tham luận cũng như các ý kiến phát biểu trực tiếp tại Hội thảo. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biếtBan Tổ chức Hội thảo ghi nhận và tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, các đại biểu để nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015.

HOÀNG DŨNG
Cùng chuyên mục
Hội thảo lần thứ 4 về "Rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015"