Áp dụng IFRS tại các nước đang phát triển- kinh nghiệm và giải pháp cho Việt Nam

(BKTO) - Sáng 6/8, tại Hà Nội, Hội kế toán và kiểm toán Việt Nam (VAA) đã phối hợp cùng Hiệp hội Kế toán công chứng Australia (CPAA) tổ chức Hội thảo “Áp dụng IFRS tại các nước đang phát triển- kinh nghiệm và giải pháp cho Việt Nam”.



Hội thảo vừa là một khoá học mang tính huấn luyện về một số chuẩn mực trong hệ thống báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), đồng thời là cơ hội để các nhà khoa học, DN, kế toán viên, kiểm toán viên cùng thảo luận, tìm ra phương thức tối ưu khi áp dụng IFRS ở Việt Nam.
                
   

Toàn cảnh Hội thảo

   
Hiện nay, xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu và toàn diện, đồng hành cùng với đó là sự hài hòa, hội tụ về chuẩn mực, nguyên tắc kế toán, kiểm toán. Bên cạnh đó, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành... sẽ cho phép không chỉ hàng hóa, dịch vụ mà cả dòng vốn đầu tư, nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực kế toán và kiểm toán sẽ di chuyển tự do hơn.

Trước bối cảnh đó, Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC) đã bàn nhiều về triển vọng, tương lai nghề kế toán trong xu thế toàn cầu hóa và nhận thấy rằng, thể chế kinh tế và cách thức hạch toán kế toán là công việc cần được tôn trọng ở mỗi quốc gia. Các báo cáo tài chính (BCTC) và việc trình bày BCTC phải trên cơ sở những nguyên tắc, chuẩn mực chung mang tính phổ biến, đảm bảo mọi nhà đầu tư, mọi người ở các quốc gia đều đọc và hiểu được.

Vì vậy, IFAC đã soạn thảo và công bố IFRS thay cho các chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) và yêu cầu áp dụng ở các quốc gia thành viên của IFAC. Đến nay, nhiều quốc gia đã áp dụng IFRS với các phương thức, phạm vi khác nhau và đạt được những kết quả nhất định.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS Đặng Văn Thanh- Chủ tịch VAA cho biết, trong bối cảnh kinh tế quốc tế mới, Việt Nam cần lựa chọn phương án và xây dựng lộ trình để đưa hệ thống IFRS vào áp dụng. Việt Nam đã và đang tính toán cho công việc này và cần sớm có đề án trình Chính phủ phê duyệt để áp dụng IFRS sao cho hài hòa với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, đồng thời phải phù hợp với thể chế kinh tế, đặc điểm và tốc độ phát triển kinh tế, trình độ nghề nghiệp kế toán, kiểm toán của Việt Nam. Đây là một thách thức và cũng là thời cơ để Việt Nam đổi mới toàn bộ hệ thống kế toán, kiểm toán.

“Chúng ta sẽ có rất nhiều việc phải làm, từ đổi mới về thể chế, ban hành các quy định pháp lý, chính sách kế toán cho đến đổi mới quy trình kế toán, kiểm toán, chuẩn bị nguồn nhân lực mới cho tương lai. Hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực kế toán và kiểm toán trong bối cảnh hội nhập cũng cần có sự đổi mới rất căn bản từ chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo”- Chủ tịch VAA đánh giá.

Theo ông Trịnh Đức Vinh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát Kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính), việc áp dụng IFRS tại Việt Nam xuất phát từ sự thay đổi trong nhận thức về hoạt động nghề nghiệp kế toán, kiểm toán. Chuẩn mực BCTC Việt Nam (VAS) đã trở nên lạc hậu, lỗi thời so với mặt bằng chung thế giới, thiếu nhiều chuẩn mực so với hệ thống IFRS.

Hiện nay, VAS hướng đến việc ghi nhận tài sản và nợ phải trả theo giá gốc nên BCTC chưa phản ánh được đúng và đầy đủ tình hình tài chính của DN tại thời điểm báo cáo; Tính trung thực, hợp lý, khả năng so sánh thông tin và tính minh bạch của BCTC theo VAS bị suy giảm nên người sử dụng BCTC không thể đánh giá được hết khả năng, tiềm lực cũng như những rủi ro của DN. Vì vậy, việc áp dụng IFRS là nhu cầu tất yếu để Việt Nam được công nhận là một nền kinh tế thị trường đầy đủ.

Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, việc áp dụng IFRS tại Việt Nam sẽ được thực hiện theo lộ trình là phương pháp cụ thể, phù hợp với tình hình kinh tế và khả năng tiếp cận của các DN. Theo đó, giai đoạn 2019- 2021 là giai đoạn chuẩn bị các điều kiện triển khai: Bộ Tài chính sẽ ban hành các Thông tư hướng dẫn việc áp dụng IFRS và công bố bản dịch IFRS từ tiếng Anh sang tiếng Việt; xây dựng và ban hành các tài liệu hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ thực hiện IFRS; đào tạo nguồn nhân lực, quy trình triển khai cho các DN.

Giai đoạn 2022- 2025 là giai đoạn tự nguyện: các công ty mẹ của tập đoàn kinh tế Nhà nước quy mô lớn hoặc các công ty mẹ là công ty niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết... có nhu cầu và đủ nguồn lực sẽ tự nguyện áp dụng IFRS khi lập báo cáo tài chính hợp nhất. Ngoài ra, các DN FDI có nhu cầu và đủ nguồn lực cũng có thể tự áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính riêng. Từ sau năm 2025, các DN sẽ bắt buộc phải áp dụng IFRS.

Để hỗ trợ các DN trong quá trình chuyển đổi từ VAS sang IFRS, đến trước ngày 31/12/2024, Bộ Tài chính sẽ ban hành bổ sung 17 chuẩn mực VAS mới và xây dựng lại bộ VAS dựa trên hệ thống IFRS theo nguyên tắc tiếp thu tối đa thông lệ quốc tế, phù hợp với đặc thù của nền kinh tế, nhu cầu của DN Việt Nam. Bộ Tài chính cũng sẽ thường xuyên rà soát lại VAS, cập nhật những thay đổi của IFRS để đảm bảo VAS phù hợp ở mức độ cao nhất với thông lệ quốc tế.

Cũng tại Hội thảo, ông Ram Subramanian- Cố vấn chính sách đến từ CPA Australia đã giới thiệu với các DN, kế toán viên, kiểm toán viên Việt Nam về hai chuẩn mực báo cáo tài chính: IFRS 15- Doanh thu và IFRS 16- Thuê tài sản. Đây là hai chuẩn mực quan trọng liên quan nhiều đến chỉ tiêu trình bày trên BCTC, BCTC hợp nhất kinh doanh nhằm tạo cơ hội để DN Việt Nam tiếp cận với hoạt động kinh doanh quốc tế và thông lệ quốc tế trong kinh doanh.

Tin và ảnh: THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Áp dụng IFRS tại các nước đang phát triển- kinh nghiệm và giải pháp cho Việt Nam