94% đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước
Thứ Ba, 26/11/2019 16:55:00
(BKTO) - Chiều 26/11, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN đã được Quốc hội thông qua với 454/458 đại biểu Quốc hội tán thành (bằng 94% tổng số đại biểu Quốc hội).
-
Đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung trong Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước
-
Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước
-
Bảo đảm 100% vụ việc thanh tra, kiểm toán phát hiện có dấu hiệu tội phạm được chuyển đến Cơ quan điều tra

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính -Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN.
Quy định cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN được thông qua gồm 3 điều. Trong đó, Luật bổ sung quy định cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán. Theo đó, Luật chỉ rõ, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan được xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán, đó là các đối tượng có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.
Luật cũng quy định rõ, KTNN chỉ thực hiện kiểm tra, đối chiếu các nội dung liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán của đơn vị được kiểm toán tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong trường hợp cần kiểm toán toàn diện đối với nhóm đối tượng này, KTNN phải thực hiện quy trình để bổ sung vào kế hoạch kiểm toán và ban hành quyết định kiểm toán theo quy định của Luật KTNN hiện hành.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), việc quy định các đối tượng có liên quan đến hoạt động kiểm toán là một trong những nội dung sửa đổi quan trọng nhằm xác lập cơ sở pháp lý, tạo thuận lợi cho KTNN trong quá trình thực thi nhiệm vụ, đồng thời bổ sung các quy định nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán.
Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ Dự thảo Luật, Quốc hội đã biểu quyết thông qua quy định về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán với 92,55% đại biểu Quốc hội tán thành.
.jpg)
Kết quả biểu quyết thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN
Về nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN, Luật bổ sung quy định KTNN có nhiệm vụ xem xét, quyết định việc kiểm toán theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, đồng thời sửa đổi, bổ sung căn cứ ban hành quyết định kiểm toán tại khoản 3 Điều 30 của Luật hiện hành để bảo đảm tính thống nhất.
Ngoài ra, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Luật đã bổ sung quy định về cơ chế phản hồi của KTNN trong trường hợp không thực hiện kiểm toán và bổ sung quy định về cung cấp kết quả kiểm toán cho các chủ thể đề nghị kiểm toán theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng (thể hiện tại khoản 2 Điều 1 Dự thảo Luật).
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN cũng bổ sung quy định Tổng Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp cụ thể để phòng, chống tham nhũng trong cơ quan KTNN theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng làm căn cứ cho KTNN ban hành hoặc rà soát, sửa đổi các quy định về chuyển đổi vị trí công tác, quy tắc ứng xử và các quy định khác được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng.
Liên quan đến quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của KTNN, để bảo đảm đầy đủ, kịp thời xử lý các vi phạm, nâng cao hiệu quả hoạt động của KTNN, trên cơ sở áp dụng các thông lệ quốc tế phù hợp, Luật quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của KTNN. Quy định về trình tự, thủ tục, hành vi vi phạm, mức xử phạt hành chính... sẽ được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính để tránh trùng lặp trong hệ thống pháp luật.
KTNN có quyền truy cập dữ liệu điện tử
Cũng liên quan đến quyền hạn của KTNN, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN sửa đổi, bổ sung quy định KTNN có quyền được truy cập vào cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán để khai thác, thu thập thông tin, tài liệu liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán; việc truy cập dữ liệu phải tuân thủ các quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm bảo vệ bí mật, bảo mật, an toàn theo quy định của pháp luật.

Các đại biểu Quốc Hội bấm nút biểu quyết
Báo cáo giải trình về quy định này, UBTVQH nêu rõ, việc bổ sung quyền truy cập, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử cho KTNN là cần thiết để phục vụ hoạt động kiểm toán và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
Luật cũng quy định rõ, Trưởng Đoàn kiểm toán được ủy quyền truy cập cho thành viên Đoàn kiểm toán nhưng việc ủy quyền phải bằng văn bản, phải theo quy định của pháp luật và vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện công việc đã ủy quyền đó. Đồng thời, để xác định rõ phạm vi truy cập, tránh việc lạm quyền ảnh hưởng đến đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán, Luật quy định chỉ được truy cập dữ liệu liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán.
Một điểm đáng chú ý khác là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN đã bổ sung quyền khiếu nại và khởi kiện của đơn vị được kiểm toán.
Theo đó, đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền khiếu nại về hành vi của Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán, trong quá trình thực hiện kiểm toán khi có căn cứ cho rằng hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Khiếu nại về đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị kiểm toán trong báo cáo kiểm toán, thông báo kết quả kiểm toán khi có căn cứ cho rằng đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị kiểm toán đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động KTNN.
Cùng với đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 10 Luật hiện hành để bảo đảm đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân được quyền đề nghị KTNN xem xét, quyết định thực hiện việc kiểm toán đối với vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện qua quá trình giám sát và cơ chế phản hồi của KTNN.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN có hiệu lực thi hành từ 01/7/2020.
Tin và ảnh: N. HỒNG
Tin cùng chuyên mục
-
Nghiệm thu Đề tài nghiên cứu cấp bộ “Tổ chức kiểm toán quản lý, khai thác khoáng sản”
-
Tổng Kiểm toán Nhà nước thăm và làm việc với Học viện Hành chính Quốc gia Pháp
-
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc thăm và làm việc với Hạ viện Cộng hòa Pháp
-
Logistics giàu tiềm năng tăng trưởng, hỗ trợ nâng cao giá trị nông sản
-
Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn Chương trình 135
-
Một số giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán dự án đầu tư
-
Khó khăn lớn nhất khi kiểm toán dự án ODA là sự khác biệt về cơ chế, chính sách
-
Cần làm gì để nâng cao chất lượng kiểm toán dự án đầu tư?
-
Kiểm toán phương án kinh tế - tài chính tại các dự án đầu tư xây dựng
-
Khai giảng lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh đối tượng 4
Đọc nhiều nhất
-
Nghiệm thu Đề tài nghiên cứu cấp bộ “Tổ chức kiểm toán quản lý, khai thác khoáng sản”
-
Thêm nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo
-
Giới chức Mỹ: Đàm phán thương mại với Trung Quốc đang đi đúng hướng
-
01 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội: Nhiều chuyển biến tích cực
-
Phấn đấu “xóa trắng” học sinh, sinh viên không có bảo hiểm y tế: Cần giúp các em hiểu đúng về chính sách
-
Tăng cường giám sát việc chấp hành chính sách pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội dịp cận Tết Nguyên đán
-
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh tiếp chuyên gia IDI
-
Quảng Bình: Thu thuế nội địa 11 tháng đã vượt dự toán cả năm
-
Tháo gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải
-
Thủ tướng giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2020