Chủ động tham mưu, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật của Kiểm toán Nhà nước

(BKTO) – “Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động lớn đến cả nước nói chung và KTNN nói riêng, với số lượng cán bộ, công chức không nhiều, lại được Tổng Kiểm toán nhà nước giao thêm nhiệm vụ thẩm định dự thảo Kế hoạch kiểm toán, song Vụ Pháp chế đã hoàn thành được khối lượng lớn công việc được giao đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ đề ra” – Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh biểu dương và ghi nhận kết quả công tác năm 2021 của Vụ Pháp chế (KTNN) tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Vụ diễn ra sáng 10/12.



                
   

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: MINH THÚY

   

Báo cáo tổng kết công tác năm 2021, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đặng Văn Hải cho biết, trong năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn song Vụ Pháp chế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thể hiện trên các mặt công tác: xây dựng văn bản pháp luật; tuyên truyền pháp luật, pháp điển hóa và kiểm tra thực hiện văn bản; thẩm định kiểm toán; trả lời kiến nghị, xử lý khiếu nại, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán; tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học...

Theo đó, trong công tác xây dựng văn bản pháp luật, Vụ đã chủ động tích cực nghiên cứu và tham mưu cho lãnh đạo KTNN trong việc xây dựng: Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; Danh mục bảo vệ bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực KTNN; Kế hoạch thực hiện Chiến lược Phát triển KTNN đến năm 2030 về khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN; Báo cáo Chuyên đề số 9 “Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật kiểm toán nhà nước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo yêu cầu của Đảng đoàn Quốc hội về xây dựng các chuyên đề được phân công thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”; tham gia biên tập nội dung thuộc phạm vi, chức năng, nhiệm vụ theo Chuyên đề số 13 về “Hoàn thiện tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo nhiệm vụ được phân công.

Trong năm 2021, Vụ Pháp chế được giao chủ trì soạn thảo 02 văn bản quy phạm pháp luật. Đến nay, Quy định khiếu nại, khởi kiện và trả lời kiến nghị trong hoạt động KTNN đã được Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành. Đối với Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, Vụ đã xây dựng xong dự thảo, tổ chức lấy ý kiến các đơn vị trực thuộc KTNN, đang hoàn thiện để trình lãnh đạo KTNN theo quy định.

Đến ngày 30/11/2021, Vụ đã tham gia góp ý và thẩm định 126 lượt dự thảo văn bản của các đơn vị trong và ngoài ngành gửi lấy ý kiến đảm bảo chất lượng, tiến độ; tham mưu cho lãnh đạo KTNN phối hợp với các cơ quan liên quan tham gia góp ý, tham dự các cuộc họp cho ý kiến đối với các dự án luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN.
                
   

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: MINH THÚY

   

Đặc biệt, Vụ đã tham mưu kịp thời cho lãnh đạo KTNN tham gia ý kiến về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của KTNN và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật KTNN và Luật Thanh tra...

Trong công tác thẩm định tính pháp lý của dự thảo Báo cáo kiểm toán, đến ngày 30/11/2021, Vụ Pháp chế đã thẩm định 163 dự thảo Báo cáo kiểm toán và 217 dự thảo Kế hoạch kiểm toán đảm bảo chất lượng, tiến độ theo quy định. Các Báo cáo thẩm định được các đơn vị và các Đoàn kiểm toán cơ bản tiếp thu ý kiến thẩm định, nhiều ý kiến thẩm định được lãnh đạo KTNN và đơn vị chủ trì kiểm toán đánh giá cao. Cùng đó, Vụ đã tham gia trả lời 35 kiến nghị kiểm toán, trong đó, có nhiều kiến nghị quan trọng, phức tạp, kiến nghị tồn đọng từ nhiều năm trước…

Để thực hiện thành công kế hoạch công tác năm 2022, Vụ Pháp chế sẽ tiếp tục bám sát chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và yêu cầu của Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, để tham mưu lãnh đạo KTNN đề xuất xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động KTNN đáp ứng yêu cầu phát triển và đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam; nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo KTNN nhiệm vụ xây dựng Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN đảm bảo phù hợp với thực tiễn hoạt động KTNN; xây dựng, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và Chương trình xây dựng văn bản quản lý của KTNN năm 2022 đảm bảo chất lượng, tiến độ; theo dõi và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chủ đề 01- thuộc Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Phát triển KTNN đến năm 2030; thực hiện việc góp ý, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật trong và ngoài ngành theo đúng quy định…

Đồng thời, tiếp tục phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thẩm định dự thảo Kế hoạch kiểm toán và Báo cáo kiểm toán theo chức năng, nhiệm vụ được giao; kịp thời tham mưu lãnh đạo KTNN trong việc xử lý kiến nghị về kết quả kiểm toán và những vấn đề khác liên quan đến nghiệp vụ kiểm toán theo phân công của lãnh đạo KTNN...
                
   

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Vũ Thanh Hải phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo KTNN tại Hội nghị. ẢNH: MINH THÚY

   

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh biểu dương và chúc mừng những thành tích đã đạt được trong năm 2021 của Vụ Pháp chế. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị, trong năm 2022, Vụ Pháp chế cần tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng hoạt động của đơn vị với vai trò là đơn vị chuyên môn về lĩnh vực pháp luật của KTNN. Vụ phải chủ động trong việc tham mưu lãnh đạo KTNN hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN, thực hiện Chiến lược Phát triển KTNN đến năm 2030; có cái nhìn định hướng về cơ sở pháp lý trong việc xây dựng KTNN trở thành cơ quan kiểm toán tối cao theo Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Bên cạnh đó, Vụ phải đi sâu vào thẩm định kế hoạch báo cáo kiểm toán về khía cạnh pháp luật, phối hợp với các đơn vị trực thuộc KTNN tham gia vào quá trình tố tụng, nếu có trường hợp các đơn vị được kiểm toán khởi kiện theo Luật KTNN…

Thay mặt Vụ Pháp chế, Vụ Trưởng Vũ Thanh Hải khẳng định, Vụ Pháp chế sẽ tiếp thu các ý kiến phát biểu của các đơn vị, ý kiến chỉ đạo của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh, cụ thể hóa thành chương trình hoạt động, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

MINH THÚY
Cùng chuyên mục
Chủ động tham mưu, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật của Kiểm toán Nhà nước