Hoàn thiện quy trình kiểm toán hoạt động chuyển giá

(BKTO) - Nhằm tăng cường hiệu quả, vai trò của KTNN trong kiểm toán chống chuyển giá, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy trình nghiệp vụ kiểm toán, đặc biệt là quy trình tổ chức kiểm toán…



Những nội dung này được ThS. Hoàng Văn Chương - nguyên Chánh Thanh tra KTNN và ThS. Đoàn Chiến Thắng - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XI đề xuất trong Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Giải pháp chống chuyển giá, trốn thuế và trách nhiệm của KTNN”.
                
   

Đại diện ban Chủ nhiệm đề tài trình bày kết quả nghiên cứu tại cuộc nghiệm thu.

   

Xử lý chuyển giá vẫn gặp nhiều khó khăn

Kết quả nghiên cứu Đề tài cho thấy, đối với các tập đoàn nhà nước, KTNN đã thực hiện các cuộc kiểm toán toàn diện, trong đó có rà soát sai phạm chuyển giá trong các giao dịch giữa các công ty con của tập đoàn với nhau và đã có những phát hiện đáng ghi nhận, góp phần chung vào công cuộc chống chuyển giá của Nhà nước.

Qua nghiên cứu, Nhóm tác giả đã chỉ rõ các nguyên nhân dẫn đến hiện tượng chuyển giá tại Việt Nam: Xuất phát từ quyền tự do định đoạt trong kinh doanh, các chủ thể có quyền quyết định giá của một giao dịch. Do đó, họ hoàn toàn có quyền mua hay bán hàng hóa, dịch vụ với giá mong muốn.

Sự khác biệt về giá giao dịch được thực hiện giữa các chủ thể kinh doanh có cùng lợi ích và không làm thay đổi lợi ích toàn cục.

Việc quyết định chính sách giá giao dịch giữa các thành viên trong nhóm liên kết không thay đổi tổng lợi ích chung nhưng có thể làm thay đổi tổng nghĩa vụ thuế của họ. Thông qua việc định giá, nghĩa vụ thuế được chuyển từ nơi bị điều tiết cao sang nơi bị điều tiết thấp hơn và ngược lại.

Sự khác nhau về chính sách thuế giữa các quốc gia, giữa các vùng tại Việt Nam cũng là nguyên nhân dẫn đến sự chuyển giá...

Việc xử lý về chuyển giá gặp khó khăn do khuôn khổ pháp lý chống chuyển giá chưa hoàn thiện. Các quy định về định giá chuyển giao chỉ mới dừng ở cấp nghị định nên hiệu lực pháp lý chưa cao, gây khó khăn cho quá trình thực hiện. Luật Chống chuyển giá vẫn chưa hình thành, ngành thuế chưa có chức năng điều tra DN.

Các Bộ, ngành chưa có phương pháp phối hợp, điều tra và xử lý hiệu quả, dẫn đến vô tình tạo ra lỗ hổng về pháp lý, từ đó, các DN FDI, DN trong nước chuyển giá ngày càng tinh vi, rất khó phát hiện và không dễ xử lý.

Việt Nam chưa có bộ phận chuyên trách về thu thập thông tin phục vụ hoạt động thanh tra thuế nói chung và chống chuyển giá nói riêng ở tầm quốc gia và trực tiếp xử lý các vấn đề về thông tin ở tầm quốc tế.

Hệ thống dữ liệu thông tin đầy đủ về người nộp thuế nói chung và phục vụ cho hoạt động chống chuyển giá nói riêng chưa được xây dựng.

Việc chưa có quy định về cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp tính giá (APA) khiến công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá chưa được áp dụng linh hoạt trong một số trường hợp có tính phức tạp và chưa khắc phục được việc tranh chấp về thuế giữa cơ quan thuế và người nộp thuế.

Thêm vào đó, các DN có hành vi chuyển giá thường là các công ty đa quốc gia, vốn kinh doanh lớn, có đội ngũ chuyên gia tư vấn nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng kế hoạch trốn thuế thông qua xác định giá chuyển giao. Chính vì vậy, việc phát hiện và đấu tranh đối với các trường hợp này rất khó khăn…

Tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm toán hoạt động chuyển giá

Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và phân tích thực trạng chuyển giá và việc kiểm toán hoạt động chuyển giá, nhóm tác giả đã đề xuất Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành… sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về chống chuyển giá.

Trong đó, Chính phủ cần củng cố cơ sở pháp lý về quản lý hoạt động chuyển giá, ban hành và hướng dẫn đầy đủ các phương pháp xác định giá chuyển giao phù hợp với trình độ phát triển kinh doanh trong nước và thông lệ quốc tế.

Công tác chống chuyển giá đòi hỏi phạm vi tác nghiệp rộng, do đó, Chính phủ cần yêu cầu nhiều cơ quan chức năng (kiểm toán, thuế, hải quan, thanh tra, công an, công thương, kế hoạch và đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại…) tham gia công tác chống chuyển giá nhằm nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan chủ trì và tham gia chống chuyển giá.
                
   

Cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về chống chuyển giá.Ảnh: internet

   

Về phía KTNN, cần tổ chức các cuộc kiểm toán chuyên đề hoặc tổ chức kiểm toán hoạt động đối với hoạt động chuyển giá, trước mắt là chuyên đề theo từng ngành, lĩnh vực hoặc tổ chức kiểm toán hoạt động đối với việc quản lý thuế của các DN có giao dịch liên kết để đánh giá toàn diện và chuyên sâu về hoạt động kê khai, nộp thuế của các đối tượng có giao dịch liên kết thuộc mọi thành phần kinh tế…

KTNN xây dựng Sổ tay hướng dẫn áp dụng Đề cương kiểm toán hoạt động chuyển giá của các DN, hướng dẫn chi tiết, cụ thể việc xác định mục tiêu, nội dung, phương pháp kiểm toán…

Hoạt động chuyển giá hết sức tinh vi và phức tạp, do đó, công tác kiểm toán chuyển giá đòi hỏi trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cao và toàn diện. Vì vậy, KTNN cần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của kiểm toán viên về việc kiểm toán công tác quản lý thuế, đặc biệt là kiểm toán hành vi chuyển giá.

KTNN cần phối hợp với cơ quan thuế trong công tác kiểm soát nhà nước đối với hoạt động chuyển giá; tăng cường hợp tác quốc tế để trao đổi thông tin phục vụ việc cập nhật cơ sở dữ liệu về giá, đào tạo kiến thức và kỹ năng cho nhân sự thực hiện kiểm soát vĩ mô giá chuyển gia, cũng như xác minh các giao dịch với bên liên kết qua biên giới…

Trên cơ sở các quy định của pháp luật và hướng dẫn của KTNN, các đơn vị trực thuộc KTNN xây dựng quy trình, quy chế tổ chức và hoạt động kiểm toán chống chuyển giá của đơn vị và phối kết hợp tốt để thực hiện đạt hiệu quả cao nhất…/.

         
Ngày 21/12, Hội đồng khoa học KTNN đã tổ chức nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Giải pháp chống chuyển giá, trốn thuế và trách nhiệm của KTNN”. Đề tài đã phác họa tổng quan về tình hình chuyển giá, trốn thuế tại Việt Nam, nêu rõ những tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là ảnh hưởng đến nguồn thu NSNN; đồng thời, nêu rõ vai trò, trách nhiệm của KTNN trong đấu tranh chống chuyển giá, trốn thuế.
   Nhóm tác giả đã nhận diện các hình thức, dấu hiệu của gian lận chuyển giá, trốn thuế; xác định đối tượng, xây dựng cách thức tiếp cận, phương pháp kiểm toán đối với các gian lận, chuyển giá, trốn thuế trong công tác kiểm toán thuế tại các DN FDI và các cơ quan khác ở Việt Nam; phân tích thực trạng, chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân hạn chế của công tác kiểm toán chuyển giá, trốn thuế, từ đó đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm toán.
   Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Khá.

THÙY ANH



Cùng chuyên mục
Hoàn thiện quy trình kiểm toán hoạt động chuyển giá