Ấn Độ: Hàng loạt dự án thất bại tại Cơ quan Phát triển hàng không

(BKTO) - Tổng Kiểm toán và Kiểm soát Ấn Độ (CAG) vừa qua đã thực hiện một cuộc kiểm tra xem xét hoạt động của Cơ quan Phát triển hàng không (ADE) và chỉ ra nhiều sai phạm đáng lên án tại đây.




Một máy bay chiến đấu hạng nhẹ do ADE thiết kế. Ảnh: wikiwand.com

Nhiều dự án thất bại, ngân sáchbị tiêu tốn…

ADE nằm ở TP. Bangalore, là một đơn vị trực thuộc Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng (DRDO) Ấn Độ. ADE có nhiệm vụ chính là nghiên cứu, phát triển, sản xuất các thiết bị bay không người lái (UAV) và các thiết bị trong lĩnh vực hàng không quân sự để đáp ứng nhu cầu của các lực lượng vũ trang, đồng thời củng cố cơ sở hạ tầng và nâng cao trình độ công nghệ ngành hàng không.

CAG đã lựa chọn 16 dự án (có kinh phí thực hiện lên tới 23,06 tỷ Rupi Ấn Độ, tương đương 300,2 triệu USD), được ADE thực hiện trong 10 năm (2007-2017) để tiến hành kiểm toán. Báo cáo kiểm toán của CAG cho thấy, ADE đã không đáp ứng các mục tiêu, nhiệm vụ của Cơ quan, hầu hết các dự án thất bại trong khi vẫn tiêu tốn những khoản tiền khổng lồ.

Kết quả cuộc kiểm toán cũng chỉ ra rằng, ADE đã thực hiện các dự án rất hời hợt, thậm chí không xác định các mục đích rõ ràng. Cơ quan này không tiến hành xem xét để phân loại, đánh giá xem cần tập trung hay ưu tiên dự án nào và giai đoạn nào của mỗi dự án, một số dự án không có các chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn giám sát. Hậu quả là những khoản tiền lớn chi cho hoạt động nghiên cứu đã bị chi tiêu lãng phí trong khi không mang lại hiệu quả nào đáng kể, thậm chí, nhiều dự án đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Một vấn đề khác được nhấn mạnh là ADE đã không vạch ra các kế hoạch thực hiện dự án cụ thể để đảm bảo các giai đoạn được quản lý sát sao nhất. Trong số 16 dự án trên, 10 dự án đã được hoàn thành nhưng chỉ 2 dự án đạt được các mục tiêu đề ra; có tới 13/16 dự án không có cán bộ chuyên trách và chuyên gia giám sát; 11/16 dự án không có kế hoạch chuẩn bị thực hiện, do đó không đạt được kết quả nào đáng kể. Ít nhất 10/16 dự án đã bị trì hoãn trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 6 năm; 3 dự án bị bội chi kinh phí, trong đó dự án bị bội chi cao nhất lên đến 3,69 tỷ Rupi. Hiện nay, 2 dự án vẫn đang trong quá trình thực hiện và có thể cần thêm kinh phí.

Ngoài ra, ADE bị chỉ trích không tuân thủ việc lập báo cáo về quá trình và hiệu quả hoạt động của các dự án. CAG cho biết, trong số 16 dự án được kiểm toán, có 9 dự án không được lập báo cáo nào. Trong một phát hiện khác, ADE vẫn báo cáo đã chi tới 43,4 triệu Rupi mua sắm thiết bị cho 4 dự án đã tạm dừng thực hiện.

Là hậu quả của sự quản lýyếu kém

Xem xét các lý do tại sao hầu hết các dự án tại ADE trong suốt 10 năm đều bị thất bại, CAG cho biết, lý do chính là Ban Lãnh đạo Cơ quan yếu kém, không làm tròn trách nhiệm, không cử các cán bộ đại diện để thương thảo với các nhà thầu và các bên liên quan trước khi thực hiện dự án. Trong suốt quá trình thực hiện dự án, các cán bộ có trách nhiệm cũng không giám sát, theo dõi tình hình công việc để kịp thời can thiệp khi cần thiết.

ADE đã thực hiện các dự án mà không tuân thủ các quy định trong Quy trình xây dựng và quản lý dự án, từ giai đoạn lập kế hoạch đến quá trình thực hiện. Việc không tuân thủ các quy định này dẫn đến tình trạng không xác định rõ đối tượng của các sản phẩm thuộc dự án, không đánh giá được kết quả của dự án, các sản phẩm theo thiết kế đã không được sản xuất thành công và không được đưa vào sử dụng.
Sau khi những phát hiện của cuộc kiểm toán trên được công bố, người phát ngôn và Giám đốc của ADE đã được yêu cầu giải trình nhiều tuần qua. Tuy nhiên, đến nay, hai ông này vẫn chưa đưa ra lời bình luận nào về những sai phạm nghiêm trọng tại đây.

Nhìn lại hơn một thập kỷ trước, DRDO - cơ quan nghiên cứu và phát triển các sản phẩm cho lực lượng vũ trang hàng đầu Ấn Độ - cũng vướng phải nhiều cáo buộc đã chi những khoản tiền khổng lồ từ ngân sách vào các mục đích không rõ ràng, không mang lại hiệu quả, lợi ích nào cho tổ chức, cho đất nước. Những thành công của DRDO từng được Chính phủ ca ngợi trong quá khứ đã trở nên quá mờ nhạt. Đặc biệt, cùng với những sai phạm của ADE vừa được phát hiện, giờ đây, nhắc đến DRDO, người ta chỉ còn biết đến một cơ quan hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí ngân sách và có thể tiếp tục mang lại nhiều hậu quả xấu cho nền an ninh quốc gia. Do đó, DRDO đã bị yêu cầu cơ cấu lại toàn bộ Tổ chức.
TUỆ LÂM
Cùng chuyên mục
Ấn Độ: Hàng loạt dự án thất bại tại Cơ quan Phát triển hàng không