40 năm Hiến chương ASOSAI - Mốc son lịch sử trên chặng đường hợp tác, phát triển

(BKTO) - Cách đây 40 năm, Hiến chương ASOSAI (Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á) đã được phê chuẩn tại Cộng hòa Liên bang Đức, đánh dấu những “chương” đầu của một tổ chức đa phương về chuyên môn năng động của khu vực. Để ghi nhận ý nghĩa và sự phát triển của Hiến chương, trong khuôn khổ Đại hội ASOSAI 14, KTNN Việt Nam sẽ phối hợp với các SAI (cơ quan kiểm toán tối cao) thành viên long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 40 năm Hiến chương ASOSAI trong khuôn khổ chương trình khai mạc Đại hội diễn ra vào ngày 19/9 tới.



Tầm nhìn sâu rộng và cam kết mạnh mẽ

Hiến chương ASOSAI được phê chuẩn và chính thức ban hành vào tháng 10/1978 tại Berlin, Đức. Đến nay, Hiến chương đã qua 4 lần sửa đổi mà lần sửa đổi gần đây nhất là vào tháng 02/2015, tại Kuala Lumpur, Malaysia.

Bản Hiến chương gồm 10 điều khoản, quy định mục tiêu, chức năng, thành viên, cơ cấu tổ chức, Đại hội, Ban Điều hành (BĐH), Ban Thư ký, tài chính, Ủy ban Kiểm toán của ASOSAI và điều khoản sửa đổi Hiến chương. Cụ thể, Hiến chương khẳng định rõ mục tiêu của ASOSAI là nhằm thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác giữa các SAI thành viên thông qua trao đổi kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán công; cung cấp điều kiện thuận lợi cho việc đào tạo và bồi dưỡng các kiểm toán viên nhà nước nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; đóng vai trò là trung tâm thông tin và cầu nối giữa các SAI trong khu vực và các tổ chức khác trên thế giới trong lĩnh vực kiểm toán công; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các kiểm toán viên nhà nước thuộc các SAI thành viên tương ứng và giữa các nhóm khu vực.

Về chức năng, ASOSAI thực thi việc tổ chức hội thảo và hội nghị để trao đổi kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán công; đồng thời khuyến khích, thúc đẩy nghiên cứu và công bố các nghiên cứu, bài báo chuyên môn về kiểm toán và các lĩnh vực liên quan.

Thành viên của ASOSAI bao gồm: các thành viên sáng lập, thành viên và thành viên liên kết. Theo đó, thành viên sáng lập là những thành viên ký vào Hiến chương này; thành viên là các SAI thuộc các nước châu Á và châu Đại Dương đã gia nhập ASOSAI và Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI); thành viên liên kết là các SAI thuộc các nước châu Á đã gia nhập ASOSAI và đang chờ INTOSAI phê duyệt việc gia nhập. Tư cách thành viên sẽ chấm dứt khi thành viên đó rút lui, điều này có hiệu lực sau 6 tháng kể từ ngày thông báo rút lui được trình lên BĐH.

Cuộc họp BĐH ASOSAI lần thứ 50 tại Chiangmai, Thái Lan - Ảnh: TL

Bộ máy tổ chức của ASOSAI bao gồm: Đại hội, BĐH, Ban Thư ký và Uỷ ban Kiểm toán. Cụ thể hơn, Đại hội họp thường kỳ ít nhất 3 năm 1 lần, gồm những người đứng đầu của các SAI hoặc đại diện được người đứng đầu SAI ủy quyền, chịu trách nhiệm thiết lập các chính sách cần thiết để đạt được mục tiêu của Tổ chức; bầu chọn Chủ tịch, các thành viên BĐH, thành viên không thuộc BĐH để tham gia Uỷ ban Kiểm toán; quyết định quốc gia đăng cai kỳ Đại hội tiếp theo và thiết lập các quy tắc, điều lệ dựa trên các quy chế hoạt động của Đại hội và các bộ phận khác của ASOSAI.

BĐH họp ít nhất 1 năm 1 lần, là cơ quan điều hành của ASOSAI gồm 11 thành viên. Trong đó, Chủ tịch BĐH là đại diện của SAI đăng cai kỳ Đại hội trước, 2 thành viên từ SAI của nước đăng cai kỳ Đại hội tiếp theo và Ban Thư ký được bầu chọn, 1 thành viên được BĐH bổ nhiệm như Chủ tịch Uỷ ban Phát triển năng lực ASOSAI, 5 thành viên khác được Đại hội lựa chọn, Chủ tịch và Tổng Thư ký nhiệm kỳ trước sẽ được bầu vào BĐH trong nhiệm kỳ kế tiếp. Trường hợp có vị trí trống, số vị trí tham gia vào cuộc bầu cử Đại hội sẽ được bổ sung. BĐH chịu trách nhiệm trình bày báo cáo hoạt động tại tất cả các cuộc họp của Đại hội, thực hiện các chính sách, điều lệ được Đại hội ban hành và có thể cử các ủy ban tham gia các dự án hay các hoạt động cụ thể.

Ban Thư ký ASOSAI thực hiện chức năng quản trị và tài chính, bao gồm: lưu giữ tất cả bản kê khai tài chính, tập tin và tài liệu; phổ biến thông tin cần thiết thông qua trao đổi giữa các SAI thành viên; xây dựng và nộp các báo cáo tài chính đã được kiểm toán chậm nhất là 3 tháng sau khi kết thúc mỗi năm tài chính và thực hiện các nhiệm vụ liên quan. Đứng đầu Ban Thư ký là Tổng Thư ký - người đứng đầu quốc gia thành viên và vị trí Tổng Thư ký là do Đại hội bầu chọn.

Uỷ ban Kiểm toán ASOSAI thực hiện kiểm toán các bản kê khai tài chính của ASOSAI theo định kỳ 3 năm 1 lần và nộp báo cáo lên Đại hội chậm nhất là 6 tháng sau khi kết thúc nhiệm kỳ.

Hiến chương quy định, năm tài chính của ASOSAI là năm dương lịch. Ngân sách của ASOSAI do Tổng Thư ký xây dựng và trình lên Đại hội sau khi được BĐH thông qua. Mỗi thành viên sẽ đóng cho ASOSAI phí thành viên 500 USD khi bắt đầu tham gia vào Tổ chức và thực hiện đóng góp tài chính hằng năm tương đương với đóng góp hằng năm của các thành viên INTOSAI và không ít hơn 500 USD.
Theo quy định, Hiến chương ASOSAI có thể được sửa đổi bằng việc bỏ phiếu của 2/3 tổng số thành viên của ASOSAI tại bất cứ kỳ họp thường kỳ nào của Đại hội hoặc tại cuộc họp đột xuất thông báo về việc sửa đổi, các đề nghị tại cuộc họp sẽ được thông báo với các thành viên chậm nhất 3 tháng trước khi diễn ra cuộc họp.

Sự kiện Hiến chương chính thức có hiệu lực mang ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với ASOSAI. Đây được coi là một văn kiện pháp lý quan trọng nhất của ASOSAI, đề ra các luật lệ, quy định, nguyên tắc làm cơ sở cho các hoạt động của Tổ chức. Với sự ra đời của văn kiện này, ASOSAI sẽ hoạt động dựa trên một khung pháp lý vững vàng; các thỏa thuận, quyết định sẽ được thực hiện một cách nghiêm túc hơn, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác của Tổ chức. ASOSAI sẽ có tư cách pháp nhân trong quan hệ với các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế, qua đó gia tăng vị thế quốc tế của Tổ chức với các đối tác bên ngoài. Đặc biệt, Hiến chương ASOSAI đã thể hiện tầm nhìn sâu rộng và cam kết mạnh mẽ của Tổ chức cũng như khả năng hiện thực hóa các kế hoạch hành động hướng tới xây dựng một cộng đồng vững mạnh trong bối cảnh một số nước thành viên đang phải đối mặt với không ít thách thức.

Kỷ niệm 40 năm Hiến chương ASOSAI - Tôn vinh những thành quả đạt được

40 năm ra đời Hiến chương ASOSAI là chặng đường dài, lưu dấu những mốc son, những bước phát triển, trưởng thành của Tổ chức, hướng tới mục tiêu thúc đẩy sự chia sẻ hiểu biết và hợp tác. KTNN Việt Nam tự hào là một phần quan trọng trong tiến trình lịch sử với những đóng góp nhất định cho ASOSAI.

Lễ Kỷ niệm 40 năm Hiến chương ASOSAI sẽ được tổ chức long trọng tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) vào ngày 19/9 tới. Đây là một trong những sáng kiến của KTNN Việt Nam tại Đại hội ASOSAI lần này và cũng là dịp để các SAI thành viên ASOSAI ghi nhận ý nghĩa và sự phát triển của Hiến chương, tôn vinh những thành quả đã đạt được cùng suy nghĩ về một ASOSAI phát triển năng động hơn trong tương lai.

Để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng trên, thời gian qua, KTNN Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc họp tham vấn với các SAI có kinh nghiệm như: SAI Malaysia (Chủ tịch ASOSAI), SAI Hàn Quốc (Tổng Thư ký ASOSAI) và các chuyên gia quốc tế về các vấn đề liên quan nhằm hoàn thiện các nội dung chuẩn bị cho Lễ Khai mạc và Lễ Kỷ niệm 40 năm Hiến chương ASOSAI. Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc - Trưởng Ban Tổ chức Đại hội - cũng đã chỉ đạo và đôn đốc việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ của các tiểu ban nhằm quán triệt, đảm bảo các hoạt động của Đại hội nói chung, hoạt động khai mạc và kỷ niệm 40 năm Hiến chương ASOSAI nói riêng diễn ra long trọng, chu đáo. Đến thời điểm này, mọi công việc chuẩn bị đã được hoàn tất. Với vai trò là SAI chủ nhà đăng cai Đại hội ASOSAI 14, KTNN Việt Nam đã sẵn sàng cho Lễ Khai mạc và Lễ Kỷ niệm 40 năm Hiến chương ASOSAI .
         
Hiến chương ASOSAI đã được sửa đổi 4 lần, cụ thể như sau:
   Lần thứ nhất (tháng 5/1985), tại Tokyo, Nhật Bản: Các thành viên tăng từ 8 SAI năm 1978 lên 23 SAI năm 1984, thành viên BĐH cũng tăng từ 5 SAI lên 7 SAI.
   Lần thứ 2 (tháng 10/1997), tại Jakarta, Indonesia: Thành viên BĐH tăng từ 7 SAI lên 9 SAI, mức độ đóng góp hằng năm đã tăng từ 50% lên bằng với mức đóng góp hằng năm của INTOSAI.
   Lần thứ 3 (tháng 10/2009), Islamab, Pakistan: Các thành viên tăng từ 30 SAI năm 1997 lên 45 SAI năm 2009, thành viên BĐH tăng từ 9 SAI lên 11 SAI. SAI có đóng góp cho ASOSAI được BĐH bổ nhiệm vào Uỷ ban Đào tạo của ASOSAI. Chủ tịch và Tổng Thư ký nhiệm kỳ trước tham gia vào BĐH với tư cách là thành viên mặc nhiên.
   Lần thứ 4 (tháng 02/2015), tại Kuala Lumpur, Malaysia: Chủ tịch Ủy ban Đào tạo được đổi tên sang Chủ tịch Ủy ban Phát triển năng lực.
NGỌC QUỲNH
Theo Báo Kiểm toán số Đặc biệt ra ngày 13-6-2018
Cùng chuyên mục
  • ASOSAI:  Tích cực hợp tác với các tổ chức  kiểm toán tối cao khu vực và quốc tế
    5 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Được thành lập vào năm 1979, trải qua gần 40 năm xây dựng và phát triển, Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) vẫn luôn giữ vững mục tiêu thúc đẩy lĩnh vực kiểm toán công ngày càng minh bạch, tiến bộ. Để có được những thành công đó, ASOSAI đã không ngừng tăng cường mối quan hệ hợp tác với các tổ chức kiểm toán tối cao khác.
  • ASOSAI và những đóng góp  với nền kinh tế châu Á
    5 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Nền kinh tế châu Á đang trên đà phát triển và có những đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng chung của toàn cầu. Với tiềm năng phát triển lớn mạnh, châu Á được nhận định sẽ vẫn là “đầu tàu” của nền kinh tế thế giới. Đóng góp thiết thực cho sự phát triển của nền kinh tế châu Á không thể không nói đến vai trò của các tổ chức cũng như các cơ chế hợp tác hàng đầu khu vực, trong đó có Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI).
  • Dấu ấn của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam qua các kỳ Đại hội ASOSAI
    5 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Đại hội Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) được tổ chức 3 năm 1 lần, là nơi họp mặt của những người đứng đầu các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) thành viên. Hơn 20 năm là thành viên chính thức của ASOSAI, KTNN Việt Nam đều tham gia và có những đóng góp tích cực vào các kỳ Đại hội ASOSAI và các kỳ hội nghị chuyên đề trong khuôn khổ của Đại hội.
  • Kiểm toán Nhà nước Việt Nam:  Đóng góp tích cực cho sự phát triển của cộng đồng ASOSAI
    5 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Sau hơn 20 năm gia nhập Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI), KTNN Việt Nam đã và đang nỗ lực xây dựng hình ảnh, uy tín, hướng tới trở thành cơ quan kiểm toán tối cao chuyên nghiệp trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Đồng thời, KTNN ngày càng củng cố vị thế và vai trò của mình bằng việc tích cực đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng ASOSAI.
  • Hội nhập quốc tế - Thực trạng và yêu cầu đặt ra đối với các lĩnh vực kiểm toán mới
    5 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Quá trình hội nhập và phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và các vấn đề về môi trường toàn cầu đang đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi mỗi quốc gia cần có sự chủ động để tiếp nhận và thích ứng. Với nhận thức trên, KTNN Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, trong đó, giải pháp then chốt là phát triển các loại hình kiểm toán mới như: kiểm toán công nghệ thông tin (CNTT), kiểm toán môi trường (KTMT) và kiểm toán hoạt động (KTHĐ) nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
40 năm Hiến chương ASOSAI - Mốc son lịch sử trên chặng đường hợp tác, phát triển