Cách mạng công nghiệp 4.0: Kiểm toán Nhà nước cần sẵn sàng trước những cơ hội và thách thức

(BKTO) - Sáng 15/11, tại Hà Nội, KTNN đã tổ chức buổi Tọa đàm khoa học “Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 và những thách thức đối với Kiểm toán viên nhà nước (KTVNN)”.



Tham dự buổi tọa đàm có Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Cao Tấn Khổng, Giám đốc đối ngoại ACCA Việt Nam Nguyễn Mai Chi cùng đông đảo KTVNN, đoàn viên, thanh niên các đơn vị trực thuộc KTNN.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu khai mạc Tọa đàm. Ảnh: HOÀNG LONG

Phát biểu khai mạc, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhận định, CMCN 4.0 là cuộc cách mạng về sản xuất thông minh, dựa trên việc sử dụng Internet kết nối vạn vật để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Cuộc cách mạng này tác động mạnh mẽ và toàn diện đến kinh tế, xã hội, môi trường trên toàn thế giới. Đồng thời, tác động đến tất cả các ngành, các lĩnh vực với tốc độ công nghệ đột phá chưa từng có trong lịch sử, thu hẹp khoảng cách giữa dịch vụ, công nghệ và nông nghiệp… Các tác động này mang tính tích cực trong dài hạn, song cũng tạo ra nhiều thách thức điều chỉnh trong ngắn hạn và trung hạn.

Nhằm nâng cao nhận thức về cuộc CMCN 4.0 và nhận diện những thách thức đối với KTNN nói chung và KTVNN nói riêng, tại buổi Tọa đàm này, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị các đại biểu tham gia ý kiến làm rõ ba nội dung chính: Đặc điểm, bản chất và đặc trưng của cuộc CMCN 4.0; phân tích, đánh giá cơ hội và thách thức với ngành kiểm toán nói chung và KTVNN nói riêng; chỉ ra giải pháp, trách nhiệm của KTNN và KTVNN trong thời kỳ CMCN 4.0.

Tại buổi Tọa đàm, các ý kiến, tham luận đều cho rằng: Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, việc tiếp cận thành tựu cách mạng sản xuất mới sẽ tạo ra công cụ đắc lực giúp Việt Nam tham gia hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những cải cách công nghệ mang tính đột phá có thể dẫn đến những điều kỳ diệu trong sản xuất và năng suất, tác động tích cực đến tăng trưởng dài hạn. Bên cạnh đó, cuộc CMCN 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức đối với nước ta, như: tụt hậu xa hơn, lao động chi phí thấp mất dần lợi thế, khoảng cách công nghệ và tri thức nới rộng dẫn đến phân hóa xã hội sâu sắc hơn. Vì vậy, chủ động nắm bắt cơ hội, vượt lên thách thức là trách nhiệm của mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi đơn vị.

Đối với riêng KTNN, cuộc CMCN lần này sẽ tạo ra không ít cơ hội cũng như khó khăn, thách thức. Về cơ hội, sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ giúp KTNN sử dụng nguồn lực của mình hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian, nhân lực, tiếp cận gần hơn với hệ thống kiểm toán quốc tế. Còn về thách thức, CMCN 4.0 đi kèm với sự phát triển mạnh mẽ của CNTT và trí tuệ nhân tạo, do đó, đối tượng của KTNN cũng trở nên “cao cấp” hơn. Điều này đòi hỏi KTNN và các KTVNN phải tự đổi mới, nâng cấp để đáp ứng được những yêu cầu mới trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Đông đảo các đoàn viên KTNN tham dự buổi Tọa đàm.
Ảnh: HOÀNG LONG

KTNN hiện nay chủ yếu kiểm toán trên hồ sơ, giấy tờ. Tuy nhiên, CMCN 4.0 sẽ làm cho hồ sơ, giấy tờ, tài liệu cứng không còn nữa, thay vào đó là các dữ liệu thông tin điện tử, vừa đa dạng vừa khó nắm bắt. Nếu không am hiểu, các KTVNN sẽ không thể thực hiện kiểm toán. Ngoài ra, công tác đào tạo của KTNN mới chỉ là truyền thụ kiến thức nền, cơ bản theo ngành nghề chuyên môn của từng KTV, chưa đào tạo chuyên sâu, đa ngành, nhất là đối với những kiến thức mang tính đặc thù công nghệ và trí tuệ nhân tạo. Trong khi đó, CMCN 4.0 đòi hỏi mỗi KTVNN phải chủ động nắm bắt được rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực CNTT. Đây thực sự là một thử thách lớn cho KTNN và các KTVNN.

Trước những cơ hội và thách thức đặt ra, các ý kiến tại buổi Tọa đàm đều thống nhất: KTNN cần ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động quản lý và nỗ lực đưa các thành tựu của CMCN 4.0 đi vào từng ngóc ngách của công việc. Đồng thời, cần liên tục tổ chức các khóa nâng cao trình độ để các KTVNN kịp nắm bắt và thích nghi với những ứng dụng CNTT, với phương tiện kiểm toán hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc. Ngoài ra, KTNN cũng cần đẩy mạnh kiểm toán đối với lĩnh vực CNTT, bởi đây chính là lĩnh vực kiểm toán có mối liên hệ mật thiết nhất với CMCN 4.0 - một cuộc cách mạng mang dấu ấn đặc trưng của thời đại mới.
         

   Thông tin cơ bản về Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4
   
   - Được tạo ra bởi những hệ thống thu thập dữ liệu với chi phí thấp hơn nhờ vào những linh kiện bán dẫn chủ động trong những mạch được tích hợp nhân đôi khả năng hai năm 1 lần (theo quy luật Moore).
   
   - Tối thiểu hóa quy mô các chuẩn giao tiếp truyền tín hiệu tạo điều kiện cho sự tương thích của phần cứng và tăng cường sự sẵn có của dữ liệu thông qua các thiết bị được kết nối với nhau.
   
   - Việc cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ thông minh được thúc đẩy thông qua mạng Internet tới khách hàng – mô hình sản xuất đại trà
   Các khách hàng và các tổ chức thay đổi mô hình liên tục dẫn đến nhiều người được hưởng lợi và nhiều người bị thua thiệt.
   
   - Phải có sự hợp tác với những chuyên gia đa dạng do kế toán viên kiểm toán viên không còn độc quyền sở hữu dữ liệu kế toán kiểm toán
   Những hệ thống kế toán theo thời gian thực? Kế toán tự động? Những tài khoản tùy chọn cho người sử dụng trên cơ sở các dữ liệu chung?   

   Theo ACCA
   

NGUYỄN LY
Cùng chuyên mục
Cách mạng công nghiệp 4.0: Kiểm toán Nhà nước cần sẵn sàng trước những cơ hội và thách thức