AQIs - Thước đo hiệu quả kiểm toán báo cáo tài chính

(BKTO) - Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, Bộ chỉ số chất lượng kiểm toán (AQIs) là một trong những công cụ quan trọng để đo lường, đánh giá hiệu quả hoạt động kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) của DN. Đặc biệt, tại Việt Nam, khi tính minh bạch thông tin trên BCTC của không ít DN niêm yết vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn thì việc nghiên cứu, xây dựng AQIs phù hợp với thông lệ quốc tế là yêu cầu cấp thiết.




Cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng AQIs cho phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện trong nước. Ảnh tư liệu

Xây dựng AQIs là xu hướngphổ biến trên thế giới

Kiểm toán BCTC đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo độ tin cậy thông tin trên BCTC của DN, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới trải qua nhiều khó khăn, biến động. Thực tế cho thấy không ít vụ bê bối của các DN, tập đoàn lớn đều liên quan đến vấn đề tài chính. Điều này khiến công chúng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của kiểm toán viên (KTV), tổ chức kiểm toán trong việc đánh giá tính trung thực và hợp lý đối với BCTC của các DN, tập đoàn này. Chính vì vậy, các tổ chức quốc tế cũng như nhiều nước trên thế giới đã quan tâm tới việc xây dựng các tiêu chí, chỉ số làm cơ sở để định nghĩa và đo lường chất lượng kiểm toán BCTC, trong đó có việc xây dựng và ban hành AQIs.

Tổ chức quốc tế của Ủy ban Chứng khoán (IOSCO) đã trình bày AQIs lần đầu tiên trong báo cáo của mình vào năm 2009. Tháng 11/2015, IOSCO đã phát hành báo cáo, trong đó đưa ra hướng dẫn về các chỉ số chất lượng kiểm toán mà tổ chức kiểm toán có thể trình bày trên báo cáo minh bạch và nhấn mạnh việc này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư cũng như các công ty niêm yết.

Hiện nay, AQIs của mỗi quốc gia có nhiều điểm khác nhau. Cụ thể, một số nước quy định Bộ chỉ số mang tính bắt buộc áp dụng, còn một số khác lại quy định mang tính hướng dẫn; một số nước quy định AQIs có tới 37 chỉ số (Hà Lan), 28 chỉ số (Hoa Kỳ), nhưng cũng có nước chỉ đưa ra 8 chỉ số (Singapore)… Tuy nhiên, về cơ bản, AQIs thường bao gồm một số chỉ số ở cấp độ tổ chức kiểm toán (được công khai để các bên liên quan có thể tiếp cận), chỉ số ở cấp độ hợp đồng dịch vụ (thường được cung cấp cho ban kiểm soát của khách hàng thông qua hồ sơ dự thầu) và chỉ số thể hiện cả hai cấp độ trên. AQIs cũng bao gồm các chỉ số định lượng (số giờ đào tạo trung bình cho KTV, số giờ tham dự cuộc kiểm toán của nhân sự cấp cao…) và các chỉ số định tính (kết quả của cuộc kiểm tra nội bộ và bên ngoài, tuân thủ các yêu cầu về tính độc lập); trong đó tối đa các chỉ số có thể lượng hóa được để giúp khách hàng dễ dàng so sánh.

Nhận thức được sự cần thiết và lợi ích của AQIs, nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành AQIs. Tuy nhiên, các quốc gia có sự khác nhau trong tiến độ xây dựng và ban hành Bộ chỉ số này. Cụ thể như: Hà Lan có 37 chỉ số ban hành lần đầu tiên năm 2014; Thụy Sỹ tập hợp thông tin và triển khai từ năm 2012; Anh xây dựng khuôn khổ chất lượng kiểm toán từ năm 2008 và 6 hãng kiểm toán lớn nhất ở đây (PwC, Deloitte, KPMG, EY, BDO, GT) đã đồng ý trình bày các thông tin về AQIs trên báo cáo minh bạch của họ; Canada xây dựng AQIs từ năm 2014 và đến 2018 công bố báo cáo hướng dẫn AQIs…

Nghiên cứu xây dựng vàáp dụng AQIs theo lộ trìnhthích hợp

Theo ThS. Lê Thị Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), kinh nghiệm quốc tế cho thấy, ban đầu AQIs thường áp dụng đối với các tổ chức kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho các đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán. Vì vậy, các tổ chức niêm yết có thể yêu cầu các DN kiểm toán cung cấp bộ chỉ số trong quá trình đấu thầu hoặc thực hiện kiểm toán. Sau đó, thông qua việc tuyên truyền, phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức nghề nghiệp và sự lan tỏa của AQIs, dần dần các đơn vị có lợi ích công chúng khác sẽ yêu cầu DN kiểm toán còn lại cũng phải lập AQIs để họ có thể lựa chọn, giám sát.

Xuất phát từ vai trò quan trọng của các đơn vị có lợi ích công chúng cũng như để đảm bảo chất lượng BCTC và hoạt động kiểm toán, Việt Nam cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng AQIs cho phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện trong nước trên cơ sở tham khảo hướng dẫn của Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC) và các nước phát triển. Từ đó, các DN kiểm toán sẽ phải tuân thủ việc giám sát công khai, nỗ lực phát triển quy mô hoạt động, số lượng KTV và quan trọng nhất là nâng cao chất lượng kiểm toán.

Cơ quan quản lý nhà nước cần tổ chức hệ thống giám sát công khai, hiệu quả đối với các DN kiểm toán và KTV theo luật định, đồng thời duy trì hoạt động thanh tra, phát hiện và xử lý kịp thời nhằm ngăn chặn các sai phạm trong hoạt động kiểm toán. Để xây dựng AQIs, Việt Nam cần sớm xác định cơ quan quản lý nào chịu trách nhiệm nghiên cứu (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hay Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán) và giai đoạn đầu chỉ nên quy định mang tính hướng dẫn cho DN kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho các đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán tự nguyện áp dụng. Sau đó, Bộ Tài chính cần tổng kết, đánh giá và quy định bắt buộc theo lộ trình thích hợp nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán, đảm bảo thông tin BCTC trung thực, đáng tin cậy.
         
Đến nay, đã có 9 tổ chức trên thế giới ban hành hoặc đề xuất ban hành AQIs. Các chỉ số chất lượng kiểm toán phổ biến trong AQIs của 9 tổ chức gồm: số giờ đào tạo trung bình tính cho nhân sự kiểm toán, kết quả soát xét nội bộ chất lượng hợp đồng dịch vụ, số lượng nhân viên kiểm toán trong một cuộc, số năm kinh nghiệm của nhân sự kiểm toán, kết quả các cuộc kiểm tra do cơ quan bên ngoài thực hiện, khối lượng công việc của KTV, kinh nghiệm của nhân sự kiểm toán, đầu tư cho việc xây dựng phương pháp và công cụ kiểm toán mới, tính độc lập…

THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
AQIs - Thước đo hiệu quả kiểm toán báo cáo tài chính