Dấu chân kiểm toán viên và hành trình không mỏi trong sự nghiệp phát triển KTNN

(BKTO) - Thực hiện nhiệm vụ kiểm toán tại địa bàn khó khăn, thiếu thốn đủ bề với nhiều rủi ro thường trực, thế nhưng, những thử thách đó không thể cản bước chân các kiểm toán viên (KTV) nhà nước trên hành trình kiểm toán tìm ra chân lý. Qua thời gian, bao thế hệ KTV tiếp nối trưởng thành, góp phần dựng xây nên một thiết chế độc lập, bền vững, để KTNN trở thành cơ quan kiểm toán tài chính, tài sản công uy tín được Đảng, Nhà nước, nhân dân, đối tác tin cậy.




KTV nhà nước trên đường làm nhiệm vụ. Ảnh: NhưÝ

Chồn chân, mỏi gối nhưng không chùng ý chí

“Nghề vất vả nhưng vinh quang” - đó là câu nói của Kiểm toán viên KTNN khu vực V Bùi Thị Bình Nguyên khi tâm sự với chúng tôi sau những chuyến đi kiểm toán lênh đênh trên bến dưới thuyền - dấu ấn đặc trưng của khu vực miền Tây sông nước. Hơn 20 năm gắn bó với nghề, câu nói đó đã trở thành triết lý để động viên bản thân phải vượt qua những thách thức, cám dỗ đời thường trong nghề để hướng về phía trước, luôn vững bền ý chí với những điều đã tâm niệm.

Là thế hệ đầu tiên của KTNN khu vực miền Tây Nam Bộ (nay là KTNN khu vực V), KTV Bùi Thị Bình Nguyên vẫn còn nhớ như in những dấu ấn ban đầu. Ngày ấy, chị cùng với 2 nữ ứng viên khác đã trúng tuyển vào đơn vị, song đến giờ, chỉ còn mình chị vẫn còn bám trụ với nghề. Chị kể, từ những buổi đầu “chân ướt, chân ráo” bước vào nghề, được sự dìu dắt của các thế hệ đi trước, của đồng nghiệp và sự động viên của gia đình, chị đã dần làm quen và thích nghi với công việc của một KTV nhà nước với trọng trách mang nặng trên vai.

Cùng với nhiều KTV dạn dày kinh nghiệm trong đơn vị, KTV Bùi Thị Bình Nguyên đã tham gia thực hiện cuộc kiểm toán hoạt động đối với việc quản lý, sử dụng ngân sách năm 2015 quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ) - cuộc kiểm toán hoạt động đầu tiên của KTNN khu vực V và cũng là một trong những cuộc kiểm toán hoạt động mới triển khai của Ngành đối với ngân sách cấp huyện. Sau cuộc kiểm toán này, chị tiếp tục là một trong những nhân tố góp phần vào thành công của cuộc kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách năm 2017 của quận Cái Răng (TP.

Cần Thơ) - cuộc kiểm toán có tỷ lệ thực hiện kiến nghị đạt tuyệt đối. Chị tâm sự: Để đưa ra được những đánh giá xác đáng, thuyết phục, Đoàn kiểm toán phải đi lại nhiều lần, tham khảo nhiều ý kiến, tìm hiểu nhiều nguồn tài liệu liên quan. Trong bối cảnh cuộc kiểm toán phải thường xuyên di chuyển trên địa hình sông nước, việc khảo sát, đánh giá đối với các vấn đề cũng phức tạp, khó khăn hơn. Tuy nhiên, không vì ngại khó khăn mà KTV dễ dãi trong việc đưa ra đánh giá. Bởi đằng sau những kết luận, kiến nghị kiểm toán là uy tín của Ngành, của đơn vị và của chính KTV. Thêm nữa, những kết luận, kiến nghị thiếu khách quan, chính xác sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sự ổn định, phát triển của địa phương và của người dân.

Nhận nhiệm vụ cùng các đồng nghiệp kiểm toán khối Bộ, ngành sử dụng ngân sách T.Ư từ khi vào nghề 14 năm trước, tưởng như nhàn nhã, ít phải đi lại hơn, song KTV Nguyễn Việt Anh (KTNN chuyên ngành III) đúc kết lại: Tính ra, thời gian đi công tác địa bàn vùng sâu, vùng xa mà anh đã từng trải cũng chiếm quá nửa thời gian kiểm toán. Đơn cử như Cuộc kiểm toán Chương trình 135 tại huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn (năm 2009), điều kiện tại địa bàn lúc đó rất khó khăn do là huyện mới thành lập. Để vào đến làng, bản khảo sát thông tin, Đoàn phải đi bộ trèo đèo, lội suối rất vất vả. Hỏi bí quyết nào đã giúp anh vượt qua được những thách thức khi đó, anh bảo: Khó khăn đủ thứ, nhiều khi cũng mệt mỏi, nhưng vì trách nhiệm với Ngành, với nghề, người có kinh nghiệm động viên người mới vào nghề, mọi người cùng nhau vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ.

Truyền lửa nghề để các thế hệ sau nối tiếp

KTNN hôm nay, trải qua chặng đường 26 năm hình thành và phát triển, đang cho thấy một tầm vóc mới với sự trưởng thành, tiếp nối của bao thế hệ, đặc biệt là các KTV tài năng, giàu tinh thần cống hiến. Tự hào và trách nhiệm với Ngành, với đất nước và nhân dân, bao thế hệ KTV nhà nước dù nghỉ hưu nhưng vẫn miệt mài truyền lửa nghề để các thế hệ sau nối tiếp, không ngừng phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và phát triển KTNN. Bên cạnh những KTV thế hệ “vàng” - những người đã góp phần đặt nền móng cho một KTNN phát triển như ngày hôm nay, KTNN đang chứng kiến sự trưởng thành của một thế hệ KTV trẻ đầy tài năng tinh thông nghiệp vụ.

Là một trong những công chức thuộc thế hệ đầu của KTNN, TS. Lê Đình Thăng (Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II) luôn nghĩ về tương lai phát triển của KTNN. Theo TS. Lê Đình Thăng, điều mà các lãnh đạo Ngành cũng như nhiều người đứng đầu các đơn vị của KTNN luôn trăn trở, đó là làm sao bồi dưỡng, trau dồi tình yêu Ngành, yêu nghề cho các KTV trẻ - tương lai của KTNN. Bởi chính tình yêu nghề, niềm tự hào về Ngành sẽ thôi thúc KTV có trách nhiệm hơn với Ngành và với bản thân trong thực hiện nhiệm vụ. Qua từng lớp đào tạo, bồi dưỡng cho KTV, nhiều chuyên gia trong Ngành luôn cố gắng truyền tải cho người học cảm hứng, đặc biệt là niềm tự hào, trách nhiệm với nghề.

Sự nối truyền của bao thế hệ KTV không chỉ đảm bảo nguồn lực cho sự hoạt động và phát triển của KTNN mà còn nhằm nuôi dưỡng niềm tự hào, trách nhiệm với Ngành, với đất nước, giúp các KTV vượt qua những cám dỗ đời thường, để từ đó trưởng thành, phát triển.

NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
  • 5 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW: Chuyển biến rõ nét trong phong trào thi đua yêu nước của Kiểm toán Nhà nước
    3 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng (Chỉ thị 34), công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT) của KTNN đã có bước chuyển biến rõ rệt cả về nội dung, hình thức, chất lượng và hiệu quả.
  • Chú trọng nâng cao chất lượng lập báo cáo kiểm toán
    3 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Tại cuộc họp giao ban trực tuyến toàn Ngành tháng 8/2020 vừa qua, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu các đơn vị kiểm toán thực hiện nghiêm quy trình kiểm toán, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng kiểm toán, đồng thời phải chú trọng nâng cao chất lượng lập báo cáo kiểm toán (BCKT) và coi đây là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng cuộc kiểm toán.
  • Cần xây dựng chiến lược kiểm toán tổng thể về chuỗi giá trị khai khoáng
    3 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Với nguồn tài nguyên khoáng sản (TNKS) phong phú, đa dạng, Việt Nam đã khai thác để phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, hoạt động khai khoáng của nước ta vẫn còn nhiều thách thức đòi hỏi phải có sự kiểm tra, kiểm toán để đánh giá độc lập và toàn diện các khía cạnh kinh tế, môi trường và xã hội theo mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030. Do đó, học hỏi kinh nghiệm quốc tế để triển khai hiệu quả hoạt động kiểm toán lĩnh vực khai khoáng đang là yêu cầu đặt ra đối với KTNN.
  • Đổi mới tổ chức kiểm toán lĩnh vực tài nguyên  khoáng sản theo hướng tăng cường áp dụng công nghệ
    3 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn hoạt động kiểm toán thời gian qua cho thấy, đổi mới phương pháp kiểm toán lĩnh vực tài nguyên khoáng sản (TNKS) theo hướng tăng cường nghiên cứu, áp dụng công nghệ hiện đại đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đây là điều kiện quan trọng giúp các kiểm toán viên (KTV) thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán phù hợp, từ đó xác định mức độ sai phạm, đưa ra nhiều kiến nghị xác đáng đối với các đơn vị khai thác TNKS.
  • Để công tác kiểm toán lĩnh vực tài nguyên khoáng sản đạt kết quả tốt
    3 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Thời gian qua, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tiếp tục diễn biến phức tạp tại một số tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; nhiều đơn vị tranh thủ khai thác ngay sau khi được cấp phép mà không hoàn thiện thủ tục theo quy định làm ảnh hưởng đến môi trường, thất thoát tài nguyên, gây thất thu NSNN… Thực trạng này đã được KTNN khu vực VIII chỉ ra qua công tác kiểm toán.
Dấu chân kiểm toán viên và hành trình không mỏi trong sự nghiệp phát triển KTNN