Đưa công tác kiểm toán ngân hàng vào nề nếp, bài bản hơn

(BKTO) - Tổng Kiểm toán Nhà nước vừa ban hành Quy trình kiểm toán các tổ chức tài chính, ngân hàng (TCNH). Quy trình mới này có nhiều ưu điểm và sự khác biệt so với quy trình được ban hành trước đó.



Tạo cơ sở để nâng cao chất lượng kiểm toán

Quy trình kiểm toán các tổ chức TCNH mới đã đề cập đến toàn bộ nội dung của quá trình thực hiện kiểm toán từ khâu chuẩn bị kiểm toán, thực hiện kiểm toán, đến phát hành Báo cáo kiểm toán và kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán. Trong đó, Quy trình đã hướng dẫn thực hiện một cách chi tiết các nội dung về chuẩn bị kiểm toán và thực hiện kiểm toán.

Quyết định số 11/2017/QĐ-KTNN ngày 21/11/2017
         
   
   “Với nhiều quy định cụ thể, Quy trình mới như một cẩm nang chỉ dẫn giúp KTV áp dụng vào thực tiễn hoạt động kiểm toán; qua đó đưa công tác kiểm toán các tổ chức TCNH ngày càng đi vào nề nếp, bài bản hơn”.
      
Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII Phạm Thanh Sơn
   
Quy trình đã đưa ra các phụ lục hướng dẫn chi tiết về đề cương khảo sát, thu thập thông tin, lập Kế hoạch kiểm toán (KHKT) và hướng dẫn đối với từng loại hình đơn vị có tính đặc thù riêng biệt về nghiệp vụ như: Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng phát triển, các ngân hàng thương mại, các DN Bảo hiểm, Bảo hiểm tiền gửi, Bảo hiểm xã hội, các công ty chứng khoán, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn…

Từ góc độ của đơn vị làm nhiệm vụ kiểm toán các tổ chức TCNH, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII Phạm Thanh Sơn nhận định: “Việc ban hành Quy trình mới có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động kiểm toán các tổ chức TCNH trong thời gian tới. Với nhiều quy định cụ thể, Quy trình như một cẩm nang chỉ dẫn giúp Kiểm toán viên (KTV) áp dụng vào thực tiễn hoạt động kiểm toán; qua đó đưa công tác kiểm toán các tổ chức TCNH ngày càng đi vào nề nếp, bài bản hơn”.

Cũng theo ông Sơn, việc ban hành Quy trình mới góp phần nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán các tổ chức TCNH ngay từ khâu tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, lập KHKT, đến quá trình triển khai thực hiện kiểm toán và các bước tiếp theo. Quy trình mới đã vận dụng rất nhiều Chuẩn mực KTNN mới được ban hành nhằm triển khai thực hiện một cách cụ thể các Chuẩn mực KTNN vào hoạt động kiểm toán đối với lĩnh vực TCNH.

Bên cạnh đó, với nội dung đổi mới là thực hiện kiểm toán trên cơ sở phân tích, đánh giá rủi ro và xác định các trọng yếu, việc vận dụng đầy đủ Quy trình sẽ giúp các cuộc kiểm toán lĩnh vực TCNH ngày càng đi vào trọng tâm, xác định đúng rủi ro để lựa chọn các trọng yếu kiểm toán. Đây là cơ sở để nâng cao chất lượng kiểm toán và tiết giảm chi phí, thời gian kiểm toán.

Ngoài ra, Quy trình cũng là cơ sở để các cấp quản lý của KTNN thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng hoạt động của các Đoàn kiểm toán thuộc lĩnh vực TCNH có hiệu quả hơn.

Quy trình mới có nhiều ưu điểm

“Với ý nghĩa trên, Quy trình lần này đã có nhiều ưu điểm và sự khác biệt so với Quy trình đã được KTNN ban hành trước đó”- ông Phạm Thanh Sơn khẳng định.

Quyết định số 06/2012/QĐ-KTNN ngày 11/4/2012

Cụ thể hơn, theo ông Sơn, Quy trình mới đã đưa ra các nội dung, yêu cầu về khảo sát, thu thập thông tin một cách chi tiết, đầy đủ hơn; yêu cầu các Đoàn/Tổ khảo sát phải lập đề cương khảo sát.

Các nội dung cơ bản trong quá trình khảo sát, thu thập thông tin, lập KHKT theo Quy trình mới được hướng dẫn thực hiện một cách chi tiết trên cơ sở các Chuẩn mực KTNN. Quy trình mới đã đề cập cụ thể hơn việc phân tích, đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong KHKT dựa theo các Chuẩn mực KTNN.

Ngoài ra, một điểm khác biệt rõ rệt nữa là Quy trình mới đã đề cập đến việc thực hiện lập và phê duyệt KHKT chi tiết ngay trước khi công bố Quyết định kiểm toán của Đoàn kiểm toán.

Để Quy trình mới được triển khai, áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn, theo ông Sơn, KTNN cần tập huấn một cách bài bản, kỹ lưỡng hơn nữa về Quy trình kiểm toán các tổ chức TCNH và các chuẩn mực liên quan cho tất cả các KTV; tăng cường nhân lực, thời gian cho quá trình khảo sát, thu thập thông tin và lập KHKT; đồng thời, tổ chức đánh giá, phân tích sâu về các thông tin thu thập được để xác định đúng các rủi ro, từ đó xác định trúng về các trọng yếu và trọng tâm của mỗi cuộc kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng và giảm thiểu thời gian, chi phí thực hiện kiểm toán.         
Quy trình mới bổ sung một số quy định liên quan đến các bước thực hiện kiểm toán:
   
   Điều 15 quy định về tiến hành kiểm toán, trong đó đề cập các nội dung cơ bản mà KTV phải thực hiện như: Thu thập bằng chứng kiểm toán; ghi chép tài liệu, hồ sơ kiểm toán; Tổ trưởng kiểm tra, soát xét các phần việc do KTV thực hiện; KTV lập và ký bản xác nhận số liệu và tình hình kiểm toán.
   
   Điều 16 quy định lập và thông qua biên bản kiểm toán của Tổ kiểm toán và dự thảo Thông báo kết quả kiểm toán tại đơn vị kiểm toán chi tiết.
   
   Điều 17 đề cập một cách chỉ tiết hơn, cụ thể hơn hướng dẫn về phương pháp, thủ tục kiểm toán đối với một số khoản mục trên Báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán.
   
   Các quy định chi tiết trong bước thực hiện kiểm toán, gồm: kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động trong lĩnh vực TCNH đều có sự hướng dẫn thực hiện cụ thể theo các Chuẩn mực KTNN.

LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
Đưa công tác kiểm toán ngân hàng vào nề nếp, bài bản hơn