Bổ sung thẩm quyền ký thông tư liên tịch sẽ phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng

(BKTO) - Sáng 29/3, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp Hội đồng thẩm định Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.



Để tạo điều kiện cho KTNN thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của KTNN trong phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật, Ban Soạn thảo đã bổ sung thẩm quyền ký thông tư liên tịch của Tổng Kiểm toán Nhà nước tại khoản 8, Điều 4 và Điều 25. Cụ thể như sau:

Điều 4. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

“8. Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước; quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước”.

“Điều 25. Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành thông tư liên tịch để quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan này trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tố tụng”.

Việc bổ sung quy định thẩm quyền ký thông tư liên tịch của Tổng Kiểm toán Nhà nước không làm tăng thêm hình thức văn bản quy phạm pháp luật và dựa trên các cơ sở sau đây:

Thứ nhất, vị trí, vai trò của KTNN

Theo quy định tại khoản 1, Điều 118 Hiến pháp năm 2013: “KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”, với quy định trên, KTNN từ cơ quan “luật định” trở thành cơ quan “Hiến định”; nguyên tắc hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trở thành nguyên tắc Hiến định. Với vị thế là cơ quan Hiến định hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, KTNN có vai trò, trách nhiệm lớn trong phòng, chống tham nhũng. Điều này đã được quy định rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể:

Khoản 5, Điều 5 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Cơ quan thanh tra, KTNN có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc phát hiện và xử lý tội phạm. Khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển ngay các tài liệu, đồ vật có liên quan và kiến nghị cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát xem xét, khởi tố vụ án hình sự”.

Khoản 12, Điều 10 Luật KTNN quy định về trách nhiệm của KTNN: “Chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân xem xét và cơ quan khác của Nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý những vụ việc có dấu hiệu của tội phạm, vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán”; Điều 65 quy định trách nhiệm của cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân: “Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân xem xét có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết theo thẩm quyền các vụ việc có dấu hiệu của tội phạm, do KTNN phát hiện và kiến nghị”.

- Các điều 60, 61, 62, 63, 64, 87 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và đặc biệt, Điều 88 quy định về trách nhiệm phối hợp của cơ quan thanh tra, KTNN, cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và cơ quan, tổ chức, đơn vị khác như sau:

“1. Cơ quan thanh tra, KTNN, cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

a) Phối hợp với nhau và phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng;
b) Phối hợp trong việc tổng hợp, đánh giá, dự báo tình hình tham nhũng; kiến nghị chính sách, pháp luật, giải pháp phòng, chống tham nhũng.
2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị khác, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tạo điều kiện, phối hợp với cơ quan thanh tra, KTNN, cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng”.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phối hợp giữa KTNN và các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng, việc phối hợp cần được quy định dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật là thông tư liên tịch.

Thứ hai, khắc phục hạn chế trong việc tạo lập cơ sở pháp lý phối hợp giữa KTNN với các cơ quan chức năng

Trên thực tế, để thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đã chủ trì phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, KTNN, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 2462/2007/TTLT-TTCP-VKSNDTC-TANDTC-KTNN-BQP-BCA-BTC, ngày 19/11/2007 quy định việc trao đổi, quản lý và sử dụng thông tin, dữ liệu về phòng, chống tham nhũng. Thông tư liên tịch này đã phát huy tác dụng tích cực và mang lại hiệu quả thiết thực.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, Tổng Kiểm toán Nhà nước không có thẩm quyền ký thông tư liên tịch; do vậy, việc phối hợp giữa KTNN với các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn, đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và vai trò, trách nhiệm của KTNN trong phòng, chống tham nhũng nói riêng.

Ngoài việc bổ sung thẩm quyền ký thông tư liên tịch của Tổng Kiểm toán Nhà nước, Dự thảo Luật còn bổ sung chủ thể có thẩm quyền quyết định xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn, trong đó có KTNN. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Điều 147) thì có 5 chủ thể là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mới có quyền quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, thực tiễn xây dựng pháp luật cho thấy đã có sự thiếu nhất quán giữa Điều 146 và Điều 147 của Luật năm 2015 (Điều 146 quy định các trường hợp được ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn, nhưng Điều 147 lại không quy định Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền quyết định áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn khi ban hành thông tư thuộc các trường hợp quy định tại Điều 146).

Do vậy, để bảo đảm sự thống nhất giữa các quy định của Luật năm 2015, đồng thời giúp các cơ quan, Bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Dự thảo Luật đã bổ sung thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước trong việc quyết định ban hành thông tư, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn.
TS. ĐẶNG VĂN HẢI
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế KTNN
Cùng chuyên mục
Bổ sung thẩm quyền ký thông tư liên tịch sẽ phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng