Cách mạng công nghệ 4.0: Thời cơ và thách thức với kế toán, kiểm toán

(BKTO) - CMCN 4.0 sẽ mang lại nhiều thuận lợi, song cũng đặt ra đối với ngành kế toán, kiểm toán không ít thách thức về lao động, tiềm lực tài chính, khả năng kiểm soát các dữ liệu...



Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo Cách mạng công nghệ (CMCN) 4.0 - Thời cơ và thách thức đối với kế toán, kiểm toán" do Cục Quản lý và Giám sát kế toán và kiểm toán (Bộ Tài chính) phối hợp với Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) tổ chức ngày 06/7.
                
   

Quang cảnh Hội thảo - Ảnh: Lê Hòa

   
Theo Chủ tịch Hiệp hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) Phạm Sỹ Danh, kết quả khảo sát của VACPA cho thấy, các DN kế toán và kiểm toán đều cho rằng CMCN 4.0 sẽ tác động lớn đến họ. Đây là cơ hội để các công ty kế toán, kiểm toán nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng thị trường sang các nước khác nhờ kết nối internet.

CMCN 4.0 còn tạo điều kiện cho việc khai thác dữ liệu và nâng cao độ tin cậy của việc lập báo cáo thông qua các hệ thống tự động kiểm toán, kế toán theo nhu cầu. Dự báo trong 3 - 10 năm tới, các phần mềm và hệ thống thông minh sẽ thay thế công việc thủ công, tự động hóa các quy trình phức tạp và đa diện, hỗ trợ các xu hướng dịch vụ thuê ngoài và tái sử dụng nội bộ một số dịch vụ khác.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát của VACPA cũng chỉ ra rằng, thách thức lớn nhất mà ngành kế toán, kiểm toán gặp phải là yêu cầu về lao động có trình độ công nghệ thông tin (CNTT); sự đầu tư tài chính lớn; việc kiểm soát các dữ liệu khó hơn trước, trong khi sự cạnh tranh làm giảm thị phần diễn ra ngày càng gay gắt.

Chia sẻ kinh nghiệm ứng phó tại các nước, Trưởng bộ phận nghiên cứu chuyên môn thuộc ACCA toàn cầu Narayanan Vaidyanathan cho biết, việc sử dụng dữ liệu đám mây trong kế toán tương đối phát triển ở các nước do khả năng tiếp cận thông tin từ bất kỳ nơi nào. Điện toán đám mây cho phép DN thực hiện mở rộng quy mô dịch vụ mà không cần lo lắng hệ thống CNTT có theo kịp hay không, thậm chí có thể hoàn toàn yên tâm với mô hình đăng ký trả phí hằng tháng rẻ hơn. Muốn vậy, DN cần phải sử dụng các nhà cung cấp dữ liệu đám mây có uy tín để tránh những vấn đề về công nghệ.

Để chủ động chuẩn bị tranh thủ tối đa các lợi thế cũng như hạn chế tác động của cuộc CMCN 4.0, Chủ tịch Hội kế toán và kiểm toán Việt Nam Đặng Văn Thanh cho rằng, ngành kế toán, kiểm toán cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền và phổ biến kiến thức về tài chính, kế toán trong nền kinh tế thị trường, hội nhập, mở cửa và trong bối cảnh khởi phát của cuộc CMCN 4.0; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực tài chính - ngân hàng, trong đó chú trọng công tác nguồn nhân lực công nghệ cao, tăng khả năng ứng dụng CNTT; đồng thời, cần nhận dạng và đánh giá đầy đủ các rủi ro thông tin, dữ liệu kế toán khi kết nối internet.
                
   

Chuyên gia tham luận tại Hội thảo - Ảnh: Lê Hòa

   
Bổ sung thêm, ông Phạm Sỹ Danh cho rằng, các trường đại học đào tạo chuyên ngành kế toán, kiểm toán cần xây dựng chương trình theo hướng có các ứng dụng và đào tạo chuyên sâu về CNTT; đối với các sinh viên mới ra trường làm ở các DN hay công ty dịch vụ kế toán, kiểm toán, tài chính, các hội nghề nghiệp có thể hỗ trợ công tác giáo dục đào tạo về CMCN 4.0 bằng việc tạo ra áp lực để các cơ sở đào tạo, trường đại học bổ sung vào chương trình giúp những sinh viên sắp tốt nghiệp có những kết nối thông tin và kỹ năng về kỹ thuật số. Đồng thời, các trường đại học cần đầu tư công nghệ để sinh viên thực hành nhằm có kinh nghiệm thực tế trong bối cảnh CMCN 4.0.

Ngoài ra, Kế toán trưởng của IBM Việt Nam Nguyễn Thị Thủy cho rằng, các công ty kiểm toán và KTV nên trang bị các cơ sở dữ liệu và kỹ năng CNTT bằng việc thực hiện các dự án chuyên biệt (tự động quy trình làm việc, số hóa, quản lý tài liệu, phòng chống gian lận…) tại nơi làm việc, hoàn tất việc tự huấn luyện hoặc tham dự các khóa đào tạo; đồng thời có nền tảng vững chắc trong quản lý dữ liệu và mức độ thuần thục trong việc sử dụng các công nghệ mới. Mặt khác, người làm công việc tài chính, kế toán, kiểm toán cần trang bị các kỹ năng: giải quyết vấn đề phức tạp, tư duy phản biện, khả năng sáng tạo, linh hoạt trong tư duy.
         
Trao đổi với phóng viên Báo kiểm toán, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MISA Lê Hồng Quang cho biết, là DN tiên phong ứng dụng công nghệ 4.0 vào các sản phẩm để cung cấp cho các DN giải pháp quản trị tài chính kế toán, kiểm toán thông minh, phần mềm MISA tích hợp dịch vụ hoá đơn điện tử, kết nối ngân hàng điện tử, kê khai thuế qua mạng... Đưa những công nghệ mới như AI và Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) vào sản phẩm, MISA sẵn sàng cùng với ngành tài chính, kế toán, kiểm toán Việt Nam ứng dụng thành tựu của cuộc CMCN 4.0 để công việc trở nên thông minh, nhanh và hiệu quả hơn.

LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
Cách mạng công nghệ 4.0: Thời cơ và thách thức với kế toán, kiểm toán