Đại hội ASOSAI 14: Thúc đẩy hợp tác khu vực, nâng cao vị thế của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam

(BKTO) - Việc trở thành SAI (Cơ quan Kiểm toán tối cao) chủ nhà của Đại hội Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (Đại hội ASOSAI 14) là mốc son quan trọng trong quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế của KTNN Việt Nam, kể từ khi gia nhập ASOSAI vào tháng 01/1997.



Đăng cai tổ chức Đại hội ASOSAI là một trong những mục tiêu quan trọng trong Chiến lược Phát triển KTNN đến năm 2020. Được sự đồng ý của Ban Bí thư T.Ư Đảng và lãnh đạo Quốc hội, cùng với những nỗ lực của KTNN trong việc ứng cử đăng cai, tại Đại hội ASOSAI 13 diễn ra ở Malaysia năm 2015, KTNN Việt Nam đã được phê chuẩn là SAI (Cơ quan Kiểm toán tối cao) chủ nhà của Đại hội ASOSAI 14 năm 2018. Đây là một sự kiện quốc tế cấp cao có quy mô lớn nhất của ASOSAI - diễn đàn hợp tác đa phương lớn nhất và là cơ quan cao nhất của ASOSAI - lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.

Công tác chuẩn bị cho Đại hội ASOSAI 14 đang được KTNN Việt Nam chuẩn bị tích cực. Trong ảnh là quang cảnh một buổi Họp báo do KTNN Việt Nam tổ chức nhằm cung cấp cho các cơ quan báo chí thông tin vềĐại hội ASOSAI 14và ra mắt logo, bộ nhận diện của Đại hội. Ảnh: THANH TÙNG

Đại hội ASOSAI 14 còn là sự kiện chính trị - ngoại giao có ý nghĩa hết sức quan trọng, minh chứng cho sự trưởng thành và phát triển của KTNN, khẳng định vị trí và vai trò của KTNN trong khu vực và trên thế giới khi trở thành Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 và là thành viên Ban Điều hành ASOSAI trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp từ 2015-2024. Đăng cai tổ chức Đại hội ASOSAI 14 là cơ hội để KTNN tiếp tục đổi mới, hoàn thiện về mọi mặt, tạo động lực cho đội ngũ kiểm toán viên rèn luyện, tăng cường năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp trong môi trường quốc tế và là cơ hội để giới thiệu về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Đại hội ASOSAI 14 dự kiến sẽ có sự tham dự của khoảng 350 đại biểu đến từ 46 SAI châu Á với cấp Trưởng đoàn tương đương từ Bộ trưởng trở lên. Tham dự Đại hội còn có đại diện của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) và một số tổ chức quốc tế trong vai trò quan sát viên.

Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Thủ đô Hà Nội) được chọn làm nơi tổ chức Đại hội và các sự kiện liên quan. Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Tràng An (tỉnh Ninh Bình) và một số địa danh lân cận Hà Nội sẽ là nơi diễn ra các chương trình văn hóa cho đại biểu và người đi cùng.

Đại hội sẽ diễn ra từ ngày 19 - 22/9/2018, gồm: Lễ Khai mạc, Phiên họp toàn thể lần thứ nhất, Hội nghị chuyên đề lần thứ 7, Phiên họp toàn thể lần thứ hai và Lễ bế mạc. Dự kiến, tại Lễ Khai mạc Đại hội diễn ra vào sáng 19/9/2018, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ phát biểu khai mạc; chiều cùng ngày, lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp trưởng đoàn là người đứng đầu các SAI và các tổ chức thuộc INTOSAI.

         
ASOSAI được thành lập vào năm 1979, là 1 trong 7 nhóm công tác khu vực thuộc Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI). Từ 11 thành viên ban đầu năm 1979, đến nay, ASOSAI có 46 thành viên, hoạt động với mục tiêu thúc đẩy sự hiểu biết, hợp tác lẫn nhau giữa các SAI thành viên và giữa các nhóm khu vực.
Theo chương trình nghị sự, Đại hội ASOSAI 14 dự kiến các nội dung chính sau: kỷ niệm 40 năm Hiến chương ASOSAI (1978-2018); thông qua Kế hoạch hành động thường niên thực hiện Kế hoạch chiến lược ASOSAI 2016-2021, Kế hoạch phát triển năng lực giai đoạn 2018-2021; bầu chọn Ban Điều hành, Chủ tịch, Tổng thư ký, Ủy ban Kiểm toán của ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021; Tổ chức Hội nghị chuyên đề lần thứ 7; thông qua tuyên bố Hà Nội.

Đặc biệt, Hội nghị chuyên đề lần thứ 7 sẽ được tổ chức với chủ đề: "Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững". Đây cũng chính là chủ đề của Đại hội và là một trong những nội dung nghị sự quan trọng, thể hiện sự cam kết, nỗ lực và đóng góp thiết thực của cộng đồng ASOSAI trong công cuộc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc nói chung và giải quyết những thách thức về môi trường toàn cầu nói riêng. Với chủ đề này, các SAI thành viên sẽ đóng góp tham luận về những thách thức, kinh nghiệm và giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả chức năng kiểm toán môi trường. Kết quả của Đại hội sẽ là cơ sở cho việc hoàn thiện các tài liệu hướng dẫn, quy trình, chuẩn mực kiểm toán, đáp ứng được mục tiêu phát triển bền vững tại các quốc gia thành viên.

Các hoạt động và sự kiện trên được kỳ vọng sẽ góp phần khẳng định sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi “chuyên nghiệp, hợp tác, đồng đều, sáng tạo” của ASOSAI. Theo đó, sau 40 năm thành lập và phát triển, ASOSAI vẫn luôn là tổ chức khu vực đi đầu trong lĩnh vực kiểm toán công, quản trị công và tiếp tục phấn đấu trở thành tổ chức khu vực kiểu mẫu của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) với mục tiêu gia tăng giá trị và lợi ích cho các SAI thành viên, nền kinh tế châu Á. ASOSAI không ngừng đẩy mạnh hợp tác, tăng cường năng lực giữa các thành viên, các khu vực và khẳng định vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của INTOSAI. Đây cũng chính là những thông điệp mang tính toàn cầu mà Đại hội ASOSAI 14 hướng đến.

Nhận thức rõ thông điệp và ý nghĩa quan trọng của Đại hội, ngay từ khi chính thức được lựa chọn là SAI chủ nhà đăng cai tổ chức Đại hội ASOSAI 14, KTNN Việt Nam đã sớm triển khai tích cực công tác chuẩn bị. Ngày 06/10/2015, KTNN ban hành Kế hoạch hành động thực hiện vai trò Chủ tịch và thành viên Ban Điều hành ASOSAI giai đoạn 2015-2024.

Trong suốt hơn 1 năm qua, KTNN đã hoàn thành khối lượng công việc lớn phục vụ công tác chuẩn bị cho Đại hội. Với tinh thần tích cực và chủ động, KTNN đã xây dựng và trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 345/NQ-UBTVQH14 ngày 25/01/2017 về Đề án tổng thể chuẩn bị và tổ chức Đại hội ASOSAI 14 và Nghị quyết số 346/NQ-UBTVQH14 ngày 06/02/2017 về việc thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) tổ chức Đại hội ASOSAI 14.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã sớm ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) chuẩn bị và tổ chức Đại hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm Trưởng ban. Ngay sau khi đi vào hoạt động, BCĐ đã có Quyết định thành lập Ban Tổ chức (BTC) Đại hội do Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc làm Trưởng ban. BTC Đại hội đã thành lập Tổ Thư ký và các tiểu ban giúp việc; ban hành Kế hoạch tổng thể, làm cơ sở để các tiểu ban xây dựng Kế hoạch hoạt động riêng.

Căn cứ vào Kế hoạch tổng thể của BTC Đại hội, Kế hoạch hoạt động của từng tiểu ban, các tiểu ban đã triển khai và hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng, như: thống nhất về thời gian, địa điểm tổ chức Đại hội, chương trình nghị sự, chủ đề của Đại hội và thành phần đại biểu tham dự; tổ chức lựa chọn, phê duyệt, sản xuất bộ nhận diện của Đại hội; làm việc với 5 cơ quan báo chí đã ký quy chế phối hợp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Đại hội; thảo luận, thống nhất với một số SAI trong ASOSAI về công tác điều hành, tổ chức Đại hội; hoàn thiện dự thảo lần 2 các tài liệu Đại hội; tổ chức đào tạo, tập huấn cho đội ngũ Liên lạc viên…

Từ nay đến khi diễn ra Đại hội ASOSAI 14, các công việc còn lại sẽ tiếp tục được triển khai theo kế hoạch với tinh thần quyết liệt, sâu sát, cụ thể, kịp thời và quyết tâm tổ chức thành công một kỳ Đại hội mang tầm châu lục.
         
Đại hội ASOSAI là diễn đàn hợp tác đa phương lớn nhất và là cơ quan cao nhất của ASOSAI. Đại hội được tổ chức 3 năm một lần, là nơi họp mặt của tất cả người đứng đầu các SAI thành viên của ASOSAI nhằm thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng về các văn bản, chế độ, chính sách cần thiết để đạt được mục tiêu và sự phát triển của tổ chức; trao đổi ý kiến, kinh nghiệm về lĩnh vực kiểm toán nhà nước; bầu chọn thành viên Ban Điều hành, Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ kế tiếp.
   
   Từ khi trở thành thành viên chính thức của ASOSAI cho đến nay, KTNN Việt Nam đã tham gia 7 kỳ Đại hội ASOSAI và có những đóng tích cực vào các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, khẳng định tiếng nói của mình đối với những vấn đề phát triển chung của cộng đồng ASOSAI.

THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
Đại hội ASOSAI 14: Thúc đẩy hợp tác khu vực, nâng cao vị thế của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam