Cho ý kiến về xây dựng chương trình Tài liệu Bồi dưỡng ngạch Kiểm toán viên cao cấp

(BKTO)- Sáng 28/02, tại trụ sở KTNN (116 Nguyễn Chánh, Hà Nội), Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên đã chủ trì cuộc họp Ban xây dựng chương trình, biên soạn Tài liệu Bồi dưỡng ngạch Kiểm toán viên cao cấp (KTVCC). Tham dự có các thành viên trong Ban Soạn thảo.



                
   

Quang cảnh cuộc họp

   

Trình bày Dự thảo định hướng biên soạn Tài liệu Bồi dưỡng ngạch KTVCC (Dự thảo), Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Lê Minh Nam cho biết, Tài liệu Bồi dưỡng ngạch KTVCC hiện hành được ban hành theo Quyết định số 28/QĐ-KTNN ngày 22/01/2013 của Tổng Kiểm toán Nhà nước. Đến nay, Tài liệu đã phục vụ đào tạo, bồi dưỡng 3 lớp bồi dưỡng ngạch KTVCC với 100 lượt học viên, được các giảng viên và học viên đánh giá cao về tính khoa học, thực tiễn và sự phù hợp với môi trường nghề nghiệp kiểm toán.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức đào tạo, Tài liệu đã bộc lộ một số hạn chế, nhiều nội dung đã lạc hậu, không còn phù hợp với sự phát triển của KTNN. Một số nội dung đã được đưa vào các chương trình bồi dưỡng khác. Điều này đặt ra yêu cầu cần thiết phải xây dựng tài liệu mới thay thế để phù hợp với thực tiễn và chiến lược phát triển của Ngành.
                
   

Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Lê Minh Nam trình bày Dự thảo chương trình

   

Với mục tiêu cập nhật, nâng cao kiến thức và khả năng xử lý các thách thức, tình huống trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, đồng thời cung cấp các kỹ năng tương ứng với chức trách của KTVCC, chương trình được thiết kế gồm phần kiến thức chung và kỹ năng cần thiết, phù hợp với đối tượng, tính chất công việc của ngạch KTVCC. Nội dung chương trình được xây dựng theo hướng mở, dễ cập nhật, cân đối giữa lý luận và thực tiễn.

Chương trình có tổng thời lượng 112 tiết, trong đó, 40 tiết dành cho việc viết đề án, 72 tiết đào tạo tập trung trên lớp với 9 chuyên đề: Địa vị pháp lý và tổ chức hoạt động của các cơ quan kiểm toán tối cao và KTNN Việt Nam; Vai trò của các cơ quan kiểm toán tối cao và KTNN Việt Nam; Mối quan hệ trong hoạt động kiểm toán của KTNN với các tổ chức, đơn vị có liên quan; Xây dựng và quản trị chiến lược phát triển KTNN; Xây dựng kế hoạch kiểm toán của các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán; Tổ chức và quản lý hoạt động kiểm toán của đơn vị chủ trì kiểm toán và đoàn kiểm toán; Phân tích chính sách kinh tế vĩ mô phục vụ cho công tác kiểm toán; Vận dụng chuẩn mực KTNN trong các lĩnh vực kiểm toán; Tổ chức quản lý chất lượng kiểm toán của KTNN.

Tại cuộc họp, các đại biểu cơ bản đồng tình với nội dung của Dự thảo, đồng thời cho ý kiến về từng nội dung. Theo đó, Dự thảo cần ghép chuyên đề 1 và 2; bổ sung thêm nội dung: giới thiệu các mô hình của các cơ quan kiểm toán kiểm toán tối cao trên thế giới, sự khác biệt giữa Chuẩn mực KTNN Việt Nam và chuẩn mực kiểm toán quốc tế; thay Chuyên đề Phân tích chính sách kinh tế vĩ mô phục vụ cho công tác kiểm toán bằng Chuyên đề Chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và vai trò của KTNN.

Đồng thời, Dự thảo cần bổ sung thêm một số chuyên đề như: Chính sách quản lý tài chính công, tài sản công và vai trò của KTNN,Ứng dụng công nghệ thông tin, tiến bộ khoa học công nghệ vào hoạt động kiểm toán; Văn hóa, đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên.

Kết luận cuộc họp, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên định hướng cấu trúc nội dung chương trình bồi dưỡng ngạch KTVCC chia làm 4 phần: Cơ sở pháp lý và nghề nghiệp về tổ chức và hoạt động của KTNN; Phân tích chính sách kinh tế phục vụ cho công tác kiểm toán của KTNN; Xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển KTNN; Tổ chức và quản lý hoạt động kiểm toán của KTNN.

Để đảm bảo nội dung cũng như tiến độ xây dựng chương trình, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Bộ phận thường trực là Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán khẩn trương hoàn thiện khung chương trình; đồng thời xây dựng đề cương chi tiết của chương trình và gửi xin ý kiến các thành viên Ban Soạn thảo để bổ sung, chính sửa, hoàn thiện trình Tổng Kiểm toán Nhà nước xem xét, ban hành các quyết định liên quan.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cũng lưu ý, trong quá trình xây dựng chương trình, Bộ phận thường trực phải định kỳ báo cáo để lãnh đạo KTNN xem xét, cho ý kiến chỉ đạo kịp thời và sát sao.

Tin và ảnh: HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Cho ý kiến về xây dựng chương trình Tài liệu Bồi dưỡng ngạch Kiểm toán viên cao cấp