New Zealand: Thách thức trong “Chương trình mua lại súng”

(BKTO) - Ngày 07/5 vừa qua, Tổng Kiểm toán New Zealand John Ryan đã công bố một báo cáo và chỉ ra rằng, các kế hoạch trong “Chương trình mua lại súng” của Chính phủ còn một số thiếu sót. Kế hoạch đã gặp nhiều trở ngại trong quá trình thực hiện khi các chủ sở hữu súng cố tình tìm cách cất giấu số vũ khí trái phép khiến cơ quan quản lý không nắm bắt đầy đủ tình trạng sở hữu súng hiện nay.




New Zealand đã hoàn thành Chương trình mua lại súng. Ảnh: nytimes
Kinh phí bội chi gấp đôi

Chính phủ New Zealand đã ban bố lệnh cấm hầu hết các loại súng trường tấn công bán tự động từ sau vụ xả súng làm chết 51 người tại nhà thờ Hồi giáo ở TP. Christchurch hồi tháng 3/2019. New Zealand sau đó đã đề ra “Chương trình mua lại súng” kéo dài 6 tháng nhằm thu hồi các loại vũ khí từ người dân và kết thúc vào ngày 20/12/2019. Các quan chức của New Zealand tuyên bố rằng, kế hoạch mua lại 50.000 khẩu súng sau lệnh cấm sử dụng vũ khí sẽ góp phần biến đất nước này trở thành một nơi an toàn và yên bình.

Sau khi xem xét hiệu quả của Chương trình, Tổng Kiểm toán New Zealand mới đây đã công bố một báo cáo và chỉ ra rằng, chi phí thực hiện Chương trình của Chính phủ đã bội chi lớn, có thể gần gấp đôi so với số tiền trong kế hoạch ban đầu đề ra. Theo một tính toán sơ bộ trong tháng 02/2020, số tiền bồi thường 102 triệu USD trả cho người dân sở hữu súng bị thu hồi đã được thanh toán; tổng ngân sách chi cho Chương trình này có thể lên đến 120 triệu USD.

Cơ quan cảnh sát ước tính có khoảng 50.000 đến 240.000 khẩu súng bị cấm ở New Zealand nhưng đến nay mới có khoảng 61.332 khẩu súng được bàn giao lại cho các cơ quan chức năng để tiêu hủy. Kể từ tháng 3/2019, lực lượng cảnh sát cũng đã thu giữ hơn 2.400 khẩu súng bất hợp pháp từ các băng nhóm và những kẻ phạm tội khác.

Trước đây, luật pháp của New Zealand quy định việc quản lý vũ khí tập trung vào chủ sở hữu thay vì giám sát chặt chẽ số lượng súng riêng lẻ. Do đó, tại New Zealand, một vấn đề bất cập là không cơ quan nào, kể cả lực lượng cảnh sát có thể quản lý số lượng vũ khí bị cấm vẫn đang được lưu giữ trong cộng đồng. Văn phòng Tổng Kiểm toán cho rằng, nếu thiếu những thông tin này, Chương trình mua lại súng của Chính phủ có thể không đạt được hiệu quả như mong đợi.

Ngoài các vấn đề trên, Báo cáo kiểm toán chỉ ra rằng, các cơ quan cảnh sát đã quản lý Chương trình khá hiệu quả, việc thương lượng để thỏa thuận đền bù cho các cá nhân sở hữu súng khá thuận lợi, các khoản thanh toán bồi thường không vượt quá mức chi theo quy định, không có bằng chứng cho thấy có tình trạng chi tiêu lãng phí ngân sách cho Chương trình.

Cần tiến hành đăng ký sở hữu vũ khí

Bộ trưởng Bộ Công an New Zealand Stuart Nash khẳng định, các nhóm tội phạm giờ đây sẽ khó có cơ hội cướp vũ khí từ những chủ sở hữu để tấn công vì những loại vũ khí đó giờ sẽ không được lưu hành. Từ giờ trở đi, nếu cá nhân nào vẫn còn sở hữu bất cứ loại vũ khí nào, họ đã vi phạm pháp luật và sẽ bị đối mặt với án tù 5 năm.

Bộ trưởng Stuart Nash cho biết: “Một trong những nhiệm vụ hàng đầu hiện nay là tiếp tục thực hiện tốt chương trình điều tra, thu mua vũ khí của Chính phủ; giám sát, theo dõi chặt chẽ hơn việc sở hữu súng trong cộng đồng, đưa ra các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với các tội phạm sử dụng súng... Để khắc phục tình trạng không có thông tin chính xác về số lượng súng trong cộng đồng, chúng tôi sẽ thực hiện chương trình đăng ký sở hữu vũ khí để cảnh sát theo dõi tốt hơn, góp phần giữ an toàn cho mọi người và ngăn chặn tội phạm”.

Theo Tổng Kiểm toán John Ryan, Văn phòng của ông đã xem xét kỹ lưỡng quá trình, hiệu quả thực hiện Chương trình mua lại súng của Chính phủ và báo cáo lại với Quốc hội, bởi Chương trình mang lại lợi ích rất lớn cho cộng đồng.

Bên cạnh đó, Báo cáo kiểm toán đã đưa ra nhiều khuyến nghị như: lực lượng cảnh sát cần tiếp tục xây dựng mối quan hệ hài hòa với các cá nhân, tổ chức sở hữu vũ khí nói chung, súng nói riêng để thực hiện tuyên truyền giúp họ tuân thủ các quy định về sở hữu, sử dụng súng và tự nguyện bán lại súng cho Chính phủ; đồng thời tuyên truyền giúp cộng đồng nhận thức được lợi ích của các chính sách quốc gia nhằm giúp New Zealand trở thành một đất nước an toàn hơn.

THANH XUYÊN
Cùng chuyên mục
  • Hoa Kỳ: Nhiều văn phòng luật tại tiểu bang Kentucky bị tố sai phạm
    3 năm trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - ​Văn phòng Kiểm toán tiểu bang Kentucky, Hoa Kỳ mới đây đã lên tiếng cáo buộc ba cơ quan luật và tố tụng tại tiểu bang này về việc sử dụng sai ngân sách công. Những cơ quan này có thể sẽ phải đối mặt với các cáo trạng hình sự trước tòa án liên bang trong thời gian tới.
  • NAO Estonia cảnh báo thâm hụt ngân sách Chính phủ
    3 năm trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Estonia (NAO Estonia) mới đây đã lên tiếng chỉ trích về những lỗ hổng trong chi dùng ngân sách công của Chính phủ Estonia. Theo đó, NAO lên tiếng cảnh báo về khả năng ứng phó của Chính phủ nước này trước sự tấn công của đại dịch trong bối cảnh thâm hụt ngân sách lớn như hiện nay.
  • Rwanda:  Ngân sách công thất thoát lớn trong năm 2019
    3 năm trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - Văn phòng Tổng Kiểm toán nước Cộng hòa Rwanda (Đông Phi) vừa công bố Báo cáo kiểm toán thường niên 2019. Báo cáo tập trung lên án tình trạng ngày càng nhiều quỹ công bị chi tiêu lãng phí, đặc biệt là trong các DNNN.
  • Zimbabwe:  Kiểm toán các quỹ phòng, chống Covid-19
    3 năm trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - ​Vừa qua, Văn phòng Tổng Kiểm toán Zimbabwe (AG) Mildred Chari đã tiến hành kiểm toán tất cả các quỹ dành cho mục đích phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ngân sách của các quỹ này được các cá nhân, tổ chức trong nước và quốc tế đóng góp, tài trợ trong nỗ lực phòng, chống, đẩy lùi đại dịch.
  • Hà Lan: Sai phạm xung quanh thương vụ với Air France-KLM
    3 năm trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - Tòa Thẩm kế Hà Lan mới đây đã chỉ trích những sai phạm liên quan đến thỏa thuận mua cổ phần tại liên minh hàng không Air France-KLM của Chính phủ Hà Lan, trong đó nhấn mạnh việc vi phạm nguyên tắc báo cáo Nghị viện trước khi triển khai các thỏa thuận, giao dịch nhà nước có giá trị lớn.
New Zealand: Thách thức trong “Chương trình mua lại súng”