Bê bối tham nhũng tại Liên đoàn Cử tạ Thế giới

(BKTO) - Một cuộc kiểm toán độc lập tại Liên đoàn Cử tạ Thế giới (IWF) gần đây đã phát hiện tham nhũng trên diện rộng và hàng chục xét nghiệm doping bị che giấu. Các kiểm toán viên cũng cáo buộc cách lãnh đạo độc đoán, độc tài của cựu Chủ tịch IWF Tamas Ajan đã khiến IWF bị rối loạn, dẫn đến hoạt động không hiệu quả.




Cựu Chủ tịch IWF Tamas Ajan bị cáo buộc tham nhũng. Ảnh: ST

Thao túng Tổ chức

Bản Báo cáo phát hành ngày 05/6 cho biết, cuộc kiểm toán về các vấn đề của IWF dưới thời cựu Chủ tịch Tamas Ajan cho thấy hàng triệu USD bị hô biến và ít nhất 40 trường hợp xét nghiệm doping đã bị che giấu. Các kiểm toán viên đã cáo buộc ông Tamas Ajan có những hành vi tham nhũng trong suốt thời gian dài lãnh đạo IWF trong vai trò Chủ tịch.

Ông Tamas Ajan, 81 tuổi, đã giữ chức Chủ tịch IWF từ năm 2000 và từ chức vào tháng 4 vừa qua. Vị cựu Chủ tịch người Hungary này được cho là đã bòn rút số tiền lớn từ ngân sách của Tổ chức một cách mờ ám và nhận nhiều khoản hối lộ để che đậy các xét nghiệm doping. Theo kết quả điều tra, có ít nhất 10,4 triệu USD được người đàn ông này chi dùng cho mục đích cá nhân và không được hạch toán. Song song đó, Tamas Ajan đã cố gắng hết sức để các khoản thanh toán ở IWF phải sử dụng tiền mặt nhằm có thể gian lận sổ sách.

Mục đích sử dụng cũng như giá trị thực tế của những khoản tiền này đến nay vẫn chưa được làm rõ. Báo cáo nhận định: “Hoàn toàn không xác định được bao nhiêu tiền mặt thu được hoặc rút ra để sử dụng cho các chi phí hợp pháp và IWF hiện đang thâm hụt khoảng 10,4 triệu USD. Mọi người đều không nắm rõ tình hình tài chính do việc sử dụng các tài khoản ngân hàng ẩn”. IWF đã rơi vào tình trạng mập mờ tài chính do ngân quỹ bị gửi vào các tài khoản ngân hàng ẩn, khiến một số khoản tiền không được kê khai minh bạch.

Ngoài quản lý tài chính lỏng lẻo và che giấu xét nghiệm doping, IWF cũng bị cáo buộc tham nhũng trong quá trình bổ nhiệm. Các kiểm toán viên cho biết, hai đại hội bầu cử gần đây nhất có những dấu hiệu về việc mua phiếu bầu cho chức Chủ tịch và các vị trí cấp cao của Ban Điều hành IWF.

Bên cạnh đó, Báo cáo cũng đánh giá công việc của Ủy ban Kiểm toán nội bộ (IAC) của IWF là một sự giả tạo, không trung thực và khách quan.

Cần những cải cáchtriệt để

Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) tỏ ra quan ngại trước những phát hiện của cuộc kiểm toán. Người phát ngôn của IOC cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ IWF và Chủ tịch lâm thời nhằm tiến hành cải cách triệt để hoạt động của Tổ chức. IOC sẽ liên hệ với Cơ quan Phòng chống doping thế giới (WADA) để xác định xem có bất kỳ trường hợp doping nào liên quan đến Olympic hay không nhằm đưa vào danh sách theo dõi và sẽ có những hành động xử lý phù hợp.

Trước đó, ngày 22/01/2020, ông Tamas Ajan đã bị đình chỉ 90 ngày, đồng thời, IWF triệu tập các chuyên gia độc lập để điều tra những cáo buộc. Sau khi ông Tamas Ajan bị đình chỉ chức vụ, Ban Điều hành của IWF đã quyết định đề cử bà Ursula Papandrea - Chủ tịch Liên đoàn Cử tạ Hoa Kỳ - giữ chức Quyền Chủ tịch IWF, tạm thay thế ông Ajan chịu trách nhiệm điều hành cho đến giữa tháng 6/2020.

Đến tháng 4 vừa qua, vị cựu Chủ tịch IWF đã chính thức xin từ chức, sau khi một bộ phim tài liệu của Đài truyền hình Đức ARD trình chiếu ngày 05/01/2020 cáo buộc nhiều hành vi gian lận, tham nhũng trong môn thể thao cử tạ này. Theo ARD, nhiều vận động viên cử tạ nổi tiếng ít khi bị kiểm tra doping và đã từng hối lộ nhiều khoản tiền mặt có giá trị lớn cho cơ quan giám sát và kiểm soát viên để mẫu nước tiểu được hợp lệ. Những phóng viên điều tra của ARD khẳng định, có đến một nửa trong số 450 nhà vô địch thế giới hoặc đoạt huy chương Olympic từ năm 2008-2017 không được yêu cầu thực hiện bất kỳ bài kiểm tra doping nào.

Khi bê bối che đậy doping bị phơi bày, lập tức những cuộc kiểm tra cho thấy hàng loạt đô cử của nhiều quốc gia như: Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Nga... đã bị phát hiện sử dụng doping dẫn đến việc bị cấm thi đấu ít nhất 1 năm.

NGỌC QUỲNH
Cùng chuyên mục
  • Châu Âu: Quan ngại về mất cân bằng sinh học trong nông nghiệp
    3 năm trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - ​Tòa Thẩm kế châu Âu (ECA) lên tiếng cảnh báo rằng, Chính sách Nông nghiệp tiên phong của Liên minh châu Âu (CAP) đã không phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn tình trạng suy thoái trong đa dạng sinh học, vốn là vấn đề nghiêm trọng trong phát triển nông nghiệp tại châu Âu.
  • Congo:  Quỹ tài trợ công tác phòng, chống  sốt rét bội chi lớn
    3 năm trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - Tháng 5 vừa qua, Văn phòng Tổng Thanh tra (OIG) của Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét (GF) đã công bố kết quả cuộc kiểm toán xem xét việc quản lý, phân bổ và sử dụng các khoản tài trợ của Quỹ tại Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC). Cuộc kiểm toán đã chỉ ra nhiều thiếu sót trong công tác quản lý tài chính và giám sát các khoản tài trợ của GF.
  • Nam Phi: Quản lý tài chính lỏng lẻo tại Johannesburg
    3 năm trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - Trong Báo cáo kiểm toán năm tài chính 2018-2019, Tổng Kiểm toán Nam Phi đã lên án tình trạng quản lý tài chính vô cùng lỏng lẻo của TP. Johannesburg. Chính quyền yếu kém và vô trách nhiệm đã để xảy ra nhiều khoản chi tiêu bất thường, trái phép lên đến 3,5 tỷ Rand Nam Phi (ZAR), tương đương 208,4 triệu USD, cao hơn số tiền bị chi tiêu lãng phí trong năm tài chính trước đó tới 758 triệu ZAR.
  • New Zealand: Thách thức trong “Chương trình mua lại súng”
    3 năm trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - Ngày 07/5 vừa qua, Tổng Kiểm toán New Zealand John Ryan đã công bố một báo cáo và chỉ ra rằng, các kế hoạch trong “Chương trình mua lại súng” của Chính phủ còn một số thiếu sót. Kế hoạch đã gặp nhiều trở ngại trong quá trình thực hiện khi các chủ sở hữu súng cố tình tìm cách cất giấu số vũ khí trái phép khiến cơ quan quản lý không nắm bắt đầy đủ tình trạng sở hữu súng hiện nay.
  • Hoa Kỳ: Nhiều văn phòng luật tại tiểu bang Kentucky bị tố sai phạm
    3 năm trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - ​Văn phòng Kiểm toán tiểu bang Kentucky, Hoa Kỳ mới đây đã lên tiếng cáo buộc ba cơ quan luật và tố tụng tại tiểu bang này về việc sử dụng sai ngân sách công. Những cơ quan này có thể sẽ phải đối mặt với các cáo trạng hình sự trước tòa án liên bang trong thời gian tới.
Bê bối tham nhũng tại Liên đoàn Cử tạ Thế giới