Châu Mỹ Latin: TCU kêu gọi Chính phủ các nước thiết lập cơ chế phối hợp thực hiện SDGs

(BKTO) - Tòa thẩm kế Liên bang Brazil (TCU) vừa qua đã chủ trì cuộc kiểm toán phối hợp về sự chuẩn bị của Chính phủ các nước thuộc khu vực châu Mỹ Latin trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc. Qua đó, TCU đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm cải thiện sự phối hợp thực hiện và lồng ghép SDGs trong các hành động của Chính phủ.



11 SAI tham gia kiểm toán SDGs

Cuộc kiểm toán được thực hiện trong khuôn khổ Ủy ban Kỹ thuật đặc biệt về Môi trường (COMTEMA) của Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao khu vực châu Mỹ Latin (OLACEFS), với sự hỗ trợ của Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Cộng hòa Liên bang Đức (BMZ).

TCU cho rằng, các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) của Chính phủ các nước tại khu vực Mỹ Latin đang ngày càng thể hiện rõ độ tin cậy trong vai trò giám sát chi tiêu công nhằm nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả và tính kinh tế của các chính sách, chương trình của Chính phủ. Thông qua chức năng giám sát của mình, các SAI có thể buộc Chính phủ phải tăng cường trách nhiệm trong việc thực hiện SDGs. Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) đã đề xuất 4 phương pháp tiếp cận kiểm toán và đánh giá SDGs, bao gồm: đánh giá sự chuẩn bị của chính phủ quốc gia trong việc thực hiện SDGs; triển khai kiểm toán hiệu quả trong bối cảnh thực hiện SDGs; những đóng góp trong việc thực hiện SDG 16 (hòa bình, công bằng và tăng cường thể chế); thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm trong các hoạt động riêng của các SAI.

Cuộc kiểm toán này là một trong bốn hợp phần của công tác kiểm toán và đánh giá thực hiện SDGs, với sự tham gia của 11 SAI, bao gồm: Argentina, Brazil, Chile, Costa Rica, Ecuador, Guatemala, Mexico, Paraguay, Peru, Cộng hòa Dominican và Venezuela. Theo đó, TCU đánh giá sự sẵn sàng của các quốc gia trong thực hiện SDGs ở cấp Chính phủ. Cuộc kiểm toán cũng xem xét, đánh giá Chương trình nghị sự 2030 của các chính phủ; kế hoạch dài hạn và trung hạn quốc gia; công tác phòng ngừa và quản lý rủi ro; công tác theo dõi, đánh giá chiến lược và các chỉ số quốc gia; việc nâng cao nhận thức và chuẩn bị Đánh giá quốc gia tự nguyện (VNR).

Nhiều thiếu sót trong quá trình thể chế hóa Chương trình nghị sự 2030

Theo báo cáo kiểm toán, Chính phủ các nước thuộc khu vực châu Mỹ Latin đã có sự huy động nguồn lực để thực hiện SDGs, nhưng sự chuẩn bị của các quốc gia trong khu vực vẫn còn chưa tập trung. Báo cáo nhấn mạnh vấn đề thiếu liên kết ở khu vực công, trong đó chỉ trích sự phối hợp giữa các Bộ, ngành còn yếu kém, hệ thống theo dõi chưa toàn diện và các chính sách công thiếu tích hợp. Cuộc kiểm toán đã phát hiện: các quá trình thể chế hóa Chương trình nghị sự 2030 còn nhiều thiếu sót liên quan đến các mục tiêu, chỉ tiêu quốc gia tại hầu hết các nước trong khu vực; kế hoạch dài hạn để thực hiện Chương trình; cơ chế quản lý, phòng ngừa rủi ro tích hợp và xuyên suốt dành cho Chương trình; các quy trình theo dõi, đánh giá SDGs và quá trình chuẩn bị VNR.

Theo TCU, những thiếu sót này chủ yếu bắt nguồn từ việc thiếu dữ liệu và thông tin; thông tin sẵn có chất lượng thấp; tính tích hợp thấp giữa các cơ chế theo dõi và đánh giá để cho phép thực hiện các cuộc đánh giá toàn diện; thiếu sự phối hợp với các bên liên quan trong quá trình chuẩn bị VNR. Mặt khác, dữ liệu tổng hợp và các phân tích lại được trình bày một cách biệt lập trong các VNR, thay vì thực hiện đánh giá tổng hợp và tích hợp để có thể góp phần cải thiện tính minh bạch trong hoạt động của Chính phủ.

Báo cáo kiểm toán đã đưa ra một số khuyến nghị mà Chính phủ các quốc gia cần xem xét khi thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và SDGs. Đó là: Chính phủ các nước trong khu vực châu Mỹ Latin cần xác định một kế hoạch hoặc chiến lược chính thức để thể chế hóa SDGs và Chương trình nghị sự 2030 ở các quốc gia, trong đó có cân nhắc đến các hoạt động, trách nhiệm, sản phẩm đầu ra và thời hạn; thiết lập các đơn vị chủ trì điều phối, thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và phân công rõ ràng trách nhiệm; thiết lập các cơ chế lồng ghép, phối hợp, thông tin giữa các Bộ, ngành để cho phép lập lộ trình thực hiện và hài hòa hóa các sáng kiến trong thực hiện SDGs.

Bên cạnh đó, TCU cũng kêu gọi Chính phủ các quốc gia trong khu vực cần thiết lập các công cụ lập kế hoạch dài hạn, áp dụng các cơ chế phù hợp để phòng ngừa và quản lý rủi ro, tăng cường năng lực kỹ thuật của các hệ thống thống kê quốc gia, tối ưu hóa quyền truy cập dữ liệu thống kê quốc gia cũng như thiết lập các quy trình, phương pháp tích hợp cho việc chuẩn bị VNR.

NGỌC QUỲNH
Theo Báo Kiểm toán số 29 ra ngày 18-7-2019
Cùng chuyên mục
Châu Mỹ Latin: TCU kêu gọi Chính phủ các nước thiết lập cơ chế phối hợp thực hiện SDGs