Tổ chức và hoạt động của Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc

(BKTO) - Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra (gọi tắt là BAI) được thành lập vào 20/3/1963 theo Đạo luật Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra năm 1963. Sự ra đời của BAI đã mở ra một thời kỳ phát triển mới trong công tác kiểm toán, thanh tra của Hàn Quốc, giúp việc kiểm toán Chính phủ được thực hiện một cách hiệu quả hơn.




Ông Choe Jaehyeong- Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc, Tổng Thư ký ASOSAI nhiệm kỳ 2015- 2018 phát biểu tại Cuộc họp Ban Điều hành lần thứ 52, Đại hội ASOSAI 14 tại Hà Nội- Ảnh: Thanh Tùng

Cơ quan được Hiến định độc lập

Theo pháp luật Hàn Quốc, BAI trực thuộc Tổng thống và là cơ quan thanh tra, kiểm toán tối cao của quốc gia, thực hiện chức năng thanh tra, kiểm toán từ bên ngoài đối với các đối tượng công. Cơ quan này hoạt động theo chế độ lãnh đạo tập thể với một Hội đồng thường trực gồm 07 người, trong đó có Chủ tịch BAI. Trong suốt 4 lần sửa đổi Hiến pháp, địa vị pháp lý và nhiệm vụ của BAI đã được định hình như hiện nay. Điều đáng chú ý là trong Hiến pháp, BAI luôn được nhấn mạnh ở tính độc lập trong việc thực hiện các nhiệm vụ của mình.

Nhiệm vụ của BAI được quy định cụ thể tại Điều 97 và Điều 99 Hiến pháp Hàn Quốc. Theo đó: “Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc được thành lập dưới thẩm quyền trực tiếp của Tổng thống nhằm kiểm tra quyết toán các khoản thu, chi của Nhà nước, các tài khoản của Nhà nước và các cơ quan khác theo quy định của Luật pháp cũng như hoạt động của các cơ quan hành chính và hoạt động của công chức”. “Hàng năm, Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra phải kiểm tra các quyết toán thu, chi ngân sách và báo cáo kết quả với Tổng thống và Quốc hội vào năm tiếp theo sau năm đó”. Pháp luật Hàn Quốc cũng quy định Báo cáo kiểm toán của BAI phải được trình Quốc hội và phải được công khai website để toàn dân được biết.

Về cơ cấu tổ chức, Điều 98 Hiến pháp Hàn Quốc quy định: “Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra bao gồm ít nhất 05 và nhiều nhất 11 thành viên, kể cả Chủ tịch Ủy ban; Chủ tịch Ủy ban do Tổng thống bổ nhiệm với sự chấp thuận của Quốc hội. Nhiệm kỳ của Chủ tịch là 04 năm,và chỉ có thể được bổ nhiệm lại thêm 01 nhiệm kỳ; Các thành viên của Ủy ban do Tổng thống bổ nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban. Nhiệm kỳ của các thành viên này là 04 năm, và chỉ có thể được bổ nhiệm lại thêm 01 nhiệm kỳ”.

Việc sớm được Hiến định đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho tổ chức và hoạt động của BAI ngay từ những ngày đầu thành lập. Tính đến tháng 01/2018, tổng số nhân sự của BAI là 1.080 người, trong đó có 920 cán bộ là thực hiện chức năng thanh tra, kiểm toán và 160 cán bộ thực hiện chức năng tham mưu, hỗ trợ. BAI gồm các bộ phận: Hội đồng Ủy viên; Ban thư ký; Viện Đào tạo Kiểm toán và Thanh tra; Viện nghiên cứu Kiểm toán và Thanh tra. Đứng đầu BAI là Chủ tịch Ủy ban. Ngoài tổ chức kiểm toán tập trung thống nhất ở cấp trung ương, BAI còn thành lập 06 kiểm toán nhà nước khu vực tại các tỉnh Seoul, Daejeon, Gwangju, Suwon, Daegu và Busan.

Vai trò quan trọng trong kiểm toán thu chi ngân sách

Theo Điều 97 Hiến pháp Hàn Quốc và Điều 20 Đạo luật BAI, BAI có nhiệm vụ kiểm tra quyết toán thu chi của Nhà nước, kiểm toán sổ sách kế toán của Nhà nước, các tổ chức theo quy định của pháp luật, đồng thời kiểm tra hoạt động do các cơ quan của Chính phủ thực hiện cũng như nhiệm vụ của các cán bộ thuộc cơ quan này. Trong đó, một nhiệm vụ quan trọng của BAI là xác minh quyết toán. Cụ thể, BAI phải tiến hành kiểm tra các báo cáo quyết toán về thu chi ngân sách, thuế nhà nước để báo cáo Tổng thống và Quốc hội Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, theo Điều 22 và 23 Đạo luật BAI, BAI có nhiệm vụ thực hiện kiểm toán các tài khoản của Nhà nước (các cơ quan chính quyền trung ương), chính quyền thuộc tỉnh, các cơ quan tự trị địa phương khác và các tổ chức do Chính phủ đầu tư nhằm đảm bảo công tác kế toán phù hợp và đúng đắn. BAI kiểm toán 2 loại hình cơ quan gồm: các cơ quan bắt buộc phải được kiểm toán và các cơ quan tự nguyện xin được kiểm toán. Theo Đạo Luật BAI, BAI phải kiểm toán 37.600 cơ quan chính quyền trung ương, địa phương cũng như các tổ chức khác. Ngoài ra, kể từ năm 2017, BAI có thể kiểm toán thêm 28.600 cơ quan nếu cần thiết hoặc theo yêu cầu của Thủ tướng.

Ngoài chức năng kiểm toán, theo Điều 24 Đạo Luật BAI, BAI còn có chức năng kiểm tra hoạt động do các cơ quan nhà nước thực hiện cũng như kiểm tra nhiệm vụ các cán bộ, công chức nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng các dịch vụ nhà nước. Bên cạnh đó, Luật pháp Hàn Quốc cũng quy định, nếu các đơn vị được kiểm toán cho rằng các quyết định của BAI đối với họ là bất hợp pháp và không công bằng, họ có thể đệ trình BAI về yêu cầu được kiểm tra lại. Sau khi thực hiện kiểm tra lại nội dung báo cáo, nếu có sai sót, BAI thực hiện việc đính chính đối với các thông tin sai lệch và thông báo kết quả tới tổ chức, cá nhân kiến nghị.

Đoàn công tác của KTNN Việt Nam do Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc dẫn đầu đang có chuyến thăm và làm việc tại Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc

Từ thực tiễn 56 năm hoạt động của mình, BAI là cơ quan kiểm toán được đánh giá cao về kinh nghiệm kiểm toán hoạt động, kiểm toán công nghệ thông tin và lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Từ năm 1993, BAI đã không ngừng nghiên cứu và phát triển các văn bản liên quan đến lĩnh vực kiểm toán hoạt động. Trong 2 năm 2004 và 2005, BAI lần lượt phát hành Phương pháp kiểm toán hoạt động, Hướng dẫn kiểm toán hoạt động và Sổ tay kiểm toán hoạt động. Nhờ những nỗ lực mạnh mẽ, từ năm 2007- 2012, trên 56% các cuộc kiểm toán do BAI thực hiện là kiểm toán hoạt động và kiểm toán đặc biệt. Do bản chất của các cuộc kiểm toán đặc biệt tương tự như kiểm toán hoạt động nên một số cuộc kiểm toán đặc biệt có thể phân loại như kiểm toán hoạt động.

Bên cạnh các thành tựu về chuyên môn kiểm toán, trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, BAI cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật. Điển hình là sau khi gia nhập Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) vào năm 1965, BAI đã đảm nhận vai trò là một Kiểm toán viên (1992- 1995) và thành viên Ban điều hành (1998- 2010) của INTOSAI. Năm 2001, BAI đăng cai Đại hội INTOSAI 14 và đảm nhiệm vị trí Chủ tịch INTOSAI nhiệm kỳ 2001- 2004.

Cùng với đó, năm 1979, BAI cũng gia nhập Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) và nhanh chóng trở thành Cơ quan kiểm toán giữ nhiều trọng trách quan trọng trong tổ chức. BAI giữ vị trí Ban điều hành ASOSAI trong 12 nhiệm kỳ tương đương 36 năm, từ 1979- 2003 và 2006- 2018; giữ vị trí Chủ tịch ASOSAI giai đoạn 1982- 1985, Tổng Thư ký ASOSAI giai đoạn 2009- 2018. Với vai trò là Tổng thư ký ASOSAI, BAI đã nỗ lực hết sức để cung cấp các định hướng vì thịnh vượng chung đối với tất cả các KTNN thành viên.
         
BAI và KTNN Việt Nam chính thức ký thỏa thuận hợp tác vào tháng 5/2007. Từ đó đến nay, 2 cơ quan đã tích cực thực hiện các hoạt động thăm và làm việc song phương nhằm nâng cao hiểu biết và thắt chặt mối quan hệ hợp tác. BAI hỗ trợ KTNN Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như: tăng cường năng lực trong công tác lập kế hoạch, kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán; đào tạo kiểm toán viên về kiểm toán môi trường; chia sẻ kinh nghiệm nâng cao việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán... Trong vai trò Tổng Thư ký ASOSAI nhiệm kỳ 2015- 2018, BAI đã ủng hộ, hỗ trợ đắc lực cho KTNN Việt Nam trong công tác chuẩn bị, tổ chức Đại hội ASOSAI 14.
PHÙNG NGUYÊN
Cùng chuyên mục
Tổ chức và hoạt động của Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc