Hoàn thiện tổ chức bộ máy Kiểm toán Nhà nước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

(BKTO) - Để đảm bảo thực hiện tốt nhất vai trò, trách nhiệm của KTNN, phát triển KTNN là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công, Dự thảo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030) xác định tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy của Ngành theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả đi đôi với phát triển đội ngũ công chức, kiểm toán viên (KTV) đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu chất lượng.




Cần phát triển hệ thống tổ chức bộ máy KTNN trong giai đoạn tới theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả.Ảnh tư liệu

Tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực không ngừng được củng cố, phát triển

Thời gian qua, hệ thống tổ chức bộ máy của KTNN đã được phát triển khá toàn diện cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng, từng bước tiến tới đồng bộ, qua đó giúp KTNN thực hiện toàn diện hơn, hiệu quả hơn chức năng, nhiệm vụ được giao.

Thực hiện chủ trương về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế của cả hệ thống chính trị theo Nghị quyết số 39-NQ/TW, đến nay, hệ thống tổ chức bộ máy của KTNN được tổ chức theo mô hình tập trung thống nhất với chức năng, nhiệm vụ được phân công rõ ràng, khoa học, gồm 32 đơn vị cấp vụ và tương đương, trong đó có 7 đơn vị tham mưu; 8 KTNN chuyên ngành; 13 KTNN khu vực; 3 đơn vị sự nghiệp công lập và Văn phòng Đảng - Đoàn thể. Với kinh nghiệm được tích lũy và sự chủ động trong hoạt động, các đơn vị trực thuộc của KTNN đã nỗ lực vượt qua khó khăn để đi vào hoạt động ổn định. Hiện nay, KTNN đang tập trung vào việc hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ các đơn vị trực thuộc theo hướng phân công, phân nhiệm rõ ràng, tập trung xây dựng, sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động KTNN cũng từng bước được hoàn thiện cả về số lượng, cơ cấu, đủ năng lực, trình độ thi hành công vụ, hướng tới ngày càng chính quy, hiện đại. Một trong những kết quả nổi bật về công tác cán bộ trong những năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2010-2020 là việc Ban cán sự đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước luôn quan tâm, coi trọng và thực hiện tốt công tác luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch cán bộ. Bên cạnh đó, KTNN đã triển khai kịp thời, có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng; đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục về văn hóa ứng xử, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của KTV nhà nước...

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, KTNN luôn coi trọng việc củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức, trong đó, việc tổ chức bộ máy theo ngành dọc, với đội ngũ tinh gọn, chuyên nghiệp là yếu tố rất quan trọng trong việc duy trì và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của KTNN. Đồng thời, không ngừng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, KTV có trình độ cao, chuyên môn giỏi để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao. Bên cạnh đó, luôn coi trọng việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương và giữ gìn đạo đức nghề nghiệp của công chức, KTV; có chính sách đãi ngộ để thu hút nhân tài; thực hiện hợp lý chính sách luân chuyển cán bộ; giữ vững đoàn kết nội bộ trong từng đơn vị, sự ổn định và phát triển của Ngành.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đánh giá, nhìn lại một chặng đường hình thành và phát triển của KTNN, đến nay, chúng ta đã có một hệ thống và một đội ngũ cán bộ rất có năng lực, năng động. “Tôi rất ngưỡng mộ hệ thống của KTNN. KTNN không làm trên địa bàn hành chính mà phân chia theo các khu vực, theo ngành dọc, vừa thuận lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành, đồng thời tiết kiệm được chi phí” - ông Nguyễn Văn Giàu chia sẻ.

Nhiều ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có chung nhận định, với vai trò là một chế định độc lập được ghi nhận trong Hiến pháp, với đội ngũ KTV ngày càng chuyên nghiệp, có trình độ, năng lực, kỷ luật, kỷ cương, thời gian qua, KTNN đã thể hiện được vai trò và cơ bản đáp ứng kỳ vọng của Quốc hội. Hoạt động kiểm toán đã góp phần tăng uy tín của Quốc hội.

Phát triển tổ chức bộ máy chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực của KTNN chưa được hoàn thiện đầy đủ, số lượng công chức hiện nay mới chỉ được bố trí 58,5% so với Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020; trong khi KTNN phải cùng với cả nước tiếp tục thực hiện Đề án “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Trong bối cảnh đó, Dự thảo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030) xác định cần phát triển hệ thống tổ chức bộ máy trong giai đoạn tới theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả theo chủ trương chung của cả hệ thống chính trị và tăng cường phân cấp cho các đơn vị trực thuộc.

Theo đó, KTNN sẽ xây dựng các đề án tăng cường, củng cố năng lực nhằm sắp xếp lại các đơn vị trực thuộc; xây dựng bộ máy tham mưu hiệu lực, hiệu quả, chuyên nghiệp; duy trì ổn định hoạt động các KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực. Đồng thời, nâng cấp Ban Tài chính hiện nay đang trực thuộc Văn phòng KTNN thành Vụ Tài chính để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị dự toán cấp I, có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị trực thuộc lập kế hoạch dự toán, quản lý, phân bổ kinh phí NSNN và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và tổng hợp quyết toán NSNN của KTNN; củng cố và phát triển Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, Trung tâm Tin học, trong đó xây dựng, nâng cấp Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán thành Học viện Kiểm toán để tăng năng lực, quy mô đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học, phương pháp chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán, nghiên cứu chính sách... phục vụ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động kiểm toán, đồng thời tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành kiểm toán; xây dựng Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT) và dữ liệu trên cơ sở cơ cấu lại và bổ sung nhiệm vụ cho Trung tâm Tin học để đáp ứng yêu cầu phát triển CNTT của KTNN trong quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam. Song song đó, KTNN xây dựng đội ngũ công chức KTNN tinh gọn, đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và có cơ cấu hợp lý, với nguồn nhân lực ổn định từ 2.600 - 2.700 người.

Quan điểm, định hướng trên của KTNN đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình và tán thành cao khi cho ý kiến về Dự thảo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, tại Phiên họp thứ 47 vừa qua. Dự thảo Chiến lược sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt sẽ là cơ sở pháp lý để KTNN triển khai, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong từng giai đoạn, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Ngành trong giai đoạn tới.
ĐĂNG KHOA
Cùng chuyên mục
Hoàn thiện tổ chức bộ máy Kiểm toán Nhà nước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới