Châu Âu thắt chặt cơ chế trao đổi phát thải

(BKTO) - Ủy ban châu Âu (EC) cần thắt chặt hơn nữa những tiêu chí để cấp hạn mức miễn phí trong Thị trường mua bán khí phát thải của Liên minh châu Âu (ETS). Đây là khuyến nghị được đưa ra trong bản báo cáo mới nhất phát hành giữa tháng 9 vừa qua của Tòa Thẩm kế châu ÂU (ECA), trong đó chỉ trích rằng chính những hạn mức miễn phí được cấp không trúng đích đã làm chậm tác động giảm thiểu ô nhiễm không khí trong lĩnh vực điện năng.




Phát thải từ các nhà máy gây ô nhiễm không khí. Ảnh: ST

Cải thiện việc xác định mục tiêu và lộ trình thực hiện ETS

Theo Báo cáo của ECA, các hạn mức phát thải được cấp miễn phí vẫn chiếm hơn 40% tổng số hạn mức hiện có trong cơ chế ETS của EU. Những hạn mức phát thải miễn phí này được phân bổ cho ngành công nghiệp, hàng không và điện năng ở một số quốc gia thành viên, song không đạt được mục tiêu như dự kiến. ECA cũng chỉ trích tốc độ giảm thiểu lượng khí carbon trong lĩnh vực điện năng tại EU đã chậm đi đáng kể.

Các lĩnh vực công nghiệp và hàng không được hưởng lợi từ các hạn mức phát thải miễn phí, không giống như hầu hết các nhà khai thác trong lĩnh vực điện năng, vì người ta coi rằng họ có thể chuyển chi phí carbon trực tiếp cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, tại 8 quốc gia thành viên có GDP bình quân đầu người dưới 60% mức trung bình của EU, ngành điện được nhận hạn mức phát thải miễn phí để hỗ trợ quá trình hiện đại hóa.

Ông Samo Jereb - Kiểm toán viên của ECA, người đứng đầu cuộc kiểm toán - cho hay: “Các hạn mức phát thải miễn phí nên được nhắm vào những lĩnh vực công nghiệp ít có khả năng chuyển chi phí carbon nhất cho người tiêu dùng. Các lĩnh vực chiếm hơn 90% lượng khí thải công nghiệp đều được coi là có nguy cơ rò rỉ carbon và được hưởng lợi từ tỷ lệ hạn mức miễn phí cao. EU sẽ không thể thu được đầy đủ lợi ích mà ETS mang lại về giảm lượng carbon và cải thiện tài chính công nếu không xác định tốt mục tiêu của việc phân bổ hạn mức phát thải miễn phí”.

Các kiểm toán viên nhận thấy rằng, ngành điện năng tại 8 quốc gia được nhận hạn mức phát thải miễn phí để đầu tư vào hiện đại hóa có tốc độ giảm thiểu carbon chậm hơn đáng kể so với các nước thành viên khác. Các khoản đầu tư thường được sử dụng để cải thiện các nhà máy điện than non và than cứng hiện có thay vì chuyển sang các nhiên liệu ít ô nhiễm hơn, đặc biệt là ở Bulgaria, Séc, Ba Lan và Romania.

Theo các kiểm toán viên, EC cần xây dựng, bổ sung các quy trình để có thể đưa ra những quyết định cấp hạn mức phát thải miễn phí đúng đắn, phản ánh đúng tinh thần của Thỏa thuận Paris cũng như các thỏa thuận gần đây liên quan đến giảm thiểu hiệu ứng khí nhà kính. Bên cạnh đó, EC cần nhanh chóng thắt chặt các quy tắc ảnh hưởng đến ngành điện cho giai đoạn 2021-2030.

Giảm thiểu nguy cơ rò rỉ carbon

Về nguyên tắc, theo cơ chế ETS, EU đưa ra tổng mức phát thải cho từng thời kỳ cho tất cả các quốc gia trong khối tham gia và được thiết lập theo hướng giảm dần theo từng năm. Hằng năm, một tỷ lệ nhất định của hạn mức phát thải cho phép sẽ được phân bổ miễn phí cho các bên tham gia thị trường, trong khi phần còn lại sẽ được đưa ra bán trên thị trường. Vào cuối mỗi năm, các bên tham gia phải nộp lại hạn mức phát thải cho phép mà DN đã thải ra thị trường trong năm đó.

Cơ chế ETS sử dụng các hạn mức phát thải miễn phí để không khuyến khích các DN EU chuyển hoạt động sang các nước không thuộc EU có tiêu chuẩn môi trường thấp hơn, vì điều này sẽ làm giảm đầu tư vào EU và tăng lượng khí thải toàn cầu. Hay còn được biết đến là “rò rỉ carbon”.

Việc phân bổ miễn phí các hạn mức phát thải cho các lĩnh vực công nghiệp được thực hiện dựa trên thang điểm chuẩn. Các hạn mức sẽ dần dần được loại bỏ cho tới năm 2030 trừ khi lĩnh vực này được coi là có nguy cơ rò rỉ carbon. Mặc dù cách tiếp cận này cung cấp các động lực để cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng nhưng ECA cho rằng cần xác định lộ trình tốt hơn.

Theo Báo cáo, lĩnh vực hàng không vẫn nhận được hạn mức phát thải miễn phí mặc dù có thể chuyển chi phí carbon cho khách hàng. Các kiểm toán viên cảnh báo rằng điều này có thể hỗ trợ phương thức vận tải phát thải carbon cao và gây tổn hại cho ngành đường sắt. Các kiểm toán viên cũng lập luận rằng, việc phân bổ hạn mức có mục tiêu tốt hơn sẽ giải quyết được nguy cơ rò rỉ carbon, giảm lợi nhuận từ gió và có lợi cho tài chính công thông qua việc tăng tỷ trọng các hạn mức được đấu giá.
NGỌC QUỲNH
Cùng chuyên mục
Châu Âu thắt chặt cơ chế trao đổi phát thải