Canada: Quản lý tài chính yếu kém tại các tổ chức giáo dục, đào tạo tỉnh Manitoba
Thứ Hai, 09/11/2020 09:15:00
(BKTO) - Một cuộc kiểm toán mới được công bố vào cuối tháng 10 vừa qua đã chỉ ra những vấn đề rất đáng lo ngại trong công tác quản lý tài chính và công tác quản trị nói chung tại 7 tổ chức giáo dục từ sau bậc trung học đến đại học của tỉnh Manitoba.

Đại học Manitoba đã tích cực thực hiện khuyến nghị kiểm toán. Ảnh: Umanitoba
Công tác giám sát lỏng lẻo, yếu kém
Từ trước đến nay, chính quyền tỉnh Manitoba chưa thực hiện nhiều cuộc kiểm toán để xem xét công tác quản lý, đặc biệt là quản lý tài chính, tại các tổ chức giáo dục từ sau bậc trung học đến đại học của địa phương. Tuy nhiên, chính quyền tỉnh đã nhận thấy hoạt động tại các tổ chức này đang ẩn chứa nhiều vấn đề nan giải, tiềm ẩn những rủi ro, gian lận.
Điển hình là trường hợp Trường Cao đẳng Red River để xảy ra nhiều vụ bê bối, nhiều cáo buộc nghiêm trọng khiến cựu Hiệu trưởng của Trường phải từ chức vào năm 2014. Đặc biệt, vị cựu Hiệu trưởng này bị cáo buộc đã tự ý duyệt chi hàng loạt khoản tiền lớn từ ngân sách của Trường, các khoản chi đều không chính đáng. Sau Red River, nhiều trường đại học, cao đẳng và các tổ chức giáo dục tại địa phương cũng để xảy ra những vụ bê bối tương tự khiến Văn phòng Tổng Kiểm toán ngay lập tức đưa ra kế hoạch kiểm toán.
Cuộc kiểm toán được bắt đầu tiến hành cũng đúng vào thời điểm Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Manitoba được giao nhiều quyền hạn hơn và phải chịu trách nhiệm về việc trực tiếp quản lý các tổ chức giáo dục từ sau bậc trung học đến đại học đóng tại địa bàn tỉnh. Cuộc kiểm toán trên chỉ ra rằng, những vấn đề đáng lo ngại trong công tác quản lý, hoạt động tài chính, chi tiêu ngân sách công xuất hiện khắp mọi nơi, từ trong bộ máy của Sở tới các trường đại học, cao đẳng, các tổ chức giáo dục...
Sau khi tiến hành kiểm tra, Văn phòng đã công bố Báo cáo kiểm toán có tiêu đề “Kiểm toán công tác giám sát các cơ sở giáo dục, đào tạo sau bậc trung học”, xem xét hoạt động của các trường trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2018.
Văn phòng Kiểm toán đặc biệt nhấn mạnh, Sở Giáo dục và Đào tạo Manitoba đã không quản lý, giám sát chặt chẽ công tác chi tiêu công tại các tổ chức giáo dục trên địa bàn và cũng không thiết lập các quy chế, quy định nêu rõ trách nhiệm giải trình của các tổ chức giáo dục trong việc quản lý, sử dụng ngân sách khiến sai phạm liên tiếp xảy ra. Trong đó, Đại học Manitoba bị chỉ trích để xảy ra nhiều vấn đề nan giải. Đặc biệt, tháng 7 vừa qua, một cán bộ cấp cao bị phát hiện sử dụng ngân sách của Trường sai mục đích. Ngay sau đó, Ban Lãnh đạo Trường đã yêu cầu người này có hành động khắc phục ngay lập tức, đồng thời, củng cố các biện pháp kiểm soát tài chính nội bộ đã được đưa ra trước đó.
Đại học Manitoba tích cực thực hiện khuyến nghị
Văn phòng Tổng Kiểm toán tỉnh đã đưa ra 27 khuyến nghị cho các tổ chức giáo dục sau bậc trung học ở Manitoba để giải quyết các vấn đề Báo cáo kiểm toán nêu ra. Văn phòng nhấn mạnh, các tổ chức cần thường xuyên kiểm tra các quy trình quản lý, giám sát; nâng cao năng lực của các thành viên trong hội đồng quản trị; đổi mới công tác đào tạo tại các tổ chức...
Sau khi những khuyến nghị trên được đưa ra, Đại học Manitoba đã nhanh chóng thực hiện các khuyến nghị. Ban Lãnh đạo Đại học đã tiến hành họp bàn về Báo cáo kiểm toán và vạch ra kế hoạch ưu tiên thực hiện những khuyến nghị nào trước. Đến nay, 14/27 khuyến nghị đã cơ bản được thực hiện, 6 khuyến nghị đang được tiến hành và 7 khuyến nghị đang được lên kế hoạch thực hiện. Trường cũng đưa ra một số ý kiến gửi lên chính quyền tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Manitoba để góp ý những giải pháp khắc phục các vấn đề tồn đọng, đồng thời góp phần tạo ra một “quy trình hợp tác minh bạch và kịp thời hơn” giữa các tổ chức.
Những kết quả của cuộc kiểm toán trên đã được thảo luận tại một cuộc họp do Hội đồng quản trị Đại học Manitoba tổ chức vào ngày 07/10. Đại học cũng đang chờ phản hồi từ chính quyền tỉnh về việc áp dụng các biện pháp nhằm khắc phục những sai sót được Báo cáo kiểm toán chỉ ra, cũng như việc giải quyết đề xuất của Trường về các khoản tài trợ kinh phí hoạt động trong thời gian tiếp theo.
THANH XUYÊN
Tin cùng chuyên mục
-
2006-2020: Chặng đường phát triển đáng tự hào của Deloitte
-
Big Four Australia: Nỗ lực phát triển trong bối cảnh đại dịch
-
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2020, Kiểm toán Nhà nước xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm năm 2021
-
Khen thưởng nhiều tập thể, cá nhân của Kiểm toán Nhà nước và 16 cuộc kiểm toán chất lượng vàng năm 2020
-
KPMG được trao bằng sáng chế cho nền tảng trí tuệ nhân tạo
-
Tăng trưởng cân bằng giúp BDO đạt doanh thu toàn cầu trên 10 tỷ USD
-
Hoa Kỳ: Kiểm toán chuyên sâu sau khi phát hiện gian lận tại quận King William
-
Hoa Kỳ: Ngân sách Trường Đại học Kentucky bị lạm dụng
-
Guyana: Hội liên hiệp Vận tải và Công nhân thất thoát hàng triệu USD
-
Ấn Độ: Vi phạm quy chế tài chính nghiêm trọng tại Đại học Delhi
Đọc nhiều nhất
-
Mục tiêu, trọng yếu và nội dung kiểm toán chủ yếu năm 2021
-
Kiểm toán Nhà nước đã có nhiều đổi mới trong phương pháp kiểm toán, góp phần tăng cường công tác quản lý và chấn chỉnh kỷ luật tài chính
-
Tập huấn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN cho các đơn vị chuyên ngành
-
Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khoa học của Kiểm toán Nhà nước
-
Đúc rút kinh nghiệm, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán
-
Hướng dẫn kiểm toán dự án đầu tư xây dựng công trình
-
Nghệ An: Thu hút được những nhà nhà đầu tư thật sự có năng lực
-
Thông tuyến tỉnh Bảo hiểm y tế: Thách thức lớn đối với các cơ sở y tế
-
Chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả công tác kiểm toán, kiểm soát chất lượng kiểm toán