4 nhóm giải pháp đổi mới tổ chức kiểm toán tài chính, tài sản công của các Bộ, cơ quan trung ương

(BKTO) - Đó là đề xuất tại Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: "Đổi mới tổ chức kiểm toán tài chính, tài sản công của các Bộ, cơ quan trung ương của KTNN" do TS. Nguyễn Hữu Phúc - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VI và ThS. Nguyễn Thị Hải Yến - KTNN chuyên ngành II - thực hiện.



                
   

Toàn cảnh buổi nghiệm thu Ảnh: Thanh Hà

   

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Khá và nghiệm thu ngày 09/7 tại Hà Nội. TS. Vũ Văn Họa - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước - làm Chủ tịch Hội đồng.

Theo Ban Chủ nhiệm Đề tài: Kiểm toán tài chính, tài sản công của các Bộ, cơ quan trung ương là một trong những nhiệm vụ quan trọng của KTNN. Việc tổ chức kiểm toán nội dung này đã đạt được nhiều kết quả tích cực: có nhiều kiến nghị xử lý tài chính; đề nghị ban hành, xóa bỏ, sửa đổi nhiều văn bản pháp luật có liên quan đến công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tại các Bộ, cơ quan trung ương... từ đó góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý tài chính công, tài sản công và lành mạnh nền tài chính quốc gia.

Tuy nhiên, hiện nay, yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán và quản lý kiểm toán; sự mở rộng nội dung kiểm toán sang kiểm toán hoạt động; sự phát triển ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán và quản lý kiểm toán; yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý tài chính công, tài sản công nói chung và tại các Bộ, cơ quan trung ương nói riêng đòi hỏi phải đổi mới, hoàn thiện hơn việc xác định đối tượng, phạm vi, mục tiêu, nội dung, phương pháp và công tác tổ chức thực hiện kiểm toán.

Đề tài đã tổng hợp, phân tích và đánh giá thực trạng tổ chức kiểm toán tài chính công, tài sản công tại các Bộ, cơ quan trung ương của KTNN. Qua đó, Nhóm tác giả đã chỉ ra 10 hạn chế cơ bản trong quá trình triển khai kiểm toán tại các Bộ, cơ quan trung ương, đồng thời nêu nguyên nhân chủ quan, khách quan của hạn chế.

Trên cơ sở đó, nội dung đề tài đã đề xuất 4 nhóm giải pháp đổi mới tổ chức kiểm toán tài chính công, tài sản công của KTNN tại các Bộ, cơ quan trung ương, gồm: đổi mới việc xác định mục tiêu, nội dung, phạm vi, phương pháp kiểm toán; đổi mới tổ chức kiểm toán; đổi mới hoạt động quản lý, điều hành và các giải pháp khác như: đổi mới sự phân giao nhiệm vụ kiểm toán giữa các KTNN chuyên ngành, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán...

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng đã cơ bản thống nhất đánh giá: Đề tài đã giải quyết được một số vấn đề cơ bản như: hệ thống hóa và làm rõ những vấn đề cơ bản về quản lý tài chính công, tài sản công của các Bộ, cơ quan trung ương và hoạt động kiểm toán tài chính công, tài sản công của các Bộ, cơ quan trung ương; tổng hợp, phân tích và đánh giá thực trạng tổ chức kiểm toán tài chính công, tài sản công của KTNN tại các Bộ, cơ quan trung ương; đề xuất phương hướng, mục tiêu và các nhóm giải pháp đổi mới tổ chức kiểm toán tài chính công, tài sản công của các Bộ, cơ quan trung ương. Các nhóm giải pháp tập trung vào việc hoàn thiện mục tiêu, nội dung, phạm vi, phương pháp kiểm toán; đổi mới tổ chức kiểm toán và đổi mới hoạt động quản lý, điều hành đồng thời đưa ra các điều kiện thực hiện giải pháp.

Các ý kiến cũng đánh giá cao kết quả của Ban Chủ nhiệm Đề tài trong quá trình tổ chức nghiên cứu. Tuy nhiên, để Đề tài hoàn thiện hơn và có giá trị ứng dụng cao trong thực tiễn, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Chủ nhiệm Đề tài giới hạn lại phạm vi nghiên cứu bởi tài chính công, tài sản công quá rộng; làm rõ phạm vi, mục tiêu và phương pháp nghiên cứu cho thống nhất giữa lý luận, thực trạng và giải pháp đồng thời nghiên cứu, bổ sung giải pháp xác nhận báo cáo quyết toán của Bộ.

Đại diện Ban Chủ nhiệm Đề tài cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện.

THÙY ANH
Cùng chuyên mục
4 nhóm giải pháp đổi mới tổ chức kiểm toán tài chính, tài sản công của các Bộ, cơ quan trung ương