Bước đi kịp thời của Kiểm toán Nhà nước trong Cách mạng công nghiệp 4.0

(BKTO) - Trong những năm gần đây, sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin (CNTT) đã tạo ra một cuộc cách mạng làm thay đổi cơ bản từ cách thức làm việc, mô hình kinh doanh, quản lý cũng như đời sống, tập quán sinh hoạt của mỗi cá nhân… Ngành nghề kế toán, kiểm toán nói chung và cơ quan KTNN nói riêng cũng không nằm ngoài cuộc cách mạng mang tính toàn cầu này. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu, nhưng chắc chắn trong tương lai không xa, nó sẽ tạo nên những bước ngoặt lớn đối với KTNN và những người làm nghề kiểm toán.



CMCN 4.0 - nhiều cơ hộivà nhiều thách thức

Thực tế cho thấy, CMCN 4.0 đã và đang tác động trực tiếp đến tất cả các ngành, nghề trong xã hội. Đối với riêng ngành nghề kế toán - kiểm toán, CMCN 4.0 sẽ mang lại cho các kiểm toán viên (KTV) và cơ quan KTNN có điều kiện làm việc thuận lợi hơn. Đó là:

Thông qua việc sử dụng các trang thiết bị, các chương trình, công nghệ số hiện đại, KTV có thể thu thập các thông tin mà trước đây họ khó thu thập được;

Có thể chiết xuất dữ liệu từ những kho dữ liệu khổng lồ, phục vụ cho tất cả các loại quyết định, các cấp lãnh đạo, tất cả các loại trạm kiểm soát thông tin ra quyết định và tất cả những người có lợi ích liên quan;

Nâng cao chất lượng dữ liệu thông qua các lịch trình tốt hơn, tính chính xác cao hơn và nhiều chi tiết hơn để cải thiện hiệu quả, sự đảm bảo về mặt dữ liệu;

Cải thiện việc truyền tải dữ liệu cho việc hoạch định và quản lý, cụ thể như trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị và giữa các quốc gia;
Nâng cao độ tin cậy và hợp lý của việc báo cáo thông qua việc tự kiểm soát hoặc các hệ thống tự kiểm…

CMCN 4.0 mang đến cho các KTV nhiều cơ hội, nhưng đồng thời cũng sẽ tạo ra không ít những thách thức từ phía khách quan và chủ quan:
Về khách quan, hiện nay, hệ thống CNTT đã được ứng dụng sâu, rộng vào hầu hết các hoạt động nghiệp vụ tài chính, trở thành mạch máu không thể thiếu trong quản lý điều hành NSNN; quản lý thu - chi NSNN; thanh toán điện tử và quản lý trái phiếu chính phủ; triển khai thuế điện tử, hải quan điện tử, cơ chế một cửa; quản lý nợ công, giá, quản lý tài sản công…

Đây là điều kiện thuận lợi cho KTV có thể khai thác nguồn dữ liệu, thông tin một cách nhanh chóng và chính xác, có thể thâm nhập sâu vào các chốt kiểm soát của các đơn vị được kiểm toán để xác định trọng tâm và trọng yếu kiểm toán một cách phù hợp với nội dung kiểm toán. Tuy nhiên, quá trình này cũng sẽ cho thấy trình độ ứng dụng CNTT của các đơn vị bên ngoài ngày càng nâng cao, đòi hỏi KTNN phải chuẩn bị cơ sở hạ tầng CNTT tốt hơn nữa để theo kịp sự phát triển của xã hội. Các KTV, cán bộ, công chức và người lao động của KTNN cũng phải kịp thời nâng cao trình độ ứng dụng CNTT để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu trong công việc.

Về phía nội tại của KTNN, thực tế cho thấy: kiến thức, hiểu biết, trình độ ứng dụng CNTT của các KTV, cán bộ, công chức và người lao động vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đồng đều. Chất lượng hạ tầng CNTT trên toàn ngành nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra đối với một cơ quan kiểm toán tối cao trong thời đại mới. Việc áp dụng CNTT phục vụ công tác thường xuyên của KTNN mặc dù đã có nhiều tiến bộ song vẫn còn tương đối hạn chế và chưa đi vào chiều sâu, chưa phục vụ được những hoạt động tác nghiệp kiểm toán cụ thể có tính phức tạp và đặc thù chuyên môn cao.

Ngoài ra, thách thức liên quan đến rủi ro mất thông tin, dữ liệu thông qua việc kết nối internet cũng là một vấn đề quan trọng mà KTNN cần quan tâm. Thông tin, kết quả kiểm toán có thể bị rò rỉ từ việc gửi thư điện tử tới đơn vị được kiểm toán hoặc các tổ chức, cá nhân bên ngoài, trao đổi qua mạng dùng chung của KTNN. Các phần tử xấu có thể lợi dụng các thông tin, kết quả kiểm toán chưa chính thức để thực hiện các mục đích phá hoại, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của KTNN.

Kịp thời bước vào hành trình CMCN 4.0

Nhận thức rõ sức mạnh và tầm ảnh hưởng của CMCN 4.0 đến tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực kinh tế - xã hội, KTNN đã xác định và đặt mục tiêu phát triển CNTT như một bước đi quan trọng để đón nhận những cơ hội và thách thức mà cuộc cách mạng mới đem đến.

Với mục tiêu như trên, từ năm 2011, KTNN đã bước đầu ứng dụng CNTT vào các hoạt động của ngành cũng như thực hiện một số cuộc kiểm toán. Gần đây nhất, tháng 10/2017, KTNN đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về Quy trình tạo lập, lưu trữ và khai thác hồ sơ kiểm toán điện tử. Lãnh đạo KTNN kỳ vọng, việc xây dựng quy trình tạo lập, lưu trữ và khai thác hồ sơ kiểm toán điện tử không chỉ lưu trữ các văn bản trên giao diện điện tử, mà còn tạo ra giá trị gia tăng trong hoạt động kiểm toán.

Trên cơ sở Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt, KTNN đã xây dựng và ban hành Đề án Tổng thể phát triển CNTT của KTNN giai đoạn 2015-2020 với mục tiêu “Tăng cường ứng dụng CNTT vào các hoạt động của KTNN nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của KTNN, từng bước hiện đại hóa cơ quan KTNN; đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với các nguyên tắc, thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam”.

Đề án đã xác định ba mục tiêu cụ thể cần đạt được trong thời gian tới, đó là: Về ứng dụng: đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào các hoạt động kiểm toán, tăng cường áp dụng các phương pháp và CNTT hiện đại để tăng dần số lượng các cuộc kiểm toán tại trụ sở KTNN, giảm dần thời gian kiểm toán tại đơn vị nhằm giảm chi phí; đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác chỉ đạo điều hành và quản lý các hoạt động của KTNN. Đến năm 2020, phấn đấu đạt 100% văn bản, tài liệu nội bộ được lưu trữ, trên 90% văn bản, tài liệu chính thức được trao đổi dưới dạng điện tử.

Về hạ tầng: xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đảm bảo cho các hoạt động ứng dụng CNTT của KTNN trong phạm vi toàn ngành, đảm bảo phương tiện thông tin và truyền thông phục vụ các hoạt động kiểm toán, chỉ đạo điều hành và quản lý nội bộ hoạt động một cách ổn định, an toàn, bảo mật và hiệu quả trên môi trường mạng. Xây dựng Trung tâm dữ liệu tập trung với công nghệ tiên tiến, phù hợp, đáp ứng việc triển khai các ứng dụng CNTT đến năm 2020; xây dựng hệ thống mạng nội bộ đảm bảo yêu cầu hoạt động của các đơn vị trực thuộc cùng mạng diện rộng kết nối toàn ngành, đảm bảo đường truyền tốc độ cao…

Về nhân lực: phát triển nguồn nhân lực CNTT đủ số lượng, chất lượng, đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng hệ thống CNTT và công tác kiểm toán CNTT. Nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ công chức chuyên trách CNTT đảm bảo đủ khả năng quản lý, vận hành và phát triển hệ thống CNTT của KTNN. Nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT vào công việc của công chức, từng bước nâng cao năng lực của KTV để có thể thực hiện kiểm toán trong môi trường CNTT. 100% công chức tham gia sử dụng phần mềm được đào tạo, hướng dẫn về tác nghiệp, quản trị, vận hành phần mềm theo các nghiệp vụ chuyên môn phụ trách...

Ngoài ra, quản lý an ninh mạng cũng là một vấn đề được KTNN chú trọng. CMCN 4.0 đã đẩy cao mức độ chia sẻ thông tin, từ đó tạo ra một nhu cầu rất lớn về an ninh mạng. Theo đó, KTNN đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng trung tâm Dự phòng dữ liệu; nâng cấp hệ thống an ninh, bảo mật ở mức cao, đảm bảo việc mở rộng phạm vi hoạt động được ổn định, an toàn, mang lại hiệu quả lâu dài.

BẮC SƠN
Theo Đặc san Kiểm toán số 68 ra tháng 02/2018
Cùng chuyên mục
Bước đi kịp thời của Kiểm toán Nhà nước trong Cách mạng công nghiệp 4.0