Công nghệ 4.0 tạo tiền đề cho việc nâng cao năng suất, chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán

(BKTO) - “Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã tác động đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội nói chung và lĩnh vực kế toán, kiểm toán nói riêng. Những tác động này mang tính tích cực trong dài hạn song cũng tạo ra nhiều thách thức trong ngắn hạn và trung hạn”- Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần MISA Nguyễn Xuân Hoàng đưa ra nhận định tại Hội thảo Kế toán- Kiểm toán trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0- Cơ hội và thách thức.



                
   

Ông Nguyễn Xuân Hoàng- Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần MISA

   
Tận dụng kỹ thuật số để nâng cao năng suất làm việc

CMCN 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới, được định hướng bởi những nền tảng công nghệ cốt lõi gồm: điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, người máy thông minh, công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và một số công nghệ khác. Trong đó, điện toán đám mây là công nghệ giúp con người có thể sử dụng các phần mềm ứng dụng ở bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào, miễn là có internet. Điều này đồng nghĩa với việc điện toán đám mây sẽ giúp kế toán viên, kiểm toán viên có thể làm việc tại nhà vào buổi tối hoặc ngày nghỉ, hay ngay cả khi trên đường đi công tác. Sự linh hoạt này đặc biệt tiện lợi cho các kế toán viên làm dịch vụ cho cùng lúc nhiều DN, khi mà họ phải liên tục di chuyển giữa trụ sở làm việc và các DN thuê làm sổ sách kế toán.

Blockchain là công nghệ sử dụng sổ cái phân tán. Các giao dịch một khi đã được lưu trữ trong sổ cái thì sẽ không thể thay đổi được. Mỗi chủ thể tham gia mạng lưới Blockchain đều được lưu giữ một bản sao của sổ cái chung và bản này luôn được cập nhật đồng bộ thông qua một cơ chế đồng thuận, nên bất cứ thay đổi nào xảy ra, các chủ thể đều biết và có quyền chấp nhận hay không. Cơ chế hoạt động này đảm bảo sự tin cậy, minh bạch và bảo mật đối với các giao dịch giữa các chủ thể trong mạng lưới.

Việc kiểm toán đối với các tập đoàn lớn với hàng triệu giao dịch là một công việc cực kỳ tốn kém thời gian và nhân lực. KPMG và Deloitte là hai DN kiểm toán đã sử dụng một công cụ phân tích dự báo (preditive analytics) để phân tích khối lượng khổng lồ dữ liệu kế toán, giúp nhanh chóng khoanh vùng và tập trung phân tích những khu vực số liệu có vấn đề, thay vì việc chọn mẫu như cách làm truyền thống. Công nghệ này giúp tăng chất lượng kiểm toán, đồng thời giảm thời gian thực hiện xuống hàng chục lần. Công ty kiểm toán PwC cũng đang sử dụng tự động hóa quy trình bằng robot (Robotic Process Automation) cho công tác kiểm toán. Theo PwC, khoảng 45% công việc có thể được thực hiện tự động bởi robot, giúp tiết kiệm khoảng 2 nghìn tỷ USD toàn cầu.

Những minh chứng trên cho thấy việc ứng dụng các công nghệ của cuộc CMCN 4.0 đã giúp nâng cao nhiều lần năng suất làm việc của các kế toán, kiểm toán viên. Hiện nay, một DN lớn có thể có hàng chục kế toán thì trong tương lai sẽ chỉ cần vài ba nhân viên kế toán. Tương tự với ngành kiểm toán, một công ty kiểm toán hiện nay tại một thời điểm làm dịch vụ kiểm toán cho 10 DN thì trong tương lai có thể kiểm toán đồng thời cho 100 DN. Việc cải thiện năng suất lao động giúp DN hay người làm dịch vụ kế toán, kiểm toán chỉ phải thuê ít lao động hơn mà vẫn tăng doanh số do phục vụ được nhiều khách hàng hơn.

Trí tuệ nhân tạo giải quyết bài toán nhân lực cho doanh nghiệp siêu nhỏ

Trí tuệ nhân tạo là việc máy tính mô phỏng theo cách tư duy của con người, gồm rất nhiều kỹ thuật khác nhau, trong đó, công nghệ nhận dạng hình ảnh và học máy (machine learning) giúp cho việc nhập dữ liệu nhanh chóng hơn. Cụ thể: hóa đơn, chứng từ chỉ cần dùng điện thoại chụp ảnh hoặc dùng máy scan, máy tính sẽ tự phân tích thông tin để chuyển thành hóa đơn, chứng từ vào phần mềm kế toán mà không phải nhập dữ liệu bằng tay.

Ngoài ra, ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể tự động phân loại và định khoản giao dịch. Các phần mềm kế toán kết nối với ngân hàng hoặc kho bạc có thể giúp tự động tải về sao kê các giao dịch đã thực hiện. Cơ chế học máy sẽ giúp phần mềm tự phân loại, định khoản hoặc điền các thông tin còn thiếu để chuyển các giao dịch này thành các chứng từ kế toán, hay giao dịch thu, chi mà không cần sự can thiệp của người dùng. Cơ chế này cũng sẽ giúp tự động hóa việc đối chiếu sổ phụ ngân hàng mà không cần con người.

Hiện nay, cả nước có đến 400.000 DN siêu nhỏ và hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Các DN siêu nhỏ thường không thuê kế toán toàn thời gian mà thuê kế toán dịch vụ do khối lượng công việc không nhiều và chi phí hạn chế. Với một số lượng lớn DN siêu nhỏ và xu hướng hàng trăm nghìn hộ kinh doanh cá thể sẽ chuyển thành DN, nguồn lực kế toán, kiểm toán dịch vụ sẽ khó có thể đủ để phục vụ cho toàn bộ thị trường.

Để giải quyết vấn đề này, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo là một lựa chọn hiệu quả bởi nó có thể giúp tự động hóa việc nhập chứng từ, hạch toán kế toán, đồng thời kết nối với cơ quan thuế và các ngân hàng để có thể gửi báo cáo thuế, thực hiện các giao dịch thanh toán, nhận sao kê, đối chiếu với ngân hàng hoàn toàn trên phần mềm. Việc tự động hóa này có thể giúp một kế toán viên làm kế toán cho vài chục đến cả trăm DN siêu nhỏ một tháng, qua đó giúp giải quyết được triệt để bài toán nguồn lực kế toán cho các DN siêu nhỏ sau này.

Ứng dụng công nghệ số là xu thế tất yếu đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới và xảy ra trên mọi lĩnh vực của nền kinh tế. DN nào biết cách ứng dụng các công nghệ của cuộc CMCN 4.0 sẽ giúp tăng chất lượng dịch vụ và giảm được chi phí nhân công, dẫn tới sẽ thu hút được nhiều khách hàng hơn. Ngược lại, những DN không tận dụng được cơ hội này sẽ cạnh tranh kém hơn và sẽ bị đào thải, biến mất khỏi thị trường. Hy vọng rằng, tận dụng cơ hội, nhanh chóng ứng dụng và chuyển đổi số sẽ tạo tiền đề cho việc tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của DN, cũng như tổ chức hoặc cá nhân làm dịch vụ kế toán và kiểm toán.
         
MISA là công ty với 25 năm kinh nghiệm về phát triển và cung cấp các giải pháp phần mềm trong lĩnh vực kế toán, tài chính, phục vụ gần 200 nghìn DN và cơ quan nhà nước. Nắm bắt được xu thế phát triển công nghệ của CMCN 4.0, từ vài năm qua, MISA đã nghiên cứu ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo và Blockchain cho các sản phẩm, dịch vụ của mình như:
   
   Hóa đơn điện tử MeInvoice áp dụng công nghệ Blockchain, đảm bảo tính an toàn, minh bạch và tin cậy của hóa đơn điện tử, giúp việc phát hành, lữu trữ, gửi, nhận và quản lý hóa đơn nhanh chóng, thuận tiện và giảm chi phí hàng chục lần so với hóa đơn giấy;
   
   Ứng dụng Chatbot - robot sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể tự trả lời các câu hỏi của khách hàng là các kế toán viên ngay trong phần mềm kế toán mà không phải liên hệ với nhân viên tư vấn hỗ trợ của MISA;
   
   MISA Startbooks - Kế toán cho DN siêu nhỏ, sử dụng mô hình nền tảng trên công nghệ điện toán đám mây giúp kết nối các DN có nhu cầu thuê dịch vụ kế toán với người hoặc DN làm kế toán dịch vụ. MISA Startbooks cũng ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để giúp tự động hóa việc nhập chứng từ và hạch toán kế toán, đồng thời kết nối với cơ quan thuế và các ngân hàng để có thể gửi báo cáo thuế và thực hiện các giao dịch thanh toán, nhận sao kê, đối chiếu với ngân hàng hoàn toàn trên phần mềm.

THÙY LÊ (ghi)
Cùng chuyên mục
Công nghệ 4.0 tạo tiền đề cho việc nâng cao năng suất, chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán