Đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2020, dự toán NSNN năm 2021: Những kiến nghị đáng lưu ý của Kiểm toán Nhà nước

(BKTO) - Mới đây, KTNN đã có Báo cáo ý kiến về đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2020, dự toán NSNN và phân bổ ngân sách trung ương (NSTƯ) năm 2021 gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội. Theo đó, KTNN cơ bản đồng tình với Báo cáo của Chính phủ về các nội dung này. Tuy nhiên, qua nghiên cứu Báo cáo của Chính phủ và từ thực tiễn hoạt động kiểm toán, KTNN đưa ra một số kiến nghị đáng lưu ý.




KTNN đưa ra một số kiến nghị đáng lưu ý về đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2020, dự toán NSNN và phân bổ NSTƯ năm 2021. Ảnh: M.Thúy

Rà soát, phân tích, đánh giá sát thực tình hình thu chi ngân sách năm 2020

Theo KTNN, 9 tháng năm 2020, qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính tăng thu NSNN 3.074,5 tỷ đồng. Báo cáo tình hình thực hiện dự toán năm 2020 của 52/63 Bộ, cơ quan T.Ư và địa phương gửi KTNN chưa đánh giá, phân tích đầy đủ tình hình và khả năng thực hiện dự toán thu NSNN. Đây là những nội dung cần được Chính phủ xem xét.

Về thực hiện thu NSNN năm 2020, báo cáo của Chính phủ cho thấy, các khoản thu về nhà đất ước thực hiện tăng 26.700 tỷ đồng (+21,4%), trong đó chủ yếu là do ước tăng thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước. Theo KTNN, Chính phủ cần phân tích kỹ khả năng thực hiện dự toán do kết quả kiểm toán 9 tháng năm 2020 cho thấy, còn một số địa phương miễn giảm tiền thuê đất chưa phù hợp quy định và chưa điều chỉnh đơn giá tiền thuê đất khi hết thời gian ổn định thuê đất...

Đối với thu cổ tức, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nếu loại trừ dự toán chênh lệch thu chi của NHNN 7.800 tỷ đồng thì số thu từ cổ tức, lợi nhuận sau thuế vượt 7,6% so với dự toán giao. Bởi vậy, Chính phủ cần đánh giá sát hơn về số ước thực hiện do tình hình hoạt động kinh doanh của khu vực kinh tế nhà nước tăng trưởng thấp, thậm chí còn thua lỗ (nguồn thu từ khu vực DNNN dự kiến hụt thu khoảng 21,8%).

Bên cạnh đó, KTNN đề nghị Chính phủ thận trọng trong việc ước thu hồi vốn NSNN đầu tư tại các tổ chức kinh tế cả năm đạt 100% dự toán; cân nhắc giá dầu dự kiến trong những tháng cuối năm cũng như việc ước sản lượng thanh toán cả năm vượt so với dự toán; phân tích, đánh giá sát hơn về khó khăn, thuận lợi trong quá trình thực hiện dự toán đối với thu viện trợ.

         
Theo KTNN, mặc dù cơ quan thuế đã có nhiều tích cực trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý thu hồi nợ đọng thuế song qua kết quả kiểm toán cho thấy một số địa phương chưa báo cáo đầy đủ nợ đọng thuế, thực hiện chưa triệt để các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định; số nợ thuế qua kiểm toán phát hiện tăng thêm tính đến ngày 31/12/2019 số tiền 1.920 tỷ đồng.
Liên quan đến chi NSNN năm 2020, KTNN đề nghị Chính phủ cân nhắc, đánh giá về tỷ lệ thực hiện giải ngân cả năm làm cơ sở lập, bố trí kế hoạch vốn năm 2021; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân, cắt giảm, điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn NSTƯ năm 2020 của các Bộ, cơ quan T.Ư và địa phương đến ngày 30/9/2020 có tỷ lệ giải ngân dưới 60% để điều chỉnh cho các dự án quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân nhanh, kể cả việc điều chuyển vốn cho các Bộ, cơ quan T.Ư, địa phương khác. Chính phủ cũng cần sớm sửa đổi, bổ sung các giải pháp chính sách hỗ trợ kịp thời người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Về cân đối NSNN năm 2020, để bảo đảm tỷ lệ bội chi và nợ công như dự toán, Chính phủ chỉ đạo các địa phương rà soát, tính toán kỹ lưỡng các nguồn lực để bù đắp cũng như thực hiện nghiêm việc cắt giảm các nhiệm vụ chi tương ứng trong trường hợp hụt thu.

Xem xét một số nội dung tại dự toán ngân sách nhà nước năm 2021

KTNN cơ bản thống nhất dự toán thu NSNN năm 2021 song đề nghị Chính phủ xem xét 5 nhóm vấn đề sau:

Báo cáo dự toán của các đơn vị gửi KTNN cho thấy: 39 địa phương dự báo nguồn thu nội địa năm 2021 thấp hơn mức tăng tối thiểu bình quân chung cả nước; 20 địa phương dự báo nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu thấp hơn mức tăng bình quân tối thiểu 4 - 6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2020; một số địa phương chưa đánh giá đầy đủ kết quả, tình hình thực hiện nhiệm vụ thu năm 2020 theo quy định làm cơ sở lập dự toán thu năm 2021, chưa xây dựng dự toán số hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng.

Kết quả kiểm toán 9 tháng năm 2020 của KTNN cho thấy: Bộ Xây dựng chưa thực hiện việc thu lệ phí cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt; số dư kinh phí cuối năm không còn nhiệm vụ chi của một số đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông vận tải từ nguồn phí, lệ phí được để lại lớn, gây lãng phí nguồn lực NSNN 1.222,5 tỷ đồng.

Về dự toán thu nội địa, Chính phủ cần phân tích, đánh giá kỹ bối cảnh kinh tế cũng như tác động của cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với 3 khu vực kinh tế (khu vực DNNN; khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài; khu vực kinh tế ngoài quốc doanh). Dự toán thu tiền sử dụng đất năm 2021 là 111.400 tỷ đồng, bằng 92,1% so với ước thực hiện năm 2020, tăng 16,2% so với dự toán năm 2020 song khoản thu này nhiều năm đều vượt cao so với dự toán giao (năm 2018 là 172,1%; năm 2019 là 129,9%; năm 2020 dự kiến ước thực hiện 126%).

Dự toán thu từ dầu thô được lập trên cơ sở sản lượng khai thác trong nước 8 triệu tấn, giá dự toán 45 USD/thùng. Song, thực tế sản lượng các năm qua đều tăng so với kế hoạch, do đó, Chính phủ cần đánh giá bổ sung cơ sở dự báo về kế hoạch khai thác dầu thô đồng thời quá trình tổ chức thực hiện bám sát tình hình dự báo về giá dầu của các tổ chức quốc tế.

Ngoài ra, Chính phủ cần kiểm tra, rà soát, đánh giá tiến độ giải ngân của các dự án, hiệp định, văn kiện... đã và đang triển khai ký kết, thực hiện để dự báo dự toán thu, chi NSNN năm 2021 cho phù hợp.

Qua nghiên cứu Báo cáo của Chính phủ, KTNN nhận thấy, dự toán chi đầu tư phát triển năm 2021 là 477.300 tỷ đồng, chiếm 28,3% tổng chi NSNN, tăng 6.700 tỷ đồng so với dự toán năm 2020. Trong khi đó, báo cáo lập dự toán chi đầu tư phát triển năm 2021 của nhiều Bộ, cơ quan T.Ư tăng cao từ 40 - 126% so với dự toán năm 2020; lập kế hoạch vốn chưa bám sát quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn NSNN giai đoạn 2021-2025.

Số dư vốn ứng trước còn phải thu hồi trong giai đoạn sau năm 2020 là 53.072,171 tỷ đồng. Vì vậy, Chính phủ cần đánh giá kỹ tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 và có giải pháp phù hợp trong việc thu hồi vốn ứng trước của Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025.

Đối với dự toán chi thường xuyên, KTNN đề nghị Chính phủ xem xét một số nội dung: Báo cáo lập dự toán của một số địa phương chưa ước tính, đánh giá tác động trong việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế đến chi NSNN, chưa đánh giá tình hình thực hiện tạo nguồn cải cách tiền lương năm 2020 theo quy định; một số đơn vị lập dự toán tăng cao so với ước thực hiện năm 2020 từ 20,4 - 79,2%...

Ngoài ra, KTNN đề nghị Chính phủ chỉ đạo: các đơn vị thực hiện đầy đủ, nghiêm túc về tỷ lệ trích và quản lý, sử dụng nguồn cải cách tiền lương theo đúng quy định; một số địa phương nộp trả NSTƯ bị tồn 722,9 tỷ đồng. Đồng thời, Chính phủ cần có giải pháp kịp thời, đồng bộ trong việc chỉ đạo điều hành, quản lý các nguồn thu, nhất là nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay để đảm bảo tỷ lệ bội chi năm 2021 như dự toán.
         
Đến ngày 30/9/2020, qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính giảm chi NSNN trên 10.700 tỷ đồng. Kết quả kiểm toán 9 tháng năm 2020 cho thấy, việc giao kế hoạch và quản lý, sử dụng vốn đầu tư công còn nhiều bất cập như: bố trí vốn ứng trước chưa đảm bảo quy định; giao vốn cho Dự án Đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tiêu chí quan trọng quốc gia nhưng Bộ Giao thông vận tải chưa báo cáo Chính phủ và Quốc hội theo quy định; một số địa phương để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới trong năm 2019 với số tiền 1.922,3 tỷ đồng.
THÙY ANH
Cùng chuyên mục
Đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2020, dự toán NSNN năm 2021: Những kiến nghị đáng lưu ý của Kiểm toán Nhà nước