Australia: Sydney đối mặt nguy cơ cạn kiệt nước ngọt

(BKTO) - ​Chính quyền tiểu bang New South Wales (NSW), Australia đã thất bại trong việc thực hiện các biện pháp dự trữ nước cho Sydney, khiến cho nguồn cung cấp nước của thành phố lớn nhất nước này đứng trước rủi ro bị tổn thương nghiêm trọng trước sự gia tăng dân số, hạn hán và biến đổi khí hậu.



Thông tin này được đưa ra trong Báo cáo kiểm toán mới đây của Văn phòng Kiểm toán tiểu bang NSW. Cuộc kiểm toán đã xem xét liệu Sở Kế hoạch, Công nghiệp và Môi trường NSW cũng như Cơ quan Cấp nước Sydney có hoạch định và áp dụng một cách đúng đắn các biện pháp bảo tồn nước từ năm 2016 hay không.

Các kiểm toán viên nhận thấy, cả hai cơ quan này đều không đáp ứng các yêu cầu chính của Đề án cấp nước đô thị của Chính phủ Australia và Cơ quan Cấp nước Sydney cũng không đáp ứng các yêu cầu về dự trữ nước như trong giấy phép hoạt động.

Trong Báo cáo, Văn phòng Kiểm toán NSW kết luận: Sở Kế hoạch, Công nghiệp và Môi trường của Tiểu bang đã không thực hiện những phân tích chi tiết về các lựa chọn dự trữ nước từ năm 2013; Sở này cũng không lập thành tài liệu các chiến lược về tiết kiệm nước cho TP. Sydney; ngân sách cho bảo tồn nước đã bị cắt từ năm 2012; Cơ quan Cấp nước Sydney thiếu hoạch định và chậm trễ ứng phó với khô hạn; Sở Kế hoạch, Công nghiệp và Môi trường NSW không cải tiến những rào cản pháp lý đối với việc tái chế nước.

Báo cáo của Văn phòng kiểm toán tiểu bang NSW cũng nhận định, Cơ quan Cấp nước Sydney đã chậm trễ hơn hai năm trong quyết định tăng kinh phí cho việc dự trữ nước để đối phó với đợt khô hạn gần đây.

Do đó, nguồn cung cấp nước của Sydney không thể thích ứng kịp với sự gia tăng dân số và biến đổi khí hậu, bao gồm cả hạn hán, Báo cáo cho biết. Người dân Sydney hiện đang đứng trước rủi ro cạn kiệt nguồn nước ngọt trong 12 tháng tới và hiện đang phải trả những hóa đơn tiền nước cao hơn nhiều so với trước kia.

Công bố kiểm toán diễn ra chỉ vài tháng sau khi chính quyền Tiểu bang nới lỏng các hạn chế về nước. Trước đó, Sydney đã phải áp dụng các phương pháp tiết kiệm nước, bao gồm áp dụng quy định hạn chế về nước nhằm hạn chế lượng nước mà người dân được phép sử dụng ngoài trời.

HOÀNG BÁCH
Cùng chuyên mục
Australia: Sydney đối mặt nguy cơ cạn kiệt nước ngọt