Công việc lặng thầm của những người “gác gôn”

(BKTO) - Không trực tiếp tham gia các cuộc kiểm toán, song với những công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, tưởng chừng có phần “bếp núc” của những cán bộ, kiểm toán viên Phòng Ngân sách địa phương (Vụ Tổng hợp) lại góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán. Họ được ví như những người “gác gôn” của Ngành…




Tập thể Phòng NSĐP (Vụ Tổng hợp). Ảnh đơn vị cung cấp

Cần mẫn góp phần nâng tầm giá trị báo cáo kiểm toán

Được thành lập năm 2009, với chức năng đặc thù thể hiện ngay từ tên gọi, Phòng Ngân sách địa phương (NSĐP) là bộ phận giúp việc cho Vụ trưởng Vụ Tổng hợp về hoạt động kiểm toán đối với lĩnh vực kiểm toán NSĐP; phối hợp với Phòng Ngân sách trung ương giúp việc chuẩn bị ý kiến của KTNN về dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách T.Ư và kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN. Thực hiện chức năng đó, chỉ với nhân sự 10 người, Phòng NSĐP phải đảm đương rất nhiều công việc như: Thẩm định, phát hành các kế hoạch kiểm toán (KHKT), báo cáo kiểm toán (BCKT); trả lời kiến nghị của các đơn vị được kiểm toán; tổng hợp, biên tập các BCKT năm thuộc lĩnh vực NSĐP; chuẩn bị ý kiến tham mưu cho lãnh đạo KTNN về dự toán ngân sách; tham gia đóng góp ý kiến vào việc xây dựng các văn bản trong và ngoài Ngành... và thực hiện một số nhiệm vụ khác theo sự phân công của lãnh đạo Vụ.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Đoàn Thị Ninh - Trưởng phòng NSĐP - cho biết, công việc của Phòng NSĐP khá đa dạng, lại yêu cầu cao về tiến độ, chất lượng. Đặc biệt, cùng với sự phát triển của Ngành, với yêu cầu đổi mới trong hoạt động kiểm toán ngày càng cao, nhiều công việc mới phát sinh, khối lượng công việc của Phòng cũng ngày càng gia tăng, trong đó có những việc khá khó và đòi hỏi tính thận trọng cao. Vì thế, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tập thể công chức của Phòng luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, chủ động, sáng tạo, tâm huyết và tận tụy với nghề nghiệp; qua đó góp phần không nhỏ vào kết quả hoạt động của Vụ Tổng hợp nói riêng và của KTNN nói chung.

Với tinh thần đó, để nâng cao chất lượng công tác thẩm định KHKT và BCKT, đáp ứng yêu cầu đổi mới trong hoạt động kiểm toán, Phòng NSĐP đã đóng góp được nhiều ý kiến để các đơn vị hoàn thiện KHKT, BCKT trước khi phát hành chính thức. Chia sẻ thêm về nhiệm vụ này, Trưởng phòng Đoàn Thị Ninh cho biết, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng KHKT là một nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của một cuộc kiểm toán, trong quá trình thẩm định, Phòng luôn xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện các nội dung trong KHKT, đặc biệt là việc đảm bảo các mục tiêu, nội dung, trọng yếu kiểm toán của cuộc kiểm toán phù hợp với các thông tin đã thu thập; phù hợp với các hướng dẫn, định hướng của Ngành cũng như đặc thù của đơn vị.

Tương tự, việc thẩm định và phát hành BCKT cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, chuyên tâm cao, nhất là khi các BCKT NSĐP thường có dung lượng tương đối lớn. Do đó, tập thể Phòng NSĐP phải nghiên cứu kỹ các văn bản quy phạm pháp luật, từ đó có ý kiến phản biện, góp ý để đoàn kiểm toán hoàn thiện BCKT, đảm bảo các kết luận, kiến nghị trong BCKT có đầy đủ cơ sở, phù hợp các phát hiện kiểm toán và có tính khả thi cao. Trong quá trình phát hành BCKT, Phòng NSĐP phải đọc, nghiên cứu hồ sơ trình phát hành của cuộc kiểm toán, đặc biệt là ý kiến tiếp thu của đoàn kiểm toán đối với ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo KTNN, ý kiến của các Vụ tham mưu và ý kiến của đơn vị được kiểm toán để hoàn chỉnh BCKT và hồ sơ phát hành, đảm bảo chất lượng, giá trị pháp lý của BCKT trước khi phát hành. “Mỗi cán bộ của Phòng đều ý thức rằng, khi BCKT được thẩm định kỹ càng, hồ sơ phát hành đầy đủ sẽ góp phần giảm thiểu được rủi ro kiểm toán; hạn chế việc kiến nghị, khiếu nại về kết quả kiểm toán” - chị Ninh chia sẻ.

Bên cạnh đó, việc tham gia chuẩn bị ý kiến của KTNN về dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách T.Ư; tổng hợp kết quả BCKT năm thuộc lĩnh vực NSĐP và tham gia kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN hằng năm cũng đòi hỏi không ít tâm sức, trí tuệ của những người làm công tác tổng hợp. Những báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm được Tổng Kiểm toán Nhà nước báo cáo trước Quốc hội có phần đóng góp quan trọng từ công tác tổng hợp của Phòng NSĐP.

Còn với nhiệm vụ trả lời kiến nghị của các đơn vị được kiểm toán, các cán bộ, kiểm toán viên trong Phòng lại càng phải thận trọng, nghiên cứu sâu hơn nữa. Theo Trưởng phòng Đoàn Thị Ninh, những vấn đề kiến nghị thường rất khó và phức tạp, nhất là vấn đề do sự thiếu thống nhất trong các văn bản pháp luật, nội dung quy định chưa rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau... và việc đưa ra ý kiến trả lời kiến nghị kiểm toán là vấn đề tương đối “cân não” đối với tập thể Phòng... Điều này đòi hỏi mỗi thành viên trong Phòng phải nắm chắc các văn bản pháp luật, các quy trình, quy định, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của Ngành, đồng thời phối hợp tốt với các đơn vị trong Ngành để đưa ra ý kiến tham mưu trả lời kiến nghị phù hợp.

Phát huy tinh thần dân chủ và trí tuệ tập thể

Chia sẻ “bí quyết” để Phòng gặt hái những thành tích ấy, chị Đoàn Thị Ninh cho rằng, khi mỗi cá nhân hăng hái, trách nhiệm; tập thể tạo môi trường làm việc tốt, sẽ tạo nên một tập thể mạnh. Đặc biệt, việc phát huy dân chủ và trí tuệ tập thể luôn được đề cao trong các hoạt động của Phòng. Trong quá trình thẩm định KHKT, BCKT và trả lời kiến nghị, đứng trước một vấn đề phức tạp, các thành viên trong Phòng sẽ cùng nhau phân tích, nghiên cứu văn bản quy định liên quan cùng nhau trao đổi, thảo luận để đi đến thống nhất và đưa ra ý kiến phù hợp nhất. Với phương pháp làm việc đó, mỗi cá nhân sẽ phát huy được sở trường, thế mạnh của mình, tạo nên một tập thể đoàn kết, gắn bó, cùng hoàn thành nhiệm vụ chung. Đồng thời, qua đó, đội ngũ lãnh đạo và công chức trong Phòng cũng được trau dồi, củng cố và nâng cao kiến thức thực tiễn về chuyên môn, nghiệp vụ; nắm bắt kịp thời thực tế hoạt động kiểm toán, những thay đổi chính sách, chế độ của Nhà nước. Từ đó, chất lượng công việc ngày càng được nâng lên rõ rệt.

Bên cạnh đó, xác định rõ trình độ năng lực chuyên môn của cán bộ, công chức là một trong những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng công tác tham mưu, chất lượng hoạt động chuyên môn của Phòng, lãnh đạo Phòng đã dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thông qua nhiều hình thức như: Cử cán bộ, kiểm toán viên tiếp cận hoạt động kiểm toán; đẩy mạnh việc tự học, tự nghiên cứu văn bản chế độ của cán bộ trong Phòng...; một số cán bộ của Phòng đã hăng hái đăng ký tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, cấp cơ sở...

Trong công tác thi đua khen thưởng, cùng với việc đẩy mạnh hưởng ứng các phong trào thi đua của Ngành, Phòng NSĐP luôn chú trọng đến công tác tổng kết, đánh giá, bình xét thi đua khen thưởng một cách dân chủ, theo đúng quy định, nhằm tạo động lực, khuyến khích các cá nhân cùng ra sức thi đua, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trên mỗi cương vị công tác.

Với tập thể lãnh đạo, cán bộ Phòng NSĐP, kết quả đạt được trong những năm qua sẽ tạo tiền đề để Phòng rút ra những bài học kinh nghiệm, khắc phục hạn chế, tiếp tục thi đua phấn đấu nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong hoạt động tham mưu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
         
Với những nỗ lực để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mỗi cá nhân và tập thể Phòng, giai đoạn 2015-2019, Phòng NSĐP đã vinh dự được Tổng Kiểm toán Nhà nước khen thưởng nhiều danh hiệu, trong đó, Phòng đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” năm 2019; “Tập thể lao động tiến tiến” từ năm 2015 đến năm 2018 và được tặng Giấy khen năm 2016; 4 lượt cá nhân của Phòng đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”; 2 cá nhân được tặng Giấy khen và 2 cá nhân được tặng Bằng khen.
NGUYỄN HỒNG
Cùng chuyên mục
Công việc lặng thầm của những người “gác gôn”