Giảm rủi ro, tăng khả năng phát hiện sai sót trong kiểm toán thu ngân sách

(BKTO) - Kiểm toán thu ngân sách là một trong hai nội dung lớn của cuộc kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP). Vì vậy, để tăng khả năng phát hiện sai sót, giảm thiểu rủi ro đối với nội dung kiểm toán này, các kiểm toán viên (KTV) cần lưu ý cập nhật hệ thống văn bản có liên quan, tập trung kiểm toán tổng hợp, tích cực trao đổi, thảo luận khi gặp những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, chưa thống nhất.




Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các KTV cũng như các tổ kiểm toán từ khâu kiểm toán tổng hợp đến kiểm toán chi tiết. Ảnh tư liệu

Các sai sót thường gặp khi kiểm toán thu ngân sách

Thực tiễn hoạt động kiểm toán NSĐP những năm qua cho thấy, bên cạnh việc đưa ra kiến nghị xử lý tài chính, sửa đổi, bổ sung các văn bản không còn phù hợp với quy định pháp luật hiện hành cũng như thực tiễn, KTNN đã chỉ ra nhiều sai sót trong công tác quản lý thu ngân sách tại các cơ quan thuế, kho bạc, hải quan. Theo ông Dương Minh Tuấn - Vụ Pháp chế, sai sót mà các KTV thường gặp khi kiểm toán thu ngân sách là việc cơ quan quản lý thuế xác định sai số thuế. Tình trạng này chủ yếu tập trung vào lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu. Các sai sót phổ biến là: áp dụng sai mã hàng hoá dẫn đến áp dụng thuế suất không đúng; không xác định chính xác xuất xứ hàng hoá để áp dụng theo biểu thuế suất phù hợp; không kiểm tra tính chân thực của hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế mà áp dụng ngay các phương pháp xác định trị giá hải quan khác; vận dụng các quy định xác định trị giá hải quan không chính xác… Ngoài ra, việc áp dụng mức thuế không hợp lý còn thường xảy ra đối với những chủ thể kinh doanh nộp thuế bằng phương pháp khoán. Nhiều trường hợp, cơ quan thuế còn chậm trễ trong việc xử lý những hồ sơ đề nghị miễn, giảm hoặc hoàn thuế.

Bên cạnh đó, Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán Ngô Minh Kiểm cho biết, thời gian gần đây, nhiều DN giao dịch với các bên có hoạt động giao dịch thuộc diện phải kê khai nộp thuế. Thế nhưng, những DN này vẫn chưa kê khai các giao dịch liên kết để nộp thuế theo quy định. Đây cũng là một trong những phát hiện quan trọng trong kiểm toán thu ngân sách.

Cũng theo ông Ngô Minh Kiểm, qua kiểm toán thu ngân sách tại các địa phương, KTNN cũng đã phát hiện một loạt các sai sót. Cụ thể, tình trạng quản lý nợ, tổng hợp báo cáo nợ đọng không chính xác; phân loại nợ không đúng quy định. Nhiều địa phương chưa báo cáo các khoản nợ liên quan đến các khoản thu về đất hàng trăm tỷ đồng. Nợ đọng có xu hướng tăng, chưa đảm bảo tỷ lệ nợ trên tổng số thu hoặc không đảm bảo tỷ lệ thu nợ trong năm. Một số địa phương còn quản lý nợ chưa tốt dẫn đến tình trạng các DN chây ỳ không nộp thuế, dây dưa, kéo dài nhiều năm, tỷ lệ nợ khó thu cao. Việc xác định nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai còn nhiều bất cập trong phương pháp tính giá đất; xác định giá đất làm cơ sở tính tiền thu sử dụng đất, tiền thuê đất không sát với giá thị trường, gây thất thu NSNN.

Tuy nhiên, khi thực hiện kiểm toán thu ngân sách, các KTV đôi khi vẫn gặp khó khăn trong việc thu thập bằng chứng để đưa ra các đánh giá, kiến nghị rõ ràng, đầy đủ cơ sở. Điều này có thể dẫn đến những rủi ro kiểm toán, đặc biệt là đối với các kiến nghị truy thu thuế. Một vấn đề nữa là kiến nghị kiểm toán giữa các KTNN khu vực còn có sự khác nhau. Chẳng hạn, trong kiểm toán, đối chiếu thuế, bên cạnh kiến nghị truy thu, có đơn vị kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính (tính số tiền phạt cụ thể), có đơn vị lại không kiến nghị cơ quan thuế xử phạt. Hoặc cùng một nội dung vi phạm nhưng có nơi kiến nghị trách nhiệm, có nơi không kiến nghị trách nhiệm.

Tăng cường trao đổi, phối hợp, tập trung kiểm toán tổng hợp để phát hiện sai sót

Nhằm tăng khả năng phát hiện sai sót, tránh rủi ro trong kiểm toán thu ngân sách, theo ông Dương Minh Tuấn, các KTV cần thường xuyên học hỏi, tìm hiểu văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng cho đúng, đảm bảo tính khả thi. Đồng thời, KTV cũng phải cập nhật hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực kiểm toán thu như các văn bản về: các sắc thuế; hướng dẫn phát hành, quản lý, sử dụng hóa đơn; quy trình quản lý thuế; quản lý thu phí, lệ phí và các khoản thu khác…

Trong quá trình kiểm toán thu ngân sách, các KTV cần kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc nghiên cứu nội dung, kết quả kiểm toán, kiến nghị với văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn đã được lưu trữ khoa học, dễ tra cứu. Đối với các vấn đề chưa thống nhất, phức tạp, nhạy cảm thì các tổ, đoàn kiểm toán nên đưa ra thảo luận tập thể để có biện pháp xử lý triệt để, tránh rủi ro kiểm toán.

Để nâng cao chất lượng kiểm toán thu ngân sách, ông Ngô Minh Kiểm cho rằng, các đoàn kiểm toán cần chú trọng, tập trung vào kiểm toán tổng hợp và tăng cường kiểm toán đối chiếu thuế. Cần bố trí thời gian kiểm toán tổng hợp hợp lý, phân công KTV làm công tác tổng hợp phù hợp, bố trí các KTV có kinh nghiệm và am hiểu về lĩnh vực thuế để nâng cao chất lượng công tác kiểm toán này. Việc lựa chọn các đơn vị đối chiếu phải dựa trên cơ sở phân tích báo cáo tài chính của đơn vị nhằm lựa chọn những đơn vị có rủi ro, lĩnh vực nhạy cảm có khả năng sai sót cao. Bên cạnh đó, kiểm toán tổng hợp thu đòi hỏi phải có phương pháp kiểm toán phù hợp, không chỉ thực hiện kiểm toán tại cơ quan thuế mà cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước khác được giao nhiệm vụ có tác động và ảnh hưởng đến các khoản thu ngân sách.

Qua thực tiễn hoạt động kiểm toán thu ngân sách tại các địa phương, đại diện KTNN khu vực I chia sẻ kinh nghiệm, để phát hiện sai sót, các đoàn kiểm toán cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các KTV cũng như các tổ kiểm toán từ khâu kiểm toán tổng hợp đến kiểm toán chi tiết. Việc làm này sẽ tạo thuận lợi để các KTV hỗ trợ thông tin lẫn nhau, bổ sung cho công tác phân tích báo cáo, tài liệu của cơ quan thuế, DN nhằm xác định, lựa chọn đối tượng kiểm toán có rủi ro sai sót trọng yếu.

THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
  • Đồng bộ các giải pháp để nâng cao tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán
    3 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Xác định kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán là một khâu quan trọng trong quy trình kiểm toán và góp phần nâng cao hiệu lực kiểm toán, thời gian qua, KTNN đã đề ra và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.
  • Dấu chân kiểm toán viên và hành trình không mỏi trong sự nghiệp phát triển KTNN
    3 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Thực hiện nhiệm vụ kiểm toán tại địa bàn khó khăn, thiếu thốn đủ bề với nhiều rủi ro thường trực, thế nhưng, những thử thách đó không thể cản bước chân các kiểm toán viên (KTV) nhà nước trên hành trình kiểm toán tìm ra chân lý. Qua thời gian, bao thế hệ KTV tiếp nối trưởng thành, góp phần dựng xây nên một thiết chế độc lập, bền vững, để KTNN trở thành cơ quan kiểm toán tài chính, tài sản công uy tín được Đảng, Nhà nước, nhân dân, đối tác tin cậy.
  • 5 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW: Chuyển biến rõ nét trong phong trào thi đua yêu nước của Kiểm toán Nhà nước
    3 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng (Chỉ thị 34), công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT) của KTNN đã có bước chuyển biến rõ rệt cả về nội dung, hình thức, chất lượng và hiệu quả.
  • Chú trọng nâng cao chất lượng lập báo cáo kiểm toán
    3 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Tại cuộc họp giao ban trực tuyến toàn Ngành tháng 8/2020 vừa qua, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu các đơn vị kiểm toán thực hiện nghiêm quy trình kiểm toán, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng kiểm toán, đồng thời phải chú trọng nâng cao chất lượng lập báo cáo kiểm toán (BCKT) và coi đây là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng cuộc kiểm toán.
  • Cần xây dựng chiến lược kiểm toán tổng thể về chuỗi giá trị khai khoáng
    3 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Với nguồn tài nguyên khoáng sản (TNKS) phong phú, đa dạng, Việt Nam đã khai thác để phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, hoạt động khai khoáng của nước ta vẫn còn nhiều thách thức đòi hỏi phải có sự kiểm tra, kiểm toán để đánh giá độc lập và toàn diện các khía cạnh kinh tế, môi trường và xã hội theo mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030. Do đó, học hỏi kinh nghiệm quốc tế để triển khai hiệu quả hoạt động kiểm toán lĩnh vực khai khoáng đang là yêu cầu đặt ra đối với KTNN.
Giảm rủi ro, tăng khả năng phát hiện sai sót trong kiểm toán thu ngân sách