Hoàn thiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng nguồn nước bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long

(BKTO) - ThS. Trần Kim Lộc - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, Chủ tịch Hội đồng - đã nhấn mạnh yêu cầu này tại buổi nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Cơ sở: “Hoàn thiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng nguồn nước bền vững trước sự suy giảm hệ sinh thái và biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long”, chiều 01/4, tại Hà Nội.



                
   

Quang cảnh buổi nghiệm thu. Ảnh: Hồng Nhung

   

Đề tài do ThS. Lê Thị Thùy Ngoan - KTNN khu vực IX và ThS. Nguyễn Tiến Hoàng - KTNN chuyên ngành Ia - làm Chủ nhiệm.

Theo Ban Đề tài, ở vị thế một quốc gia cuối nguồn và hơn 60% lưu lượng nước phụ thuộc vào thượng nguồn nằm ngoài biên giới, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phải gánh chịu nhiều tác động to lớn chưa thể lường trước từ việc khai thác, sử dụng nước thiếu bền vững của các quốc gia thượng nguồn, an ninh nguồn nước gặp nhiều thách thức và nguy cơ mất an toàn trong cấp nước rất cao. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được đánh giá là vùng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Để triển khai Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (PTBV), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV. Vì thế, tiếp cận nguồn nước an toàn là nền tảng cho sức khỏe cộng đồng, điều này rất quan trọng đối với sự PTBV.

Hiện nay, việc tuân thủ chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên nước (TNN) nói chung và lưu vực sông Mê Công nói riêng còn nhiều bất cập, dẫn đến thực trạng khai thác, sử dụng nước bất hợp lý, thiếu quy hoạch, tình trạng ô nhiễm nguồn nước có xu hướng gia tăng nghiêm trọng, đặc biệt TNN chảy qua địa phận nhiều quốc gia, từ đó tác động tiêu cực đến môi trường sống và an sinh xã hội của cư dân thuộc địa phận nguồn nước chảy qua.

KTNN Việt Nam đã cùng một số cơ quan kiểm toán tối cao thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn nước sông Mê Công để có những kiến nghị về đảm bảo chất lượng nguồn nước, tránh tác động tiêu cực đến an ninh nguồn nước, an ninh xã hội.

Trong bối cảnh đó, quy hoạch, bảo vệ, khai thác hợp lý nguồn TNN là một trong những vấn đề quan trọng, góp phần PTBV cho vùng đồng bằng châu thổ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân như khai thác chưa hợp lý cùng với tác động của biến đổi khí hậu, khu vực ĐBSCL có những dấu hiệu, nguy cơ suy giảm mực nước, gia tăng xâm nhập mặn, sụt lún nền đất xảy ra cục bộ. Bởi vậy, việc nghiên cứu là Đề tài là rất cần thiết.
                
   

ThS. Nguyễn Tiến Hoàng (người đứng) đại diện cho Ban Đề tài trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: Hồng Nhung

   

Đề tài được kết cấu thành 2 chương: Chương I: Tổng quan về quản lý, sử dụng TNN và kiểm toán việc quản lý và sử dụng nguồn nước tại ĐBSCL trước sự suy giảm hệ sinh thái, biến đổi khí hậu; Chương II: Hoàn thiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng TNN tại ĐBSCL.

Hội đồng nghiệm thu đánh giá việc nghiên cứu Đề tài là rất cần thiết, có giá trị cả về lý luận và thực tiễn. Đặc biệt, Đề tài đã đưa ra các định hướng, nguyên tắc hoàn thiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn nước; các chỉ dẫn về cách thức xác định mục tiêu, nội dung và thiết lập các tiêu chí kiểm toán, từ đó đưa ra phương thức tổ chức cuộc kiểm toán để đạt hiệu quả cao nhất. Đây là các đề xuất có tính khả thi cao, có thể tham khảo ứng dụng trong thực tiễn hoạt động kiểm toán hoặc hoàn thiện ban hành hướng dẫn kiểm toán trong thời gian tới.

Để Đề tài hoàn thiện hơn, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Đề tài xem xét bổ sung nội dung đánh giá tác động của con người đối với TNN và tác động của TNN đối với đời sống để chỉ ra mối quan hệ tương hỗ giữa con người và TNN; từ đó thấy được tầm quan trọng phải quản lý tổng hợp TNN một cách hiệu quả; cân nhắc thu hẹp phạm vi kiểm toán trong nước, không nên mở rộng thêm về kiểm toán công tác quốc tế đối với việc quản lý nguồn nước ĐBSCL.

Bên cạnh đó, cập nhật, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật TNN, các văn bản dưới Luật, Hướng dẫn kiểm toán hoạt động và các văn bản mới có liên quan; tập trung phân tích làm rõ hơn thực trạng kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn nước ở Việt Nam nói chung và tại ĐBSCL nói riêng; xem xét bổ sung vai trò của KTNN trong việc góp phần đảm bảo quản lý, khai thác và sử dụng bền vững TNN.

Đặc biệt, Ban Đề tài lưu ý tiêu chí kiểm toán tập trung vào các nội dung: Xây dựng ban hành văn bản, tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành và địa phương có liên quan.
                
   

Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Trần Kim Lộc đánh giá cao sự cầu thị, công phu trong nghiên cứu của Ban Đề tài cũng như giá trị ứng dụng thực tiễn của Đề tài. Ảnh: Hồng Nhung

   

Kết luận buổi nghiệm thu, ông Trần Kim Lộc đánh giá cao sự cầu thị, công phu trong nghiên cứu của Ban Đề tài cũng như giá trị ứng dụng thực tiễn của Đề tài. Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Đề tài tiếp thu tất cả ý kiến của các thành viên Hội đồng để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Đề tài biên tập gọn lại phần lý luận để đi sâu phân tích các nội dung trọng tâm; cập nhật, hệ thống hóa các văn bản.

Đặc biệt, Ban Đề tài tập trung làm sâu sắc thêm tính khoa học, hiệu quả và tính ứng dụng của Đề tài đối với thực tiễn. Đó là hoàn thiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng nguồn nước bền vững tại ĐBSCL, trong đó chú ý xây dựng các tiêu chí kiểm toán, công tác tổ chức lãnh đạo, điều hành một cuộc kiểm toán mới, công tác phối hợp để đảm bảo cuộc kiểm toán hoàn thiện.

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Khá./.
HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Hoàn thiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng nguồn nước bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long