Canada: Doanh nghiệp chú trọng kiểm toán tuân thủ để cải thiện điều kiện làm việc

(BKTO) - Nhiều năm qua, Tập đoàn may mặc hàng đầu Canada Gildan đã luôn chú trọng công tác kiểm toán tuân thủ (KTTT) tại các đơn vị trực thuộc để ngày càng cải thiện điều kiện làm việc của người lao động.




Chủ tịch và Giám đốc điều hành Gildan Glenn Chamandy. Ảnh: canadianbusiness

Phát huy vai trò của kiểm toán tuân thủ

Tập đoàn Gildan sở hữu và tự vận hành các cơ sở sản xuất để làm ra hầu hết các sản phẩm họ cung cấp cho thị trường. Doanh thu của Gildan năm 2017 lên tới 2,75 tỷ USD với các sản phẩm được bán tại hơn 60 quốc gia. Để có được những thành công đó, Gildan luôn đảm bảo quyền lợi của người lao động và đặt sự minh bạch trong kinh doanh lên hàng đầu, điển hình là việc thường xuyên thực hiện các cuộc KTTT tại các nhà máy.

Trong lĩnh vực may mặc, KTTT là hoạt động không thể thiếu nhằm đảm bảo và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. KTTT đóng vai trò là công cụ đắc lực để xác định xem các nhà máy có tuân thủ những chuẩn mực lao động hay không, bao gồm nhiều khía cạnh như: lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, an toàn lao động, hợp đồng lao động, tình trạng phân biệt đối xử nơi làm việc, giờ làm việc, chế độ đãi ngộ, hệ thống quản lý…

Gildan thực hiện các cuộc KTTT thường xuyên để đảm bảo mọi quyền lợi của người lao động như: quyền được tôn trọng, được nhận tiền lương đầy đủ và được làm việc trong điều kiện an toàn. KTTT cũng đảm bảo rằng, các xí nghiệp và cả Tập đoàn luôn tuân thủ các quy tắc ứng xử, luật pháp trong nước và quốc tế cũng như các quy tắc của ngành, các hiệp hội nghề nghiệp...

Vừa qua, Gildan đã công khai quy trình kiểm toán chi tiết được sử dụng trong các nhà máy của Tập đoàn mỗi năm. Chỉ riêng năm 2018, Gildan đã thực hiện 181 cuộc kiểm toán tại các nhà máy, nhà thầu và nhà cung cấp nguyên liệu.

Thực hiện kiểm toán không báo trước tại Gildan

Các cuộc KTTT tại Gildan sẽ không được báo trước. Đội ngũ kiểm toán viên sẽ bất ngờ đến các nhà máy và thông báo cho các quản lý rằng quy trình kiểm toán được bắt đầu. Trong một số trường hợp đặc biệt, một số cuộc KTTT có thể được thông báo, nhưng cũng không có thời gian cụ thể.

Bước đầu, đội ngũ kiểm toán viên sẽ họp với các quản lý để tìm hiểu hoạt động của đơn vị, công tác quản lý nhân sự cũng như xét xem có bất kỳ vấn đề nào không. Thông thường, toàn bộ đội ngũ quản lý (gồm cả quản lý nhà máy, cán bộ quản lý an toàn lao động và môi trường, quản lý nhân sự, quản lý công tác bảo trì) đều có mặt trong quá trình kiểm toán. Cuộc họp này nêu rõ, cuộc KTTT được thực hiện để giúp các đơn vị được kiểm toán giải quyết mọi vấn đề về tuân thủ, từ đó có thể cải thiện các thiếu sót.

Sau đó, kiểm toán viên sẽ xem xét toàn bộ hoạt động của nhà máy, kiểm tra công tác phòng, chống cháy nổ, an toàn máy móc, an toàn hóa chất, thiết bị bảo hộ lao động, điều kiện vệ sinh... Mục tiêu của việc kiểm tra kỹ lưỡng mọi hoạt động nhằm đảm bảo rằng nhân viên được làm việc trong một môi trường an toàn và tất cả các chính sách được nhà máy tuân thủ.

Tiếp theo, kiểm toán viên sẽ tiến hành các cuộc phỏng vấn trực tiếp với các nhân viên được chọn ngẫu nhiên, trong đó, kiểm toán viên đặt ra nhiều câu hỏi để kiểm tra xem điều kiện làm việc của người lao động có được đảm bảo không. Đồng thời, kiểm toán viên cũng trò chuyện ngẫu nhiên với công nhân để thu thập thông tin về điều kiện làm việc và việc tuân thủ quy trình sản xuất. Tất cả thông tin và danh tính của nhân viên đều được kiểm toán viên bảo mật để nhân viên có thể chia sẻ mọi ý kiến.

Sau đó, kiểm toán viên tiến hành xem xét tài liệu, tài liệu nội bộ (các hồ sơ, quy chế, chính sách nội bộ, bảng lương, thông tin an sinh xã hội, hồ sơ nhân sự, giấy chứng nhận, giấy phép…) và tài liệu bên ngoài (liên quan đến việc hướng dẫn Gildan tuân thủ các quy định và đảm bảo tính bền vững của DN, các quy định của địa phương, luật pháp quốc gia, quốc tế…).

Kiểm toán viên sẽ hoàn thành quy trình KTTT bằng cách phỏng vấn người quản lý để đánh giá sự hiểu biết của họ về các chính sách, quy trình và thực tiễn của đơn vị, để xác định mức độ tuân thủ của nhà máy.

Cuối cùng, kiểm toán viên tiến hành cuộc họp để trình bày những phát hiện sơ bộ và chỉ ra các trường hợp không tuân thủ. Những nhà máy để xảy ra thiếu sót phải ngay lập tức lên kế hoạch hành động khắc phục. Quản lý của các nhà máy sẽ nhận được khuyến nghị về cách giải quyết thiếu sót hiệu quả nhất.

Tất cả quá trình KTTT, khắc phục sai sót tại các nhà máy trên toàn thế giới đều được Gildan theo dõi chặt chẽ. Tập đoàn cũng sẽ công khai các báo cáo, số liệu mỗi năm một lần và để đảm bảo tính tuân thủ, tính liêm chính và đạo đức trong toàn tổ chức, Tập đoàn đã thành lập Ủy ban Chỉ đạo tuân thủ chịu trách nhiệm giám sát sự tuân thủ của các thành viên trên toàn cầu. Một cuộc KTTT tạm khép lại nhưng chưa phải là kết thúc bởi KTTT là quá trình diễn ra liên tục. Khi nói đến việc cải thiện nhân lực và điều kiện làm việc, Gildan luôn hướng đến sự cải tiến và ngày càng phát triển hơn.

THANH XUYÊN
Cùng chuyên mục
  • Big Four:  Nơi giữ chân nhân tài và đấu tranh  vì bình đẳng giới
    3 năm trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - Năm 2019, bốn hãng kiểm toán lớn nhất toàn cầu (Big Four) gồm: Deloitte, EY, KPMG và PwC đã phải đối mặt với vô số thách thức, tuy nhiên, nhờ những chính sách đãi ngộ và chiến lược bình quyền được xây dựng kỹ càng, họ đã thành công trong nỗ lực đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ, với những mức doanh thu cao kỷ lục.
  • Những trải nghiệm khi làm việc  tại Tòa Thẩm kế châu Âu
    3 năm trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - Là một tổ chức kiểm toán của Liên minh châu Âu (EU), Tòa Thẩm kế châu Âu (ECA) có vai trò cải thiện công tác quản lý tài chính, thúc đẩy trách nhiệm giải trình, tính minh bạch và đóng vai trò là cơ quan độc lập bảo vệ lợi ích tài chính của các công dân EU. Làm việc tại ECA là một cơ hội đặc biệt để trở thành một phần của tổ chức được tạo ra nhằm thực hiện sứ mệnh bảo vệ nền tài chính châu Âu.
  • Anh: Kiểm toán Nhà nước nỗ lực nâng cao chất lượng nhân sự
    3 năm trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - ​Là một trong những cơ quan kiểm toán tối cao có lịch sử lâu đời với thế mạnh về kiểm toán tài chính và kiểm toán giá trị tiền tệ, KTNN Anh (NAO) luôn coi yếu tố con người là một trong những tài sản quan trọng nhất trong các giai đoạn, quá trình phát triển của Tổ chức.
  • Tuvalu: Tăng cường hợp tác để nâng cao chất lượng kiểm toán
    3 năm trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - Mới đây, Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) Tuvalu (còn gọi là Quần đảo Ellice, phía Nam Thái Bình Dương) đã ký Bản ghi nhớ với Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao Thái Bình Dương (PASAI) và Cơ quan Sáng kiến phát triển của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (IDI-INTOSAI).
  • Cần đánh giá khách quan về trách nhiệm của kiểm toán viên
    3 năm trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - ​Vừa qua, GS. Olof Bik - một trong những học giả hàng đầu Hà Lan - đã chỉ trích cách các cơ quan quản lý lĩnh vực kế toán, kiểm toán và giới truyền thông quy trách nhiệm hoàn toàn cho các kiểm toán viên mỗi khi có sai sót.
Canada: Doanh nghiệp chú trọng kiểm toán tuân thủ để cải thiện điều kiện làm việc