Đề xuất nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm toán

(BKTO)- Sáng 14/3, tại Hà Nội, KTNN đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề: "Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế từ các khóa đào tạo, hội thảo tại nước ngoài năm 2016- 2018”. Các đại biểu đã trao đổi nhiều kinh nghiệm hay và đề xuất nhiều giải pháp để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm toán.



Tăng cường áp dụng CNTT vào công tác kiểm toán

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Lê Văn Tám- Phó Kiểm toán trưởng, KTNN Khu vực III đã chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về kiểm toán công nghệ thông tin (CNTT) và ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán. Từ đó, ông Tám đề, khi sửa đổi Luật KTNN năm 2015, KTNN nên nhấn mạnh quyền tiếp cận và đối chiếu nhiều nguồn dữ liệu khác nhau.
                
   

Ông Lê Văn Tám - Phó Kiểm toán trưởng, KTNN Khu vực III.

   
Trước hết, KTNN cần xây dựng và phát triển các phần mềm ứng dụng của KTNN đảm bảo đồng bộ, thiết thực, có thể kết nối liên thông các phần mềm nội bộ và các phần mềm quản lý của các Bộ, ngành, địa phương, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử theo định hướng của Đảng và Nhà nước, trước mắt, phân giai đoạn phù hợp với thực trạng của Chính phủ điện tử.

KTNN cần xây dựng và khai thác hiệu quả thông tin từ các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ công tác kiểm toán, quan tâm tới việc đồng bộ và chuẩn hoá dữ liệu ngay từ đầu vào;đẩy nhanh việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng CNTT theo mô hình tập trung, đáp ứng yêu cầu triển khai các ứng dụng trên môi trường mạng; tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật thông tin khi khai thác các dịch vụ trên môi trường mạng của KTNN, quan tâm đến công tác quản lý và xử lý dữ liệu lớn.

Bên cạnh đó, cần tăng cường áp dụng các phương pháp và CNTT hiện đại vào công tác kiểm toán, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả và chất lượng hoạt động kiểm toán của KTNN. Tổ chức các lớp học, tập huấn về ứng dụng CNTT, đảm bảo mọi cán bộ công chức, viên chức, người lao động đều sử dụng thành thạo CNTT theo cương vị công tác. Tiếp tục cử các Đoàn công tác có chuyên môn cao sang học tập kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán của Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của KTNN.

Tăng cường năng lực kiểm toán thu NSNN theo hướng chuyên môn hóa

Bà Nguyễn Thị Hải Yến- Phó Trưởng phòng, KTNN Chuyên ngành II đã báo cáo kinh nghiệm về kiểm toán thu NSNN trong khuôn khổ chương trình chia sẻ kiến thức ASEANSAI. Theo bà Yến, bài học kinh nghiệm cho KTNN Việt Nam là:
                
   

Bà Nguyễn Thị Hải Yến – Phó Trưởng phòng, KTNN Chuyên ngành II.

   
Tăng cường năng lực kiểm toán thu của KTNN thông qua việc nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ kiểm toán viên theo hướng chuyên môn hóa trong kiểm toán thu; cập nhật thường xuyên các quy định của nhà nước về thuế và hệ thống CNTT được sử dụng trong ngành thuế.

Phát triển ngân hàng thông tin về người nộp thuế giữa các cơ quan thuế, cơ quan quản lý thuế và KTNN, đảm bảo nắm bắt kịp thời, đầy đủ thông tin người nộp thuế, tránh tình trạng thực hiện kiểm toán khi chỉ có rất ít thông tin về người nộp thuế.

Đồng thời, tăng cường hơn nữa việc sử dụng CNTT và các phần mềm hỗ trợ kiểm toán thu, tiếp cận với phần mềm quản lý thuế của cơ quan thuế, cơ quan hải quan cũng như tiếp tục tăng cường việc kiểm toán thu ngân sách theo các chuyên đề để đưa ra các đánh giá và kiến nghị chuyên sâu, phù hợp với nhu cầu của xã hội.

Vận dụng quy trình kiểm toán quốc tế vào kiểm toán lĩnh vực khai khoáng

Ông Lê Hoài Nam- Trưởng phòng, Vụ Tổng hợp đã chia sẻ kinh nghiệm về kiểm toán các ngành công nghiệp khai khoáng của INTOSAI và nêu một số giải pháp:
                
   

Ông Lê Hoài Nam – Trưởng phòng, Vụ Tổng hợp.

   
Thứ nhất,KTNN nên tổ chức nghiên cứu, triển khai vận dụng các kinh nghiệm, quy trình kiểm toán quốc tế vào kiểm toán lĩnh vực khai khoáng tại Việt Nam. Trước mắt, nghiên cứu các tài liệu, thông tin liên quan đến chuỗi giá trị để đề xuất tổ chức kiểm toán trong năm 2019.

Thứ hai, KTNN phải xây dựng lộ trình phát triển kiểm toán hoạt động khai khoáng ở Việt Nam để có phương án tiếp cận kiểm toán toàn diện đến toàn bộ các hoạt động của quy trình và lĩnh vực khai thác mỏ; tăng cường kiểm toán lĩnh vực khai khoáng để nâng cao năng lực của KTNN, đồng thời khẳng định vai trò, vị trí của KTNN trong việc minh bạch hóa hoạt động quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản quốc gia, qua đó nâng cao hiệu quả và tính bền vững của hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt là đảm bảo sự cân bằng giữa lợi ích ngắn hạn với các tác động lâu dài của hoạt động khai khoáng đến môi trường, đời sống văn hóa, xã hội của người dân vùng mỏ.

Thứ ba, KTNN cần đẩy mạnh việc trao đổi kinh nghiệm, hợp tác và tổ chức các cuộc kiểm toán kết hợp giữa các quốc gia trong khu vực hoặc có sự tương đồng về điều kiện địa lý là hết sức cần thiết cho Việt Nam hiện nay. Để thực hiện điều này, việc tranh thủ các kinh nghiệm về tổ chức và thực hiện kiểm toán đối với các cuộc kiểm toán theo chuỗi giá trị đã được các quốc gia thực hiện như SAI Brazil, Ấn Độ, Nauy là một yếu tố thuận lợi cho Việt Nam trong hội nhập và phát triển hoạt động của mình.

Thứ tư, KTNN nên tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác trong lĩnh vực kiểm toán khai khoáng. Trong đó, cần tiếp tục tăng cường sự tham gia của Việt Nam trong các chương trình và kế hoạch hoạt động của Nhóm WGEI – INTOSAI; tranh thủ sự hỗ trợ về đào tạo của các SAI có ngành công nghiệp khai khoáng phát triển; chủ động đề xuất để đưa ra chia sẻ và trao đổi với các SAI trong khu vực (ASEANSAI; ASOSAI; các SAI ở tiểu vùng sông Mê Kông…).
         
tại Tọa đàm, ông Trần Kim Lộc- Quyền Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế cho biết: Từ năm 2016-2018, KTNN đã cử 95 đoàn với 213 lượt công chức tham dự đào tạo, hội thảo tại nước ngoài nhằm học tập, trao đổi kinh nghiệm với các cơ quan kiểm toán tối cao và các tổ chức quốc tế. KTNN cũng mời nhiều lượt chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về các nội dung KTNN quan tâm như kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường, kiểm toán công nghệ thông tin, phương pháp kiểm toán dựa trên rủi ro…

THÙY ANH
Cùng chuyên mục
Đề xuất nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm toán