Hiệu quả từ đàm phán giá, đấu thầu thuốc tập trung

(BKTO) - Năm 2018, lần đầu tiên, Bộ Y tế tiến hành đàm phán giá với nhà cung cấp để giảm giá thuốc. Trong đấu thầu tập trung, Bộ cũng đã đấu thầu thành công với 3 gói thầu, giảm giá thuốc, mang lại nhiều lợi ích kinh tế.



Giảm gần 19% so với giá trúng thầu qua đàm phán giá thuốc

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, việc đàm phán giá với nhà cung cấp các thuốc có từ 1 - 2 số đăng ký tại Việt Nam, thuốc đang bị độc quyền được quy định trong Luật Dược sửa đổi và Thông tư số 09/2016/TT-BYT của Bộ Y tế. Trên cơ sở đó, Bộ đã thành lập Hội đồng đàm phán giá; Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia đã triển khai các bước theo đúng quy trình, phối hợp với các chuyên gia trong và ngoài nước phân tích hiệu quả điều trị của thuốc, đánh giá về chi phí hiệu quả, kinh tế y tế; từ đó đề xuất lên Hội đồng phương án đàm phán giá với các nhà thầu. Sau đó, Hội đồng đã tiến hành các phiên đàm phán giá công khai với các nhà thầu.

Kết quả, Hội đồng đã đàm phán thành công ở tất cả 4 mặt hàng thuốc và đã giảm được 18,55% so với giá trúng thầu hiện tại. Với số lượng thuốc dự kiến mua cho các cơ sở y tế năm 2019-2020 thì giảm được hơn 551 tỷ đồng so với giá trúng thầu hiện tại. “Trên sơ sở kết quả đạt được bước đầu, năm 2019, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc đàm phán giá với các mặt hàng thuốc biệt dược, góp phần làm giảm giá thuốc theo đúng chỉ đạo của Chính phủ” - Bộ trưởng cho biết.

Đối với việc đấu thầu thuốc tập trung, năm 2018, Bộ Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia tiếp tục tổ chức đấu thầu tập trung với hoạt chất chưa có kết quả năm 2017; tổ chức đấu thầu với thuốc kháng vi rút HIV (ARV) cung cấp cho các cơ sở điều trị sử dụng nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế; triển khai đấu thầu với 22 hoạt chất thuộc danh mục đấu thầu tập trung. Đây là các hoạt chất, các thuốc chiếm tỷ trọng giá trị rất lớn trong tổng Quỹ Bảo hiểm y tế.

Kết quả, Bộ đã chọn được các nhà thầu cung ứng các mặt hàng thuốc đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Các gói thầu đều giảm được giá so với giá trúng thầu hiện tại của các cơ sở y tế. Cụ thể như, gói cung cấp thuốc Capecitabin 500 mg nhóm 2 đã giảm được 34% so với giá trúng thầu hiện tại của các cơ sở y tế, giảm được hơn 12,7 tỷ đồng. Gói cung cấp thuốc ARV cho các cơ sở điều trị từ nguồn Bảo hiểm y tế đã giảm 6,4% so với giá trúng thầu hiện tại, giảm hơn 8,4 tỷ đồng. Gói cung cấp các thuốc thuộc 22 hoạt chất thuộc danh mục đấu thầu tập trung năm 2018 đang được tích cực triển khai, sắp được công bố và dự kiến sẽ tiếp tục giảm được giá so với giá trúng thầu hiện tại.

Đề xuất đấu thầu thuốc theo giá tham chiếu

Trước những lo ngại về tình trạng một số thuốc điều trị khan hiếm do năng lực của đơn vị trúng thầu hạn chế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, do việc đấu thầu tập trung chỉ có một nhà thầu trúng thầu, số lượng cung ứng lớn cho tất cả các cơ sở y tế trên toàn quốc nên có thể xảy ra tình trạng tại một thời điểm có thể thiếu thuốc. Tuy nhiên, theo báo cáo của các cơ sở y tế, đối với gói thầu tập trung quốc gia năm 2017, tình trạng nêu trên chưa xảy ra. Trường hợp có thể xảy ra việc thiếu một mặt hàng thuốc nào đó, các cơ sở y tế đã có các phương án sử dụng các thuốc cùng hoạt chất ở các nhóm khác nhau hoặc sử dụng các thuốc có hàm lượng khác nhau, vẫn bảo đảm cung ứng đủ thuốc để điều trị cho người bệnh.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng thẳng thắn nhìn nhận, thực tế hiện nay, việc đấu thầu thuốc tập trung đang gặp phải một số hạn chế. Do đấu thầu tập trung để lựa chọn đơn vị trúng thầu nên chỉ có một số ít đơn vị trúng thầu cung cấp thuốc trong thời gian từ 1 - 3 năm cho các cơ sở y tế trên toàn quốc. Điều này dẫn tới các nhà cung cấp, sản xuất khác không trúng thầu có nguy cơ phá sản, hoặc sẽ xảy ra nguy cơ, sau một đợt đấu thầu tập trung, chỉ còn các đơn vị trúng thầu cung ứng hoặc sản xuất mặt hàng thuốc đó, các đơn vị không trúng thầu sẽ không nhập khẩu hoặc sản xuất nên có thể dẫn đến tình trạng độc quyền, các đợt đấu thầu lần sau sẽ mất tính cạnh tranh, rất dễ dẫn đến tăng giá thuốc. Mặt khác, do việc đấu thầu tập trung chỉ có một nhà thầu trúng thầu, số lượng cung ứng lớn cho tất cả các cơ sở y tế trên toàn quốc nên có thể xảy ra tình trạng tại một thời điểm có thể thiếu thuốc.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế đang nghiên cứu để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép Bộ Y tế thực hiện thí điểm việc đấu thầu tập trung thuốc, vật tư y tế cấp quốc gia để lấy giá tham chiếu, giao cho các đơn vị, cơ sở y tế căn cứ vào nhu cầu sử dụng thuốc, vật tư để mua hoặc đấu thầu mua thuốc, vật tư theo giá không được cao hơn giá tham chiếu. Trong năm 2019, Bộ Y tế cũng chủ trương tiếp tục mở rộng phạm vi, danh mục đấu thầu tập trung thuốc, vật tư y tế để giảm giá thuốc.

Đ. KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 04 ra ngày 24-01-2019
Cùng chuyên mục
Hiệu quả từ đàm phán giá, đấu thầu thuốc tập trung