Cơ quan kiểm toán tối cao cần sớm tham gia vào quá trình định giá doanh nghiệp

(BKTO) - Xác định giá trị DN rất phức tạp, đây là giai đoạn then chốt, làm tiền đề cho việc phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH) về sau. Kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn hoạt động kiểm toán của KTNN Việt Nam cho thấy, để quá trình CPH diễn ra thành công, cơ quan kiểm toán tối cao cần tham gia vào quá trình định giá DN thông qua hoạt động kiểm toán.




Ông Vũ Đức Nguyên

Kiểm toán việc xác định giá trị doanh nghiệp - yêu cầu cần thiết

Theo kinh nghiệm quốc tế, cơ quan kiểm toán cần có sự thẩm định phù hợp để hỗ trợ quá trình định giá DN. Bởi lẽ, CPH là một quá trình lâu dài và trước tiên cần xác định lại cấu trúc DN, tài sản nắm giữ, từ đó mới lựa chọn phương pháp định giá phù hợp. Tuy nhiên, với những tập đoàn có tới hàng trăm công ty con trong và ngoài nước hoặc với những tài sản trải qua thời gian lũy kế quá lâu thì việc kiểm kê tài sản sẽ mất nhiều thời gian và việc xác định giá trị của khối tài sản này không phải dễ dàng. Cơ quan kiểm toán sẽ cần tiến hành rà soát, đánh giá chi tiết về các tài sản thuộc sở hữu của DN trước khi CPH, từ đó củng cố các tài liệu thẩm định để cung cấp cho cơ quan nhà nước hoặc các nhà đầu tư tiềm năng.

Tại Việt Nam, theo Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, thời gian thực hiện xử lý tài chính và tổ chức tư vấn định giá xác định giá trị DN (từ thời điểm xác định giá trị DN đến thời điểm công bố) không quá 12 tháng; đối với các DN phải thực hiện KTNN theo quy định tại khoản 1, Điều 26 Nghị định này, thời gian không quá 15 tháng. Tuy nhiên, trường hợp thị trường đầy biến động, chỉ trong 1 tháng đã có sự thay đổi rất lớn nên việc xác định giá trị DN trong thời gian quá dài không thể đảm bảo độ chính xác. Nếu quy mô thị trường tăng thì giá trị DN có thể tăng, đây là lợi thế, nhưng nếu xu thế giảm do nhiều nguyên nhân thì thời gian quá lâu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị DN. Vì vậy, KTNN cần có sự can thiệp sớm để đánh giá việc xác định đúng, đủ giá trị DN. Kiểm toán kết quả định giá DNNN do KTNN tiến hành có ý nghĩa quan trọng, không chỉ dừng lại ở việc xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước, kiến nghị xử lý tài chính mà còn đánh giá thực trạng định giá DN, các bất cập đang diễn ra trong quá trình CPH để kịp thời kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách hiện hành.

Thực tế kết quả kiểm toán tiến trình CPH của KTNN những năm qua đã chỉ ra nhiều hạn chế trong việc xác định giá trị DN và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị DN CPH, nhất là việc lựa chọn phương pháp định giá, xác định giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất… Cụ thể: một số trường hợp xác định lại các khoản đầu tư tài chính không đúng quy định về thời điểm xác định giá đóng cửa của cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán; xác định thiếu giá trị thương hiệu, giá trị tiềm năng phát triển của công ty con 100% vốn góp của công ty mẹ; xác định giá trị khoản đầu tư tài chính theo phương pháp vốn chủ sở hữu không căn cứ vào báo cáo tài chính tại thời điểm tổ chức xác định giá trị DN…

Đúc kết kinh nghiệm từ quốc tế

Để công tác kiểm toán xác định giá trị DN trước CPH mang lại hiệu quả cao hơn, việc học hỏi kỹ năng, kinh nghiệm từ các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới là cần thiết đối với KTNN.

Theo đó, KTNN cần thẩm định các kỹ thuật định giá khác nhau. Các phương pháp định giá được sử dụng cần phải cân nhắc nhiều kỹ thuật để đạt được sự định giá chính xác về DN cũng như đánh giá việc CPH DN đúng với giá trị của nó. Quy trình định giá cũng cần xác định giá bán thấp nhất có thể chấp nhận được để tiếp tục việc CPH DN. Một số phương pháp xác định giá trị khi CPH có thể áp dụng bao gồm: phương pháp dòng tiền chiết khấu (đang được sử dụng phổ biến ở Việt Nam hiện nay); phương pháp định giá các tài sản do DN sở hữu (thường không được khuyến khích do việc tách nhỏ từng tài sản DN, dẫn đến giá trị/lợi nhuận thấp khi định giá); các phương pháp định giá dựa trên thị trường (Việt Nam chưa có quy định và cơ sở để triển khai).

Cùng với đó, KTNN có thể hỗ trợ Chính phủ bằng cách tổng hợp, chia sẻ, vận dụng các bài học rút ra từ các cuộc kiểm toán CPH DNNN trước đây. Cơ quan kiểm toán cũng có thể xây dựng một bộ tài liệu hướng dẫn các thông lệ tốt nhất về định giá DNNN trước khi CPH trên cơ sở tập hợp các kết quả và đề xuất hoàn thiện từ các cuộc kiểm toán định giá DNNN trước CPH đã thực hiện. Bộ tài liệu hướng dẫn các thông lệ tốt nhất cân nhắc các yếu tố chính khi CPH DNNN, đồng thời là căn cứ để KTNN tập trung rà soát, đối chiếu khi kiểm toán CPH DNNN.

Yêu cầu quan trọng là KTNN cần giữ được tính độc lập với việc định giá và quy trình CPH DN, điều này giúp ngăn ngừa mâu thuẫn về quyền lợi phát sinh trong quá trình kiểm toán theo luật định.

Thực hiện kiểm toán sau CPH không chỉ để xác định giá trị đồng tiền thu được mà còn đánh giá lại hoạt động của DN sau CPH có đáp ứng được yêu cầu đổi mới về tổ chức kinh doanh, quản trị DN, lợi nhuận hay không… Ngoài ra, cơ quan kiểm toán còn có thể hỗ trợ DN sớm áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) trong việc lập và trình bày các báo cáo tài chính, báo cáo thường niên. Việc áp dụng IFRS sẽ làm tăng tính minh bạch, vun đắp lòng tin, sự tăng trưởng và sự ổn định tài chính dài lâu, đồng thời giúp nâng cao trách nhiệm giải trình của DN, bảo vệ công chúng khỏi những rủi ro trong việc ra quyết định kinh tế.

B.SƠN (ghi)
Lược ghi tham luận của ông VŨ ĐỨC NGUYÊN
Phó Chủ tịch Ủy ban Hội viên ACCA Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam
Cùng chuyên mục
Cơ quan kiểm toán tối cao cần sớm tham gia vào quá trình định giá doanh nghiệp