Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020: Kỳ II - Nhiều bất cập trong phân bổ, sử dụng kinh phí

(BKTO) - Cùng với việc đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 (Chương trình), kết quả kiểm toán của KTNN cũng chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế trong công tác phân bổ sử dụng kinh phí của Chương trình như: sử dụng kinh phí chưa đúng nội dung, đối tượng, không sử dụng hết kinh phí phải hủy dự toán…



KTNN chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế trong việc phân bổ sử dụng kinh phí của Chương trình. Ảnh tư liệu

Nhiều địa phương chưa dự kiến nguồn lực thực hiện Chương trình

Theo kết quả kiểm toán, Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 được giao cho các đơn vị thụ hưởng cơ bản phù hợp với nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn theo Quyết định số 48/2016/QĐ-TTg quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách T.Ư và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình; phù hợp nội dung hỗ trợ theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg (Quyết định phê duyệt Chương trình) và phù hợp đối tượng thụ hưởng của Chương trình là các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, huyện nghèo theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Tại các đơn vị được kiểm toán, UBND các tỉnh đã tổ chức lập, ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình; lập, trình HĐND tỉnh phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên, kết quả kiểm toán cho thấy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa tham mưu xây dựng nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn cho các cơ quan T.Ư, các đơn vị chủ trì dự án thành phần để áp dụng trong công tác phân bổ vốn hằng năm và trung hạn giai đoạn 2016-2020, mà do các đơn vị chủ trì dự án thành phần tự xác định tiêu chí phân bổ. Tại các địa phương được kiểm toán, có 12/14 địa phương lập Kế hoạch thực hiện Chương trình chưa thể hiện được dự kiến nguồn lực (tổng các nguồn vốn) để thực hiện các nội dung, dự án thành phần của Chương trình theo quy định. Có 13/14 địa phương lập kế hoạch đầu tư công trình trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho nội dung hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng của Chương trình chi tiết theo đối tượng được thụ hưởng (huyện, xã), không xây dựng danh mục và mức bố trí vốn kế hoạch cho từng dự án, công trình theo quy định. Tỉnh Cao Bằng còn bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn để trả nợ vốn ứng trước các công trình không thuộc đối tượng hỗ trợ đầu tư của Chương trình số tiền gần 19,8 tỷ đồng.

Cũng theo kết quả kiểm toán, có 3/5 địa phương thuộc đối tượng bố trí vốn đối ứng ngân sách địa phương (10%) để thực hiện Chương trình nhưng chưa bố trí đủ vốn đối ứng theo quy định. Cụ thể như, Đắk Lắk 11,2 tỷ đồng; Gia Lai 52,2 tỷ đồng; Bắc Giang 38,7 tỷ đồng.

Phân bổ, bố trí vốn không đúng nội dung, đối tượng

Trong công tác phê duyệt và giao kế hoạch thực hiện hằng năm, KTNN chỉ ra, một số địa phương phân bổ kinh phí của Chương trình sai cơ cấu vốn đầu tư, vốn sự nghiệp cho các dự án được T.Ư giao, phân bổ không đúng kế hoạch vốn cho các dự án Chương trình 30a, 135; phân bổ vốn đầu tư (hỗ trợ cơ sở hạ tầng) không đúng đối tượng thụ hưởng của Chương trình. Một số địa phương phân bổ kinh phí sự nghiệp duy tu, bảo dưỡng các công trình thuộc Dự án 1 (Chương trình 30a) vượt 6,3% vốn hỗ trợ đầu tư hằng năm theo quy định.

Bên cạnh đó, các địa phương còn lúng túng trong việc phân bổ kinh phí sự nghiệp để thực hiện nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, phân bổ chậm cho các đơn vị thực hiện dẫn đến kinh phí không sử dụng hết phải chuyển nguồn hoặc hủy bỏ. Nguyên nhân là do Chương trình được triển khai thực hiện từ năm 2016 nhưng đến tháng 9/2016 Thủ tướng Chính phủ mới ban hành quyết định thực hiện Chương trình và năm 2017 các Bộ, ngành mới hướng dẫn thực hiện các nội dung Chương trình.

Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra tình trạng các địa phương bố trí vốn đầu tư của Chương trình để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 như tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn... Cùng với đó, tỉnh Bắc Kạn phân bổ không hết nguồn vốn T.Ư cấp phải hủy dự toán số tiền 808 triệu đồng. Năm 2017, tỉnh Lai Châu phân bổ kinh phí kết dư nguồn ngân sách T.Ư của Chương trình cho các đơn vị không đúng quy định của Luật NSNN số tiền 35,3 tỷ đồng. Các tỉnh Lạng Sơn, Gia Lai, Đắk Lắk, Phú Thọ, Sơn La giao kế hoạch vốn cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện nội dung nhân rộng mô hình giảm nghèo; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; tỉnh Lào Cai giao kế hoạch vốn cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Dân tộc làm chủ đầu tư một số công trình, dự án thuộc Chương trình 135 không phù hợp với các quy định thực hiện Chương trình…

Tương tự, tỉnh Sơn La hướng dẫn các địa phương (các huyện thụ hưởng) thực hiện phân bổ vốn sự nghiệp của Chương trình 30a để hỗ trợ, chi trả cho cán bộ khuyến nông viên xã không đúng đối tượng thụ hưởng số tiền gần 6,6 tỷ đồng; UBND huyện Vân Hồ phân bổ vốn sự nghiệp hỗ trợ phát triển sản xuất Chương trình 135 cho xã Chiềng Khoa không thuộc xã nghèo được hỗ trợ số tiền 116 triệu đồng. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện nhân rộng mô hình giảm nghèo năm 2018 không đúng cơ chế thực hiện Chương trình…

Từ kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị thu hồi nộp NSNN 577,2 triệu đồng kinh phí sự nghiệp chi không đúng đối tượng thụ hưởng của Chương trình; kiến nghị các địa phương bố trí hoàn trả ngân sách T.Ư kinh phí sự nghiệp phân bổ không đúng cho các đối tượng thụ hưởng số tiền 6,7 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác 432,9 tỷ đồng. KTNN cũng kiến nghị các địa phương báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin ý kiến chỉ đạo giải quyết các tồn tại đã được KTNN chỉ ra; bố trí đủ vốn đối ứng ngân sách địa phương theo quy định của Chương trình.

Đ.KHOA
Cùng chuyên mục
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020: Kỳ II - Nhiều bất cập trong phân bổ, sử dụng kinh phí