ASOSAI: Tích cực hợp tác với các tổ chức kiểm toán tối cao khu vực và quốc tế

(BKTO) - Được thành lập vào năm 1979, trải qua gần 40 năm xây dựng và phát triển, Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) vẫn luôn giữ vững mục tiêu thúc đẩy lĩnh vực kiểm toán công ngày càng minh bạch, tiến bộ. Để có được những thành công đó, ASOSAI đã không ngừng tăng cường mối quan hệ hợp tác với các tổ chức kiểm toán tối cao khác.



Cùng EUROSAI duy trì tổ chức hội nghị chung

ASOSAI đã đẩy mạnh các hoạt động hợp tác với Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Âu (EUROSAI) thông qua hình thức trao đổi các chuyến thăm và làm việc cấp cao kết hợp với tổ chức hội nghị chung thường kỳ. Tại các hội nghị này, Chủ tịch và Ban Điều hành của 2 tổ chức sẽ họp mặt nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các chủ đề chuyên môn, thảo luận về phương hướng hợp tác phát triển.

Hội nghị chung lần thứ nhất giữa ASOSAI và EUROSAI với chủ đề “Những thách thức của việc đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý tài chính công” diễn ra vào tháng 9/2011 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tại đây, Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa 2 bên đã được ký kết. Hội nghị chung lần thứ hai có chủ đề “Những bài học từ kinh nghiệm áp dụng ISSAI và dự kiến trong tương lai” diễn ra vào tháng 9/2014, tại Liên bang Nga.

ASOSAI và EUROSAI tổ chức Hội nghị chung lần thứ nhất

Tại cuộc họp Ban Điều hành EUROSAI lần thứ 44 diễn ra vào tháng 6/2016, Ban Điều hành của Tổ chức đã thảo luận về việc đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác ASOSAI - EUROSAI, đồng thời, đưa ra nhiều ý tưởng để tăng cường mối quan hệ này.

Từ những năm đầu tiên tổ chức Hội nghị chung, Ban Thư ký EUROSAI đã thường xuyên đề xuất mở rộng thành viên tham dự Hội nghị, cho phép tất cả các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) thành viên của 2 tổ chức tham dự thay vì chỉ gồm các SAI thành viên Ban Điều hành.

Tháng 7/2016, Tổng Thư ký EUROSAI tiếp tục đưa ra đề xuất: mở rộng phạm vi tham gia đến tất cả các SAI thành viên để thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm; tổ chức các sự kiện dựa trên nhu cầu thực tế thay vì ấn định một giai đoạn; hợp tác liên khu vực nên là những hoạt động thảo luận mang tính tương tác, đối thoại có sự tham gia của 2 bên; cần sử dụng hiệu quả các kết quả hợp tác, lập kế hoạch trước về những sự kiện hợp tác, trong đó đưa ra được những kết quả cụ thể thay vì chỉ đưa ra những tuyên bố chung.

Bốn SAI thành viên Ban Điều hành ASOSAI gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam đã có ý kiến phản hồi đối với các đề xuất của EUROSAI. Trong đó, các ý kiến có nhiều quan điểm đồng nhất là Hội nghị chung cần được duy trì. Đồng thời, họ cũng tin tưởng rằng, Hội nghị này sẽ có lợi hơn nếu mở rộng đối tượng tham dự cho các kiểm toán viên.

Hợp tác với AFROSAItrong lĩnh vực kiểm toán công

Tại Đại hội ASOSAI 13 được tổ chức ở Malaysia năm 2015, đại diện Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Phi (AFROSAI) thể hiện mong muốn thiết lập quan hệ hợp tác với ASOSAI và hy vọng 2 tổ chức sẽ ký Biên bản ghi nhớ nhằm chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức trong việc triển khai các cuộc kiểm toán công.

ASOSAI và AFROSAI ký Biên bản ghi nhớ năm 2017

Được sự đồng thuận của Ban Điều hành ASOSAI, Ban Thư ký đã sớm thảo luận với bộ phận đương nhiệm của AFROSAI. Vào tháng 9/2016, ASOSAI và AFROSAI đã trao đổi về nội dung của Biên bản ghi nhớ và cùng vạch ra bản Dự thảo. Ban Thư ký ASOSAI đã đệ trình các thành viên Ban Điều hành để phê duyệt Dự thảo vào tháng 11. Mười SAI thành viên đã thống nhất và đồng ý ký Biên bản ghi nhớ tại Đại hội Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) lần thứ 22 (INCOSAI 22) được tổ chức vào tháng 12/2016, tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.

Bên lề Đại hội INCOSAI 22, 2 tổ chức đã chính thức ký Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác liên khu vực trong lĩnh vực kiểm toán công. Đầu năm 2017, Biên bản ghi nhớ đã được gửi cho ASOSAI. Diễn đàn Hợp tác liên khu vực ASOSAI - AFROSAI hứa hẹn sẽ mang lại nhiều thuận lợi trong việc nâng cao năng lực cho 2 tổ chức, đồng thời giúp 2 tổ chức tăng cường hợp tác, ủng hộ lẫn nhau trong khuôn khổ INTOSAI cũng như tại các diễn đàn đa phương khác.

Tham gia tích cực các hoạt động chuyên môn của INTOSAI

ASOSAI là 1 trong 7 tổ chức khu vực của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI). INTOSAI công nhận ASOSAI là cơ quan độc lập có liên quan, được thành lập nhằm mục đích tăng cường hợp tác chuyên môn và kỹ thuật của các SAI thành viên trong khu vực châu Á. Các chiến lược hoạt động của ASOSAI được xây dựng dựa trên những mục tiêu và ưu tiên chung của INTOSAI. Để được ASOSAI công nhận là thành viên, SAI cần phải là thành viên của INTOSAI. Các SAI đã gia nhập ASOSAI nhưng đang chờ INTOSAI phê duyệt việc gia nhập chỉ là thành viên dự khuyết và không có quyền bầu cử.

Để đảm bảo tính kết nối giữa 2 tổ chức, Chủ tịch hoặc đại diện ASOSAI được mời tham dự Đại hội INTOSAI định kỳ 3 năm/lần và trình bày báo cáo về tình hình hoạt động của ASOSAI trong thời gian 3 năm kể từ kỳ Đại hội trước. Tương tự, Tổng Thư ký hoặc đại diện ASOSAI được mời tham dự cuộc họp thường xuyên của Ban Điều hành INTOSAI và trình bày báo cáo về tình hình hoạt động của ASOSAI trong thời gian sau khi diễn ra cuộc họp Ban Điều hành lần trước tới cuộc họp Ban Điều hành hiện tại.

Các thành viên trong khu vực ASOSAI cũng tham gia tích cực và đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng trong hoạt động điều hành cũng như chuyên môn của INTOSAI. Nhiều SAI đã đảm nhiệm vị trí Chủ tịch INTOSAI như: Nhật Bản, Philippines, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất; nhiều Nhóm làm việc của INTOSAI do thành viên của ASOSAI phụ trách như: SAI Indonesia làm Chủ tịch Nhóm Kiểm toán Môi trường, SAI Ấn Độ làm Chủ tịch Nhóm Kiểm toán Công nghệ thông tin, SAI Trung Quốc làm Chủ tịch Nhóm Dữ liệu lớn, SAI Phillipies làm Chủ tịch Nhóm Kiểm toán Nợ công.

Bắt tay với các đối tác phát triển để tăng cường năng lực hoạt động

Từ khi thành lập đến nay, ASOSAI đã hợp tác thành công với một số đối tác phát triển quốc tế như: Tổ chức Sáng kiến phát triển INTOSAI (IDI), Ngân hàng Phát triển châu Á, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản và Ngân hàng Thế giới. Trong đó, hoạt động hợp tác mang lại nhiều kết quả đáng kể, góp phần tăng cường năng lực cho các SAI thành viên ASOSAI là Chương trình hợp tác ASOSAI - IDI. Chương trình này được triển khai từ năm 2004 với mục đích tăng cường năng lực tổ chức cho các SAI.

Theo đó, nhiều hoạt động, chương trình được IDI và ASOSAI phối hợp thực hiện thu hút sự tham gia tích cực của các SAI thành viên, nổi bật như: Chương trình Đảm bảo chất lượng kiểm toán, phát hành Sổ tay hướng dẫn về đảm bảo chất lượng kiểm toán, Chương trình Xây dựng và thực hiện Kế hoạch chiến lược, Hội thảo về sáng kiến thực hiện ISSAI (chuẩn mực kiểm toán quốc tế)…

Trong giai đoạn 2016-2018, Chương trình Hợp tác ASOSAI - IDI đã tiếp tục định hướng tập trung đẩy mạnh phương pháp đào tạo kết hợp giữa khóa học trực tuyến và tổ chức hội thảo trực tiếp, đặc biệt về 8 chương trình tăng cường năng lực cho các SAI thành viên ASOSAI.
         
Trong khuôn khổ hoạt động tăng cường năng lực, từ năm 2007 đến nay, tại một số quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, ASOAI - IDI đã hợp tác về Chương trình Đảm bảo chất lượng của IDI - ASOSAI, Chương trình Hợp tác kiểm toán 3i của IDI - ASOSAI về chủ đề Quản lý thiên tai (2015-2016); tổ chức các cuộc họp: Lập Kế hoạch chiến lược về đảm bảo chất lượng trong kiểm toán hoạt động, Thiết kế chương trình của các giảng viên về đảm bảo chất lượng trong kiểm toán hoạt động, Đánh giá về đảm bảo chất lượng trong kiểm toán hoạt động, Lập Kế hoạch chiến lược về xây dựng và thực hiện Kế hoạch chiến lược, Thiết kế chương trình của các giảng viên về xây dựng và thực hiện Kế hoạch chiến lược, Đánh giá nhu cầu của SAI, Đánh giá Kế hoạch chiến lược; tổ chức Hội thảo: Đánh giá nhu cầu của SAI về xây dựng và thực hiện Kế hoạch chiến lược, Lập Kế hoạch chiến lược về xây dựng và thực hiện Kế hoạch chiến lược, Lập Kế hoạch hành động về xây dựng và thực hiện Kế hoạch chiến lược, Quản lý 3i của IDI - ASOSAI; Sổ tay Đảm bảo chất lượng 2012 và Kế hoạch chiến lược 2013-2015.

THANH XUYÊN
Theo Báo Kiểm toán số Đặc biệt ra ngày 13-9-2018
Cùng chuyên mục
  • ASOSAI và những đóng góp  với nền kinh tế châu Á
    5 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Nền kinh tế châu Á đang trên đà phát triển và có những đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng chung của toàn cầu. Với tiềm năng phát triển lớn mạnh, châu Á được nhận định sẽ vẫn là “đầu tàu” của nền kinh tế thế giới. Đóng góp thiết thực cho sự phát triển của nền kinh tế châu Á không thể không nói đến vai trò của các tổ chức cũng như các cơ chế hợp tác hàng đầu khu vực, trong đó có Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI).
  • Dấu ấn của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam qua các kỳ Đại hội ASOSAI
    5 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Đại hội Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) được tổ chức 3 năm 1 lần, là nơi họp mặt của những người đứng đầu các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) thành viên. Hơn 20 năm là thành viên chính thức của ASOSAI, KTNN Việt Nam đều tham gia và có những đóng góp tích cực vào các kỳ Đại hội ASOSAI và các kỳ hội nghị chuyên đề trong khuôn khổ của Đại hội.
  • Kiểm toán Nhà nước Việt Nam:  Đóng góp tích cực cho sự phát triển của cộng đồng ASOSAI
    5 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Sau hơn 20 năm gia nhập Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI), KTNN Việt Nam đã và đang nỗ lực xây dựng hình ảnh, uy tín, hướng tới trở thành cơ quan kiểm toán tối cao chuyên nghiệp trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Đồng thời, KTNN ngày càng củng cố vị thế và vai trò của mình bằng việc tích cực đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng ASOSAI.
  • Hội nhập quốc tế - Thực trạng và yêu cầu đặt ra đối với các lĩnh vực kiểm toán mới
    5 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Quá trình hội nhập và phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và các vấn đề về môi trường toàn cầu đang đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi mỗi quốc gia cần có sự chủ động để tiếp nhận và thích ứng. Với nhận thức trên, KTNN Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, trong đó, giải pháp then chốt là phát triển các loại hình kiểm toán mới như: kiểm toán công nghệ thông tin (CNTT), kiểm toán môi trường (KTMT) và kiểm toán hoạt động (KTHĐ) nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
  • Hoạt động đối ngoại - Lĩnh vực quan trọng trong quá trình phát triển của KTNN
    5 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Đảng và Nhà nước luôn nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động, tích cực hội nhập để Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Nhằm góp phần thực hiện thành công đường lối đối ngoại của Đảng và Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, trong những năm qua, KTNN đã kiên trì theo đuổi mục tiêu đa dạng hóa, đa phương hóa hoạt động đối ngoại, từng bước khẳng định vị thế, uy tín và trách nhiệm trong quá trình thiết lập quan hệ hợp tác với hầu hết các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) có bề dày lịch sử và kinh nghiệm, các tổ chức nghề nghiệp quốc tế uy tín...
ASOSAI: Tích cực hợp tác với các tổ chức kiểm toán tối cao khu vực và quốc tế