Cần nhìn nhận khách quan về vai trò, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong kiểm toán các dự án

(BKTO) - Trò chuyện đầu năm với phóng viên Báo Kiểm toán, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa cho biết: Năm 2019, toàn Ngành đã hoàn thành toàn diện Kế hoạch kiểm toán năm, trong đó tiếp tục đi sâu kiểm toán các lĩnh vực có nhiều rủi ro, được dư luận xã hội và cử tri cả nước quan tâm nhằm phát hiện và ngăn chặn các sai phạm trong quản lý tài chính, kinh tế.




Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa

Thưa Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước! KTNN vừa khép lại năm 2019 với việc hoàn thành toàn diện Kế hoạch kiểm toán năm, trong đó tiếp tục kiểm toán các lĩnh vực có nhiều rủi ro, được dư luận xã hội và cử tri cả nước hết sức quan tâm. Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?

- Có thể khẳng định, toàn Ngành đã hoàn thành toàn diện Kế hoạch kiểm toán năm 2019. Qua tổng hợp sơ bộ kết quả xử lý tài chính của 248 báo cáo kiểm toán đã phát hành, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính là 72.873 tỷ đồng; đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 154 văn bản nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí tài chính công, tài sản công.

Để có được kết quả trên, trong năm qua, KTNN đã tiếp tục đi sâu kiểm toán các lĩnh vực có nhiều rủi ro, được dư luận xã hội và cử tri cả nước quan tâm nhằm góp phần hoàn thiện thể chế, phát hiện và ngăn chặn các sai phạm trong quản lý tài chính, kinh tế, như: kiểm toán các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP); kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai; quản lý và sử dụng, khai thác tài nguyên, khoáng sản; nhập khẩu phế liệu, rác thải; kiểm toán tư vấn định giá xác định giá trị DN; kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần…

Cụ thể, qua kiểm toán 7 dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trong năm 2019, KTNN xác định giảm thời gian thu phí của 7/7 dự án với tổng thời gian 54 năm 6 tháng; kiến nghị các cơ quan xem xét, sửa đổi để thống nhất quy định về xác định lãi vay huy động vốn đầu tư của nhà đầu tư vào tổng mức đầu tư, giá trị công trình dự án; bổ sung quy định phân định rõ đối với trường hợp giá trị tiền thuê đất, tiền sử dụng đất tại khu đất được giao (dự án khác) đủ thanh toán và trường hợp chưa đủ thanh toán giá trị hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) cho nhà đầu tư quy định tại Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg; xem xét, bổ sung đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất nhằm hạn chế phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài và khuyến khích tái chế phế liệu trong nước, góp phần bảo vệ môi trường...

Vậy kết quả các cuộc kiểm toán BOT, BT thời gian qua cho thấy những hạn chế, bất cập gì về cơ chế, chính sách, thưa ông?

- Kết quả kiểm toán các dự án PPP nói chung và các dự án BOT, BT nói riêng cho thấy những bất cập và kẽ hở về cơ chế, chính sách, cụ thể:
Một là, hầu hết các dự án BOT, BT được kiểm toán đều thực hiện theo hình thức chỉ định thầu dẫn đến giảm tính cạnh tranh và minh bạch trong công tác lựa chọn nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro, thất thoát, lãng phí và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án.
Hai là, một số nguồn thu, chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án PPP chưa được hướng dẫn quản lý như: thu hoạt động lãi tiền gửi, thu quảng cáo, thu cho thuê nhà, trụ sở, hoàn trả chi phí hỗ trợ chuẩn bị đầu tư và chi phí bảo toàn nguồn vốn hỗ trợ chuẩn bị đầu tư dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện.

Ba là, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo hình thức PPP từ trước đến nay đang dừng lại ở thông tư và nghị định hướng dẫn, khi triển khai còn nhiều vướng mắc, gây quan ngại cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.

Bốn là, việc nhà đầu tư được tự lựa chọn các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, giám sát (các đơn vị thầu phụ) dẫn tới không đảm bảo tính khách quan, dễ xảy ra thất thoát. Trong khi đó, công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, việc các dự án không được kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước dẫn đến xảy ra sai sót tại tất cả các khâu, gây thất thoát trong quá trình thi công thực hiện dự án.

Từ những kết quả trên, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hàng nghìn tỷ đồng, giảm thời gian thu phí hàng trăm năm đối với các dự án BT, BOT, đồng thời kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để ngăn chặn các “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách.

Thưa ông, Dự thảo Luật PPP trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua đã quy định về hoạt động kiểm toán nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP. Để cụ thể hóa hơn vai trò của KTNN trong kiểm toán các dự án này, KTNN có góp ý và kiến nghị như thế nào đối với Dự thảo Luật?

- Về vấn đề này, KTNN đã và sẽ tiếp tục có văn bản chính thức góp ý với Ban Soạn thảo Luật PPP để có cái nhìn đầy đủ và khách quan về vai trò, trách nhiệm của KTNN trong kiểm toán các dự án này.

Với quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, cách hiểu Dự thảo Luật PPP hiện nay là góc nhìn trong phạm vi hẹp, chưa toàn diện về chức năng, nhiệm vụ của KTNN và cũng chưa nhìn nhận đúng bản chất của dự án đầu tư theo hình thức PPP, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên tham gia dự án này, cụ thể:

Thứ nhất, kinh nghiệm thực tế cho thấy, các kết quả kiểm toán đối với các dự án BOT, BT là một minh chứng khách quan, sinh động cho vai trò không thể thiếu của KTNN trong việc kiểm toán toàn diện các dự án BOT, BT nói riêng và dự án PPP nói chung.

Thứ hai, theo quy định pháp luật hiện hành, trong đó có Điều 118, Hiến pháp năm 2013 và khoản 11, Điều 3, Luật KTNN, các dự án PPP là đối tượng được kiểm toán của KTNN. Tuy nhiên, Điều 80, Dự thảo Luật PPP về “Hoạt động KTNN trong đầu tư theo phương thức PPP” quy định: “Thực hiện việc kiểm toán về sử dụng tài chính công, tài sản công trong dự án PPP quy định tại Điều 65 và Điều 67 của Luật này”. Như vậy, KTNN chỉ thực hiện kiểm toán “Vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng” (Điều 65) và “Vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư” (Điều 67) là chưa phù hợp, xem dự án PPP tách rời thành các bộ phận riêng lẻ, chưa xem xét dự án PPP với tư cách là dự án để xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công thuộc đối tượng kiểm toán của KTNN.

Tóm lại, các dự án đầu tư theo hình thức PPP phải được KTNN kiểm toán để đánh giá tính tuân thủ, tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực của dự án vì các tài sản hình thành từ các dự án này là tài sản công và việc quản lý, sử dụng tài sản này là đối tượng kiểm toán của KTNN.

Xin trân trọng cảm ơn Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước!

XUÂN HỒNG (thực hiện)
Cùng chuyên mục
Cần nhìn nhận khách quan về vai trò, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong kiểm toán các dự án