New Zealand: Y tế “căng thẳng” vì thiếu nguồn lực

(BKTO) - Chính phủ New Zealand đã công bố kế hoạch thắt chặt quản lý biên giới sau khi có hai ca nhiễm Covid-19 mới được phát hiện sau 24 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới tại quốc gia này. Nhiều nhân sự, thiết bị bảo vệ cá nhân và các quy trình tiêu chuẩn đã được tăng cường sau khi cuộc kiểm toán cho thấy hệ thống y tế nước này đang trong trạng thái “căng thẳng”, không sẵn sàng đáp ứng nhu cầu y tế ngày càng gia tăng.




New Zealeand tiếp tục thắt chặt quản lý y tế tại cửa khẩu. Ảnh: ST

Thắt chặt các biện pháp kiểm soát y tế

Báo cáo kiểm toán của KTNN New Zealand phát hành đầu tháng 7/2020 nhận định, 20 hội đồng y tế quận (DHB) tại New Zealand tuy chưa rơi vào tình trạng “vỡ trận”, song thiếu nhân sự và thiết bị bảo hộ là nguyên nhân chính dẫn đến việc không sẵn sàng đáp ứng nhu cầu y tế gia tăng.

Các kiểm toán viên chính phủ cho biết, các DHB hiện đang thiếu nhân viên y tế trầm trọng, cùng với đó, họ phải đối mặt với những căng thẳng khi mà các chính sách, quy định liên quan đến trang thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) thay đổi liên tục và hành vi thách thức của nhiều khách du lịch. Cơ quan kiểm toán khuyến nghị cần gấp rút xây dựng kế hoạch tăng cường nhân viên và cải tiến quy trình tiêu chuẩn để áp dụng một cách đồng bộ tại tất cả các DHB.

Cơ quan kiểm toán quốc gia cảnh báo rằng, các ca mắc Covid-19 mới có thể quay lại trong tương lai khi công dân New Zealand trở về nước từ nước ngoài và có một số đối tượng được phép nhập cảnh theo điều kiện đặc biệt. Ngay lập tức, các quy trình thắt chặt đã được Chính phủ quốc gia này đưa vào áp dụng.

Tại các cửa khẩu hàng không, khi hành khách đến, các nhân viên y tế sẽ sàng lọc y tế và giám sát họ tới cửa làm thủ tục thông quan và nhập cảnh. Những người được xác định là có nguy cơ cao sẽ được cách ly riêng để tiến hành các quy trình xét nghiệm tại sân bay.

Cơ quan kiểm toán quốc gia cho rằng, việc cần làm trước mắt là bổ sung nguồn lực để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng khi số lượng người New Zealand trở về nhà từ các điểm nóng Covid-19 toàn cầu ngày càng gia tăng.

Phản hồi lại bản Báo cáo, người phát ngôn của Bộ Y tế cho biết, Bộ sẽ tăng số lượng nhân viên lâm sàng và phi lâm sàng, như các y tá, tại mỗi cơ sở y tế để đảm bảo kiểm tra sức khỏe, tiến hành sàng lọc, xét nghiệm và các dịch vụ y tế khác theo tiêu chuẩn quy định.

Bộ Y tế New Zealand cũng đã chi thêm hơn 100 triệu USD mua thêm thiết bị bảo hộ để tăng cường cho những người làm việc ở tuyến đầu chống dịch như những nhân viên làm việc tại cửa khẩu hàng không hay những người làm việc tại các cơ sở y tế cách ly.

Kiên quyết kiểm soát dịch Covid-19

New Zealand được đánh giá là một trong những quốc gia có các chính sách quản lý biên giới nghiêm ngặt nhất trong bối cảnh đại dịch tràn lan. Hai ca nhiễm mới đều là người từ nước ngoài trở về và số ca Covid-19 tại quốc gia này vào thời điểm hiện tại là 22 trường hợp.

Nền kinh tế New Zealand phụ thuộc chủ yếu vào du lịch với 4 triệu du khách quốc tế mỗi năm, gần bằng tổng dân số nước này. Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 càn quét các quốc gia như Italia, Hoa Kỳ, thì New Zealand đã kiên quyết thực hiện việc đóng cửa biên giới với du khách nước ngoài kể từ ngày 19/3/2020.

Theo cơ quan kiểm toán quốc gia, Chính phủ không nên cho phép mọi người nhập cảnh tự do vào New Zealand cho tới khi virus ngừng lây lan trên toàn cầu hoặc đã phát triển được một loại vắc-xin hiệu quả. Nhưng trong lúc vẫn đóng cửa biên giới nghiêm ngặt, các quy định có thể dần được nới lỏng và cuộc sống ở New Zealand có thể quay trở lại gần như bình thường.

Cho đến nay, có thể nói New Zealand là một trong những quốc gia đã kiểm soát dịch hiệu quả. Tuy nhiên, những thách thức tiếp theo mà New Zealand đối mặt là làm thế nào khiến nó không thể quay trở lại. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho rằng, còn quá sớm để ăn mừng dù đất nước đã đạt được nhiều thành tựu trong cuộc chiến chống Covid-19, vẫn còn nhiều vấn đề cần được giải quyết liên quan đến công tác chuẩn bị cho hệ thống y tế trong trường hợp số ca bệnh tăng mạnh. Tính đến nay, New Zealand có tổng cộng 1.528 ca mắc, trong đó có 22 trường hợp tử vong.

NGỌC QUỲNH
Cùng chuyên mục
New Zealand: Y tế “căng thẳng” vì thiếu nguồn lực