Công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán ngày càng đi vào thực chất, thiết thực hơn

(BKTO) – Ngày 24/12, tại Hà Nội, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán (Vụ CĐ&KSCLKT) KTNN đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở năm 2020. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.



                
   

Quang cảnh Hội nghị

   
Báo cáo tại Hội nghị, ông Vũ Duy Bắc – Phó Vụ trưởng Vụ CĐ&KSCLKT – cho biết: Năm 2020, Vụ CĐ&KSCLKT đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, từ công tác tham mưu xây dựng và tham gia xây dựng các văn bản chế độ của KTNN, thẩm định kế hoạch và báo cáo kiểm toán (BCKT), kiểm soát chất lượng kiểm toán, trả lời khiếu nại đối với đơn vị được kiểm toán.

Trong năm, Vụ được giao chủ trì soạn thảo 6 văn bản. Đến nay, Vụ đã hoàn thành và ban hành 4 văn bản: Hệ thống hồ sơ mẫu biểu kiểm toán; Quy định về tiêu chí thang điểm đánh giá và tiêu chuẩn xếp loại chất lượng Thành viên đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán và Đoàn KTNN; Quy trình kiểm toán của KTNN; Quy chế kiểm soát chất lượng kiểm toán.1 văn bản đã hoàn thiện đang làm thủ tục trình Tổng Kiểm toán Nhà nước ký ban hành; 1 văn bản đã hoàn thành dự thảo đang gửi lấy ý kiến các đơn vị trong Ngành.

Bên cạnh đó, Vụ đã thẩm định và rà soát lần cuối trước khi trình Tổng Kiểm toán Nhà nước ký ban hành 7 đề cương kiểm toán do các đơn vị trong Ngành chủ trì soạn thảo; tham gia ý kiến đề xuất sửa đổi 25 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý của KTNN; góp ý 22 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, ngành; cử cán bộ tham gia các tổ soạn thảo Quy trình kiểm toán ngân sách Bộ, ngành, cơ quan trung ương, Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng...

Vụ đã triển khai các hoạt động kiểm soát theo đúng kế hoạch, phù hợp với tiến độ các đợt kiểm toán của các đơn vị. Công tác KSCLKT đã thực hiện đầy đủ 5 hình thức kiểm soát (giám sát, kiểm soát trực tiếp, kiểm soát đột xuất và kiểm soát công tác tổ chức kiểm soát của kiểm toán trưởng) theo đúng quy chế. Công tác kiểm soát ngày càng đi vào thực chất, thiết thực hơn, tập trung vào những trọng tâm; thực hiện thẩm định tất cả kế hoạch kiểm toán và báo cáo kiểm toán, bảo đảm kiểm soát thường xuyên, liên tục, xuyên suốt các giai đoạn của quá trình kiểm toán...

Nhờ đó, chất lượng và hiệu quả kiểm toán toàn Ngành đã được nâng lên rõ rệt (các cuộc kiểm soát đã phối hợp rà soát góp phần làm tăng kết quả kiểm toán, cụ thể: xử lý tài chính 111,59 tỷ đồng, xử lý khác 156,86 tỷ đồng, thay đổi kết quả kinh doanh 252,59 tỷ đồng; củng cố chặt chẽ bằng chứng, kết luận, kiến nghị kiểm toán). Kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động kiểm toán được giữ vững...

Vụ CĐ&KSCLKT đã phối hợp với Vụ Tổng hợp tham mưu cho lãnh đạo KTNN xem xét, xử lý các vấn đề liên quan đến giải quyết kiến nghị kiểm toán theo Quy định về giải quyết khiếu nại của đơn vị được kiểm toán;thực hiện kiểm tra kiến nghị kiểm toán đầy đủ, tổng số kết quả kiểm tra kiến nghị là 51,82/52,33 tỷ đồng, đạt 99%.

Trên cơ sở kết quả đạt được, Vụ CĐ&KSCLKT xác định phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 là: “Hoàn thành toàn diện kế hoạch công tác năm 2021; tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực công tác KSCLKT; tập trung kiểm soát chặt chẽ bằng chứng kiểm toán; phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm, hạn chế trong tổ chức, thực hiện các cuộc kiểm toán; đảm bảo chất lượng BCKT, hiệu quả, hiệu lực hoạt động kiểm toán của KTNN; góp phần phòng chống tiêu cực nội bộ, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động kiểm toán; thực hiện mục tiêu chiến lược của KTNN đến năm 2030” với 5 nhóm nhiệm vụ và 8 nhóm giải pháp.

Tại Hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh đánh giá cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, sự làm việc mẫn cán của tập thể đơn vị. Vụ CĐ&KSCLKT là một trong những đơn vị tham mưu quan trọng của Ngành, không những tham mưu cho lãnh đạo KTNN ban hành kế hoạch, quyết định, kiểm soát trong quá trình kiểm toán và ban hành báo cáo kiểm toán mà còn xuyên suốt trong quá trình hoạt động của Ngành.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cho rằng: Vụ CĐ&KSCLKT phải thực hiện nhiệm vụ khó, đó là việc kiểm soát kiểm toán viên, vì vậy, đòi hỏi kiểm soát viên của Vụ phải có trình độ, năng lực, tránh nể nang trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Ông Ngô Minh Kiểm - Vụ trưởng Vụ CĐ&KSCLKT - cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý và ý kiến chỉ đạo của Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước. Ngay sau Hội nghị, Vụ sẽ ban hành chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai nhiệm vụ; tổ chức Hội thảo trong đơn vị về các văn bản mới; phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu; mẫu biểu hồ sơ... Đồng thời, Vụ sẽ giải đáp vướng mắc của các đơn vị trong quá trình kiểm toán...

THÙY ANH

Cùng chuyên mục
Công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán ngày càng đi vào thực chất, thiết thực hơn