Cần nêu bật mục tiêu, nội dung, cở sở pháp lý và kinh nghiệm kiểm toán doanh nghiệp

(BKTO) - Đây là kiến nghị của các kiểm toán viên (KTV) tại hai Tọa đàm “Kinh nghiệm kiểm toán DNNN” và “Hướng dẫn tiêu chí đánh giá DN” do KTNN chuyên ngành VI tổ chức ngày 01/10.



                
   

ThS. Nguyễn Giang Sơn - Phó Kiểm toán Trưởng KTNN chuyên ngành VI -chủ trì Tọa đàmHướng dẫn tiêu chí đánh giá DN

   
Trong hoạt động kiểm toán, kiểm toán lĩnh vực DN xuất hiện sớm với đặc trưng là kiểm toán báo cáo tài chính DN. Hiện nay, việc kiểm toán lĩnh vực này tại KTNN được KTNN chuyên ngành và KTNN khu vực thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ quy định.

Theo đại diện KTNN chuyên ngành VI, ngoài việc xác nhận tính đúng đắn, trung thực, hợp lý của báo cáo tài chính, kiểm toán DN còn hướng đến mục mục tiêu đánh giá tính tuân thủ các quy định của pháp luật, chính sách, chế độ; đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán; chỉ ra các sai phạm, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý sai phạm và sửa đổi các cơ chế, chính sách còn bất cập…

Đối tượng kiểm toán DN là các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong rất nhiều các ngành nghề, lĩnh vực quan trọng của đất nước. Mỗi ngành nghề, lĩnh vực lại có những đặc điểm, đặc thù khác nhau dẫn đến việc KTV vừa phải thực hiện các nội dung trọng tâm kiểm toán chung, vừa phải thực hiện những nội dung kiểm toán đặc thù. Vì vậy, việc soạn thảo, ban hành các tài liệu hướng dẫn nhằm hỗ trợ KTV trong quá trình kiểm toán DN có ý nghĩa quan trọng.

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và những kết quả khả quan trong hoạt động kiểm toán của KTNN chuyên ngành VI thời gian qua, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã giao cho đơn vị này soạn thảo Tài liệu hướng dẫn kiểm toán DN với hai nội dung cụ thể: kinh nghiệm kiểm toán DNNN và hướng dẫn vận dụng một số tiêu chí đánh giá trong kiểm toán DN.                
   

TS. Lưu Trường Kháng - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI- chủ trì Tọa đàmKinh nghiệm kiểm toán DNNN

   
Dự thảo Tài liệu Kinh nghiệm kiểm toán DNNN gồm 6 phần: Chương 1- Giới thiệu chung; Chương 2 – Kinh nghiệm kiểm toán tài sản; Chương 3 – Kinh nghiệm kiểm toán nguồn vốn; Chương 4 – Kinh nghiệm kiểm toán việc quản lý doanh thu, thu nhập; Chương 5 – Kinh nghiệm kiểm toán việc quản lý chi phí; Chương 6 – Kinh nghiệm kiểm toán tuân thủ.

Tài liệu Hướng dẫn vận dụng một số tiêu chí đánh giá trong kiểm toán DN gồm 3 phần: Chương 1 – Những quy định chung; Chương 2 – Công thức tính, ý nghĩa, cách thức sử dụng các tiêu chí đánh giá; Chương 3 – Vận dụng các chỉ tiêu phân tích, đánh giá DN trong các giai đoạn kiểm toán.

Đóng góp ý kiến hoàn thiện tài liệu hướng dẫn kiểm toán DN, các KTV cho rằng: Đối với Tài liệu Kinh nghiệm kiểm toán DNNN, Ban Soạn thảo cần bổ sung thêm lời giới thiệu và mục đích sử dụng bộ tài liệu; làm rõ đối tượng và phạm vi áp dụng; tập trung nêu bật mục tiêu, nội dung, cở sở pháp lý và kinh nghiệm kiểm toán DNNN… Với Tài liệu Hướng dẫn vận dụng một số tiêu chí đánh giá trong kiểm toán DN, Ban Soạn thảo cần nêu rõ các tiêu chí đánh giá áp dụng cho từng nội dung kiểm toán; tương ứng với từng tiêu chí là phương pháp và kinh nghiệm đánh giá.                
   

Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI Nguyễn Anh Tuấn tham gia ý kiến với Ban Soạn thảo

   
Kết luận Tọa đàm, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI Nguyễn Anh Tuấn đánh giá cao nội dung và giá trị của hai bộ tài liệu. Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI yêu cầu Ban Soạn thảo tiếp thu các ý kiến tại Tọa đàm để tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện tài liệu theo hướng: bổ sung kinh nghiệm kiểm toán DNNN theo 3 loại hình kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán hoạt động, kiểm toán tuân thủ để KTV tiếp cận dễ hơn; chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán với từng vấn đề được quan tâm; hướng dẫn KTV biết xác định căn cứ, cơ sở để áp dụng cho từng nội dung trong kiểm toán DN, từ đó đi sâu vào phương pháp, quy trình kiểm toán, cách thức phát hiện các sai phạm… Tài liệu Kinh nghiệm kiểm toán DNNN cần được xây dựng theo logic mục tiêu, nội dung kiểm toán - căn cứ, cơ sở pháp lý - kinh nghiệm kiểm toán - kết quả và bài học rút ra từ thực tiễn cuộc kiểm toán.

Đối với tiêu chí đánh giá DN, Tài liệu cần xây dựng tiêu chí cụ thể, phương pháp đánh giá và ý nghĩa của các phương pháp này; chia sẻ kinh nghiệm lựa chọn tiêu chí đánh giá cho từng nội dung kiểm toán, qua đó giúp KTV hiểu và áp dụng vào thực tiễn kiểm toán.

Các góp ý, định hướng trên sẽ là căn cứ để Ban Soạn thảo tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện trước khi gửi lấy ý kiến của các đơn vị và trình Tổng Kiểm toán Nhà nước phê duyệt, ban hành trong toàn Ngành./.

Tin và ảnh: THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Cần nêu bật mục tiêu, nội dung, cở sở pháp lý và kinh nghiệm kiểm toán doanh nghiệp