Cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập- Vấn đề đặt ra và vai trò của Kiểm toán Nhà nước

(BKTO) - Tại Hội thảo “Cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập - Vấn đề đặt ra và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” do KTNN chủ trì tổ chức sáng ngày 18/1, các đại biểu tham dự đã có nhiều tham luận, thảo luận sôi nổi về kết quả cũng như những bất cập, hạn chế trong thực hiện tự chủ tại các bệnh viện công lập thời gian qua; những vướng mắc về cơ chế chính sách trong thực hiện tự chủ… đồng thời đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện chính sách, đẩy mạnh thực hiện tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công.



                
   

Toàn cảnh Hội thảo

   

Dưới đây là ghi nhanh của phóng viên Báo Kiểm toán về một số ý kiến tham luận, thảo luận của các đại biểu tại Hội thảo:

PGS,TS. Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế

Bộ Y tế được Chính phủ đánh giá là một trong những Bộ tiên phong trong việc đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp. Mục tiêu của đổi mới cơ chế quản lý đối với đơn vị sự nghiệp trong việc tổ chức công việc, sắp xếp lại bộ máy, sử dụng nguồn lực tài chính để hoàn thành nhiệm vụ được giao; phát huy khả năng của đơn vị để cung cấp dịch vụ với chất lượng chuyên môn cao; tăng nguồn thu nhằm từng bước giải quyết thu nhập cho người lao động; huy động sự đóng góp của cộng đồng xã hội để phát triển các hoạt động sự nghiệp, từng bước giảm dần bao cấp từ NSNN.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn những hạn chế trong việc giao tự chủ cho các bệnh viện như gia tăng chỉ định dịch vụ cận lâm sàng, kéo dài thời gian nằm điều trị, có xu hướng tiết kiệm nhân lực, giảm chi phí tối thiếu để tăng chênh lệch thu chi... Tại Hội thảo này, chúng tôi mong muốn các đại biểu thảo luận kỹ các vấn đề đưa ra và nghe ý kiến tư vấn của KTNN để giúp Bộ Y tế trong việc xây dựng và hoạch định chính sách, ban hành văn bản nhằm đổi mới cơ chế tài chính, tạo hành lang pháp lý cho các đơn vị y tế công thực hiện cơ chế tự chủ hiệu quả hơn.

Ths. Nguyễn Nam Liên- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế:

Tính đến hết năm 2018, 100% số đơn vị sự nghiệp y tế trong cả nước đã được phân loại, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo các nhóm quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, trong đó, 7,6% tự đảm bảo chi thường xuyên (160 đơn vị), 65% tự chủ một phần chi hoạt động thường xuyên (1.364 đơn vị), còn lại do NSNN đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên.

Cơ chế giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đã từng bước phát huy tính năng động của một số đơn vị; khuyến khích và tạo điều kiện cho các đơn vị trong việc huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phát triển các hoạt động sự nghiệp; tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến hiện đại đồng thời tăng nguồn thu cho bệnh viện. Việc thực hiện xã hội hóa, liên doanh, liên kết đầu tư đã làm thay đổi nhận thức của nhiều đơn vị, không trông chờ, ỷ lại vào NSNN mà chủ động huy động các nguồn ngoài ngân sách để đầu tư cơ sở, trang thiết bị nhằm phát triển kỹ thuật, nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, từng bước đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB) ngày càng đa dạng của các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã nảy sinh những hạn chế, bất cập từ chính sách so với thực tế. Nghị định về tự chủ chưa phân định rõ nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ Nhà nước giao và hoạt động dịch vụ; việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế còn chậm…

TS. Lê Đình Thăng- Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III:

Kết quả kiểm toán cho thấy tại nhiều cơ sở y tế còn hiện tượng thu vượt, thu ngoài quy định hoặc lạm dụng dịch vụ y tế kỹ thuật cao, cung ứng thuốc và dịch vụ không cần thiết... làm tăng gánh nặng cho người bệnh, đặc biệt là những người nghèo, người không tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), làm giảm cơ hội được điều trị của những đối tượng không đủ điều kiện về tài chính.

Để tăng doanh thu một số bệnh viện tuyến trung ương thay vì tập trung vào nghiên cứu khoa học và các kỹ thuật chuyên sâu, lại có xu hướng mở rộng dịch vụ KCB theo yêu cầu và các dịch vụ y tế thông thường vốn các bệnh viện tuyến dưới có thể thực hiện, phần nào ảnh hưởng đến thành công của việc thực hiện chính sách tự chủ. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến phá vỡ kế hoạch phát triển y tế cơ sở vốn đã được Nhà nước đầu tư bằng nguồn vốn tương đối lớn trong nhiều năm qua.

Mặt khác, tại các cơ sở KCB công lập hiện nay đang tồn tại một số khoản thu không thuộc danh mục giá dịch vụ KCB song đến nay chưa có cơ chế quy định rõ ràng.

Bên cạnh đó, việc các bệnh viện được tự chủ lên kế hoạch mua sắm trang thiết bị, đầu tư cơ sở hạ tầng mà không có sự điều phối của cấp có thẩm quyền có thể dẫn đến tình trạng đầu tư vượt quá nhu cầu, không đồng bộ với công tác đào tạo cán bộ sử dụng gây lãng phí nguồn lực.

Kết quả kiểm toán của KTNN những năm gần đây cho thấy, tại nhiều bệnh viện còn tình trạng trang thiết bị mua về không được sử dụng, hoặc chưa bố trí được cơ sở hạ tầng đồng bộ để lắp đặt có thể dẫn đến hỏng hóc, giảm thời gian khấu hao của máy móc, trang thiết bị gây lãng phí nguồn tài chính công. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện đề án liên doanh, liên kết với các tổ chức khu vực tư, dưới áp lực về doanh thu có thể dẫn đến tình trạng chỉ định dùng máy liên doanh liên kết, trong khi máy móc đầu tư từ nguồn NSNN còn sử dụng tốt, đảm bảo chất lượng cho công tác KCB, gây lãng phí tài sản nhà nước.

Vì vậy, để thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ cần mở rộng quyền tự chủ, tự quyết định của các cơ sở KCB đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát để tránh lạm dụng nguồn lực công, lợi ích nhóm trong lĩnh vực này.

GS,TS. Phạm Như Hiệp- Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế:

Khó khăn trong thực hiện cơ chế tự chủ tại các cơ sở KCB là chính sách đãi ngộ, chính thu hút đối với cán bộ y tế, đặc biệt là các chuyên gia, thầy thuốc giỏi chưa hợp lý; giá dịch vụ y tế chưa tính đủ chi phí; việc xã hội hóa đầu tư khó thực hiện do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện. Đặc biệt, trong KCB BHYT, việc giao dự toán chi phí KCB chưa sát thực tế, thiếu căn cứ; công tác giám định BHYT còn qua nhiều khâu, nhiều tầng, nhiều thủ tục; việc áp định mức chi phí trong KCB, thanh quyết toán chi phí KCB BHYT chậm, cơ quan BHXH ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện BHYT thiếu thống nhất dẫn đến các cơ sở KCB lúng túng và gặp nhiều khó khăn. Do đó, quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp y tế công lập cần sớm được sửa đổi theo hướng phát huy quyền tự chủ toàn diện; đẩy nhanh lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, đồng thời hoàn thiện quy trình thủ tục thanh toán, giám định BHYT để giảm thiểu thời gian, công sức; đổi mới cơ chế sử dụng BHYT theo hướng chi thêm cho quản lý sức khỏe, sàng lọc, phát hiện sớm bệnh tật để giảm chi phí KCB.

Ths. Trương Bá Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính:

Để giải quyết những bất cập trong thực hiện tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập cần tập trung vào 5 nhóm vấn đề.

Thứ nhất, trong tự chủ phải thay đổi cách thức phân bổ, sử dụng ngân sách để đảm bảo nguồn lực ngân sách được đến đúng địa chỉ và sử dụng một cách hiệu quả nhất. Thứ hai, phải cải cách căn bản phương thức quản lý chi ngân sách, bao gồm chi NSNN cho các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tự chủ, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực công. Thứ ba, đẩy mạnh hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến cơ chế tự chủ, thực hiện tốt việc quy hoạch, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là tiền đề, là điều kiện căn bản để đẩy mạnh cơ chế tự chủ. Thứ 4 là đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa; tạo điều kiện cho các cơ sở y tế ngoài công lập trong việc tiếp cận, cung ứng các dịch vụ công có sử dụng nguồn NSNN. Thứ 5 là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về theo dõi, đánh giá, nâng cao trách nhiệm giải trình, đồng thời tăng cường công khai, minh bạch kết quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công.

Ths. Nguyễn Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế:

Để đảm bảo cho các đơn vị tự chủ thì cần phân cấp mạnh mẽ hơn nữa trong tự chủ đầu tư, mua sắm để đáp ứng nhu cầu, đảm bảo thời gian cũng như quyết định đầu tư có hiệu quả hơn và người bệnh sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, song song với đó phải xây dựng các quy trình, quy chế để kiểm soát, tránh sự lạm dụng cũng như có mức giá phù hợp, đúng quy định.

Bên cạnh đó, cần mở rộng phạm vi phân cấp trong khuôn khổ cho phép. Đối với đấu thầu, mua sắm trang thiết bị thì vấn đề quyết định là khâu phê duyệt danh mục dự án và phê duyệt kế hoạch đấu thầu. Các khâu này cần làm rõ về thẩm quyền. Cùng với đó, các cơ sở y tế cần tổ chức kiểm tra các quy trình, quy chế trong đầu tư, mua sắm trang thiết bị y tế và trong quản lý, sử dụng để đảm bảo hiệu quả, an toàn, chất lượng.

Ths. Nguyễn Trọng Khoa- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế:

Qua quá trình phối hợp với BHXH Việt Nam thực hiện giám định KCB BHYT nổi lên một số vấn đề như: một số cơ sở tăng chỉ định về điều trị nội trú để tận dụng giường bệnh trống, gia tăng chỉ định cận lâm sàng, kỹ thuật…Trong việc xây dựng các tiêu chuẩn, hướng dẫn chẩn đoán điều trị và trong các văn bản về chỉ đạo về tiêu chí chất lượng bệnh viện, Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện tự xây dựng, tự đưa ra các phác đồ điều trị, các quy trình chuyên môn kỹ thuật và phải có cơ chế để tự giám sát thầy thuốc trong việc ra chỉ định cũng như chỉ định thuốc hoặc các kỹ thuật cận lâm sàng. Thực tế cho thấy, bệnh viện nào thực hiện tốt cơ chế nội bộ thì chi bình quân cho bệnh nhân đối với nội trú và cả ngoại trú thấp hơn rất nhiều các bệnh viện chưa thực hiện tốt được cơ chế này. Vì vậy, các bệnh viện cần nỗ lực hơn nữa trong kiểm soát vấn đề này.

Một vấn đề nữa là hiện nay chúng ta mới chú ý nhiều đến vấn đề kinh tế, chưa chú trọng đến chất lượng dịch vụ. Đáng lo ngại là khi kiểm tra bệnh viện, xem bệnh án thì thấy bác sĩ ghi đến 5-6 chẩn đoán, vì nếu không có chẩn đoán này thì không được kê thuốc này, làm méo mó toàn bộ chuyên môn. Điều này là hết sức nguy hiểm, làm thay đổi hẳn bộ mặt lâm sàng hiện nay. Bên cạnh đó, hiện nay năng lực quản trị bệnh viện cần phải tiếp tục được tăng cường để kiểm soát tốt nội bộ các vấn đề về chuyên môn cũng như về tài chính; đồng thời cần có một cơ chế giám định từ bên ngoài thiên về chất lượng chuyên môn.

Bà Nguyễn Thị Hương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính:

Dưới góc độ giá dịch vụ y tế, khi chuyển sang cơ chế giá thị trường, bắt đầu đưa giá vào tính theo lộ trình để đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí và thanh toán chi phí KCB trên cơ sở giá dịch vụ KCB thì một nguyên tắc chung là dựa trên định mức kinh tế kỹ thuật để xác định ra giá. Định mức kinh tế kỹ thuật là cơ sở đầu vào để tính toán giá.

Vì vậy, trách nhiệm của Bộ Y tế là phải đưa ra được mức chuẩn về định mức kỹ thuật cho dịch vụ KCB; đồng thời phải quy định chất lượng dịch vụ theo mức giá dựa trên định mức đó. Bên cạnh đó, việc hướng dẫn thanh toán cũng vô cùng quan trọng, để đảm bảo rõ ràng, minh bạch, tránh tranh cãi giữa các bên. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Y tế chưa có quy định nào về chất lượng dịch vụ. Đối với BHXH Việt Nam cũng cần xây dựng các bộ nguyên tắc, tiêu chí về dịch vụ và chất lượng dịch vụ để ký hợp đồng KCB BHYT với cơ sở KCB. Khi có vấn đề xảy ra thì đối chiếu với hợp đồng để giải quyết, tránh tình trạng để kéo dài, gây khó khăn cho cơ sở y tế.

Đối với Bộ Tài chính, phải sửa đổi Nghị định 16/2015/NĐ-CP, trong đó phải quy định phương pháp xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, làm cơ sơ để các Bộ, ngành xây dựng bộ định mức kinh tế kỹ thuật đảm bảo đúng, phù hợp, sát với tình hình thực tế và bảo đảm chuyên môn kỹ thuật của ngành.

Bà Đào Thị Thu Vĩnh- Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII:

Qua thực tế kiểm toán chuyên đề quản lý, sử dụng Quỹ BHYT vừa qua thì vấn đề mấu chốt, còn vướng mắc giữa ngành BHXH và các cơ sở y tế là vấn đề thanh toán từ Quỹ BHYT và nếu không có các quy định cụ thể để quản lý kịp thời thì Quỹ BHYT sẽ rơi vào tình trạng thâm hụt và âm Quỹ. Bên cạnh đó, hiện nay mức đóng BHYT thấp và chi trả không có mức tối đa nên có những bệnh hiểm nghèo, mức chi trả lớn là một trong nhiều nguyên nhân gây mất cân đối Quỹ. Vì vậy, Bộ Y tế với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về chính sách BHYT cần kịp thời đưa ra những chính sách để tránh thâm hụt Quỹ BHYT.

Mặt khác, do chưa có các quy định cụ thể về bộ định mức kinh tế kỹ thuật trong ngành y tế nên qua kiểm toán phát hiện có rất nhiều vật tư y tế không được sử dụng cho người bệnh nhưng vẫn thống kê thanh toán với cơ quan BHXH, KTNN đã đề nghị xuất toán những khoản này theo quy định của Luật BHYT.

Về vấn đề chất lượng dịch vụ y tế. Khi các cơ sở y tế được tự chủ thì ai, cơ quan nào đảm bảo chất lượng KCB cho người dân? Vì vậy, trong thời gian tới, các Bộ, ban ngành liên quan cần ban hành kịp thời các văn bản để cùng với việc đưa ra cơ chế tự chủ cho các bệnh viện công lập thì cũng phải có các quy định về cơ chế chính sách để đảm bảo chất lượng dịch vụ y tế.

Thông qua các ý kiến tham luận, thảo luận tại Hội thảo, GS,TS. Đoàn Xuân Tiên- Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước kết luận: Các ý kiến đã tập trung thảo luận để tìm ra các giải pháp có tính khả thi cao nhằm giúp cho các cơ quan nhà nước có thêm luận cứ khoa học và thực tiễn, nhằm hoàn thiện cơ chế tự chủ cho các cơ sở y tế công lập, đồng thời cũng giúp cho KTNN hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ trong việc đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả việc quản lý, sử dụng nguồn lực công phục vụ nhiệm vụ KCB của nhân dân một cách tốt nhất.
                
   

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên phát biểu bế mạc Hội thảo

   
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo sẽ được KTNN nghiên cứu, tiếp thu tối đa để có nhiều đổi mới, sáng tạo và khoa học, xây dựng các giải pháp hữu hiệu, nhằm đáp ứng tốt hơn với những kỳ vọng, niềm tin và sự mong đợi của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân.

N. HỒNG-N.LỘC
Cùng chuyên mục
Cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập- Vấn đề đặt ra và vai trò của Kiểm toán Nhà nước