Australia: Nhiều nhà máy điện khí hoạt động dưới công suất

(BKTO) - Viện Nghiên cứu quốc gia Australia mới đây đã công bố Báo cáo kiểm toán năng lượng quốc gia, trong đó cảnh báo tình trạng vận hành dưới công suất của nhiều nhà máy điện khí hiện có tại nước này, dẫn tới giá thành điện năng cao và làm giảm thiểu tính kinh tế.



Điện khí - nguồn năng lượngđắt đỏ

Chuyên gia phân tích năng lượng Hugh Saddler của Viện Nghiên cứu quốc gia Australia - người tham gia cuộc kiểm toán năng lượng này - cho biết, các nhà máy điện khí hiện nay tại Australia hoạt động theo chu trình kết hợp trong lưới điện quốc gia chỉ chạy với công suất 30% trên tổng công suất trong 18 tháng qua.

Báo cáo nhận định, nguyên nhân của việc hoạt động dưới công suất này phần lớn xuất phát từ việc điện khí vẫn là nguồn năng lượng có giá thành cao nhất tại quốc gia này và nguồn cung khí không dồi dào. Chi phí điện năng đắt đỏ dẫn đến sự gia tăng đáng kể chi phí sinh hoạt và giảm thiểu tính kinh tế.

Cuộc kiểm toán đánh giá, khí đốt đắt đỏ và vẫn là nguyên nhân gây ô nhiễm cao. Báo cáo cho biết, lượng phát thải từ năng lượng khí đốt thường được cho là bằng một nửa lượng phát thải từ than đá, song điều này không ảnh hưởng đến lượng khí mê-tan (một loại khí nhà kính rất mạnh nhưng có thời gian tồn tại ngắn) rò rỉ vào bầu không khí trong quá trình khai thác và vận chuyển từ đường ống.

Tuy vậy, theo ông Saddler, khí đốt vẫn là nguồn nhiên liệu chuyển đổi được sử dụng tạm thời tại Australia cũng như nhiều nước trên thế giới trong quá trình chuyển đổi từ năng lượng than đá sang năng lượng tái tạo.

Xu hướng điện năng toàn cầu

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo, nhu cầu khí toàn cầu dự kiến sẽ tăng 50% từ năm 2014 đến năm 2040, tăng nhanh hơn các loại nhiên liệu khác và tăng gấp đôi so với dầu. IEA cho rằng khu vực châu Á sẽ là động lực tăng trưởng chính về nhu cầu tiêu thụ khí tự nhiên trong tương lai với tỷ lệ tăng trưởng bình quân mỗi năm khoảng 3 - 4,3%, riêng Trung Quốc và Ấn Độ cùng chiếm khoảng 30% mức tăng này.

Tỷ lệ sản lượng điện khí trên sản lượng điện than của thế giới không ngừng tăng lên trong vòng 20 năm qua. Sự gia tăng của nhiệt điện khí và giảm thiểu của nhiệt điện than trên thế giới đến từ ba nguyên nhân chủ yếu: cuộc cách mạng khí đá phiến tại Mỹ vào năm 2007; cuộc chiến chống ô nhiễm tại Trung Quốc, khởi đầu từ Kế hoạch hành động chống ô nhiễm không khí ban hành vào tháng 9/2013 và tiếp đến là Kế hoạch năng lượng 5 năm vào tháng 12/2016; Hiệp định Khí hậu Paris được 195 nước thông qua tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP21) vào tháng 12/2015 nhằm cắt giảm phát thải khí nhà kính, với trọng điểm là cắt giảm nhiệt điện than và chuyển hướng sang năng lượng sạch.

Hồi đầu năm 2020, nhiều bang tại Australia phải trải qua thảm họa cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử. Hàng trăm đám cháy vượt tầm kiểm soát trên khắp Australia, phá hủy hàng triệu ha rừng, cướp đi sinh mạng hàng chục người, thiêu rụi ít nhất 1.200 ngôi nhà. Nhiều nhà chuyên môn cho rằng, việc đốt các nhiên liệu hóa thạch gây biến đổi khí hậu sẽ dẫn tới các vụ cháy thường xuyên và dữ dội hơn, đẩy cuộc sống người dân Australia gặp nguy hiểm.

Chính quyền của Thủ tướng Australia Scott Morrison đã phải đối mặt với những lời chỉ trích nặng nề và kêu gọi cắt giảm khí thải cũng như cần nhanh chóng chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Các nhà khoa học và người dân cho rằng, mặc dù Australia - quốc gia chiếm tới 1,3% lượng khí phát thải toàn cầu - cam kết sẽ thực hiện mục tiêu giảm khí thải để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu song lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính tại nước này không những không giảm mà còn có xu hướng gia tăng, vì Australia chủ yếu sử dụng cơ chế mua tín dụng để thực hiện cam kết chỉ tiêu khí thải.

NGỌC QUỲNH
Cùng chuyên mục
Australia: Nhiều nhà máy điện khí hoạt động dưới công suất