Đề xuất xây dựng cẩm nang riêng về công tác thanh tra của Kiểm toán Nhà nước

(BKTO) - Đây là kiến nghị đáng chú ý tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở năm 2020 của Thanh tra KTNN diễn ra vào chiều 10/12, tại Hà Nội. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa tham dự và chỉ đạo Hội nghị.



                
   

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa ghi nhận và đánh giá cao kết quả hoạt động của Thanh tra KTNN trong năm 2020

   
Theo Dự thảo Báo cáo Tổng kết công tác năm 2020 và Chương trình công tác năm 2021 của Thanh tra KTNN, năm 2020, đơn vị được giao thực hiện 8 cuộc thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quản lý, điều hành đơn vị và việc tổ chức thực hiện hoạt động kiểm toán; thanh tra đột xuất 4 cuộc theo chỉ đạo của Tổng Kiểm toán Nhà nước. Tính đến ngày 10/12/2020, Thanh tra KTNN đã thực hiện và ban hành các kết luận thanh tra của 6/8 cuộc thanh tra theo kế hoạch tại 6 đơn vị.

Ngoài việc đưa ra những nhận xét, kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý đơn vị, xây dựng kế hoạch kiểm toán, soát xét chất lượng kiểm toán..., thông qua hoạt động chuyên môn, Thanh tra KTNN còn kiến nghị thủ trưởng đơn vị và trưởng đoàn kiểm toán nâng cao năng lực quản lý, chất lượng kiểm toán, chất lượng báo cáo kiểm toán. Việc Thanh tra KTNN kiến nghị khắc phục hạn chế của các đơn vị và công chức đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, chấp hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn KTNN nói riêng, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ của công chức, viên chức và người lao động của KTNN nói chung, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác của KTNN.

Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, Thanh tra KTNN đã nhận và xử lý tổng số 72 đơn gồm: 33 đơn tố cáo, 13 đơn khiếu nại, 26 đơn kiến nghị, đề nghị, phản ánh. Trong đó, đơn vị đã trực tiếp giải quyết 5 đơn thuộc thẩm quyền; sao gửi 18 đơn đến KTNN chuyên ngành, khu vực để lưu ý khi thực hiện kiểm toán tại các đơn vị có liên quan; hướng dẫn KTNN khu vực xử lý 3 đơn; các đơn thư còn lại được xem xét, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, không để xảy ra tình trạng tồn đọng, kéo dài. Đồng thời, Thanh tra KTNN thực hiện công tác tham mưu về phòng, chống tham nhũng của KTNN; phối hợp, cung cấp số liệu gửi Vụ Tổng hợp để xây dựng Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng của KTNN; tiếp công dân định kỳ hằng tháng theo quy định.

Căn cứ vào định hướng và kế hoạch công tác năm 2021 của KTNN, Thanh tra KTNN dự kiến xây dựng Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2021 với 12 cuộc kiểm tra và 8 cuộc thanh tra đột xuất; tập trung giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo phát sinh thuộc thẩm quyền giải quyết của KTNN; tiếp tục tham mưu giúp lãnh đạo KTNN thực hiện nhiệm vụ trong công tác phòng, chống tham nhũng; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc KTNN trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt, năm 2021, Thanh tra KTNN sẽ trình Tổng Kiểm toán Nhà nước ký, ban hành Quy trình thanh tra của KTNN và ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ các phòng thuộc Thanh tra KTNN.

Đóng góp ý kiến nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Thanh tra KTNN trong thời gian tới, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN đề nghị: Thanh tra KTNN cần tăng cường phối hợp, cử cán bộ tham gia vào các đoàn kiểm toán vừa để tiếp cận với nghiệp vụ chuyên môn, vừa hỗ trợ các kiểm toán viên tuân thủ đúng quy trình, chuẩn mực của KTNN. Bên cạnh đó, đơn vị cần xây dựng cẩm nang riêng về công tác thanh tra; tăng cường văn hóa thanh tra để các đơn vị trong Ngành có thể tiếp thu tối đa các ý kiến từ kết luận thanh tra.

Đánh giá cao kết quả công tác năm 2020 của Thanh tra KTNN, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa yêu cầu: Trong năm tới, Thanh tra KTNN cần đi sâu, bám sát hơn nữa để đánh giá từng hoạt động của Ngành, bao gồm: hoạt động kiểm toán, công tác tổ chức cán bộ, giải quyết đơn thư khiếu nại, phòng, chống tham nhũng, đẩy mạnh công nghệ thông tin…

Đối với hoạt động kiểm toán, Thanh tra KTNN cần thường xuyên cử cán bộ phối hợp, tham gia cùng các đoàn kiểm toán, nhất là các cuộc kiểm toán có quy mô lớn. Đồng thời, đơn vị cần khẩn trương hoàn thiện Quy trình thanh tra trình Tổng Kiểm toán Nhà nước phê duyệt; xây dựng văn hóa, phương pháp, quy chế phối hợp thanh tra. Ngoài ra, Thanh tra KTNN cần kiện toàn tổ chức bộ máy, đề xuất bổ sung nhân sự cần thiết theo chức năng hoạt động của từng phòng, ban; tăng cường công tác đào tạo, tham gia các lớp bồi dưỡng của KTNN để nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ./.

Tin và ảnh: THÙY LÊ



Cùng chuyên mục
Đề xuất xây dựng cẩm nang riêng về công tác thanh tra của Kiểm toán Nhà nước